Cuộc sống không nước, không điện ở Dải Gaza

04/08/2014 11:00 GMT+7 | Trong nước

(giaidauscholar.com) – Theo CNN, kể từ thứ 3 tuần trước (29/7), người dân ở Dải Gaza đã phải sống trong tình trạng không có điện, thậm chí tồi tệ hơn là không có nước, trong khi đạn vẫn nổ, pháo vẫn rơi.

Cuộc xung đột mới nhất với nước láng giềng Israel của Palestine đã ngày càng làm đảo lộn và vùi sâu cuộc sống của những người dân vô tội ở Dải Gaza vào khổ đau, cùng cực. 

Tại những bệnh viện lớn, nơi tiếng còi xe cấp cứu không bao giờ dứt bởi cuộc giao tranh đẫm máu kéo dài hàng tuần khiến hơn 1.500 người thiệt mạng và hàng ngàn người bị thương, có lẽ tất cả các thiết bị y tế đã trở nên vô nghĩa nếu không có sự hỗ trợ của hai chiếc máy phát điện.

Mọi thiết bị y tế ở các bệnh viện đều phải cần đến sự trợ giúp của máy phát điện.

Ngay sau khi nhà máy điện duy nhất ở Gaza bị trúng đạn pháo trong cuộc giao tranh đẫm máu, mọi nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn giữa 2 bên cũng đổ bể vào thứ 6 tuần trước (1/8) sau khi Israel tuyên bố các chiến binh Palestine đã bắt cóc một binh sĩ của mình. Người dân Gaza lại bị bỏ lại đằng sau và tiếp tục sống trong chuỗi ngày lo lắng về một tương lai mờ mịt không lối thoát dưới bom đạn khốc liệt.

Cuộc sống ở “vùng đất chết” tiếp tục bị hủy hoại

Như bao lần xung đột xảy ra, Israel và Hamas vẫn không ngừng đổ lỗi cho nhau về thiệt hại, thương vong. Sau khi mọi hoạt động và sinh hoạt của người dân trên dải Gaza bị ảnh hưởng nặng nề trong tình trạng không điện, không nước, các quan chức Palestine lên án cuộc không kích của Israel chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăm tối này. Ngược lại, Israel phủ nhận mọi cáo buộc và khẳng định rằng nhà máy điện không phải là mục tiêu của quân đội nước này.
 
Theo ông Fathi al-Sheikh Khalil, Phó Chủ tịch Cơ quan Năng lượng Palestine và Tài nguyên thiên nhiên Gaza, đến thứ ba tuần trước (29/7), ít nhất 40% nhiên liệu ở Gaza đã bị đốt cháy. Nhà máy điện duy nhất sẽ được xây dựng lại nhưng không thể hoạt động trong vòng ít nhất một năm tới. "Đây thực sự là một thảm họa", Fathi cho hay.

Đống đổ nát trong những bệnh viện bị pháo kích hủy diệt.

Quan chức này cũng tiết lộ, một bình nhiên liệu 300.000 lít, cung cấp nguồn điện năng đủ sử dụng trong vòng một ngày ở Gaza, đã bị trúng đạn và bốc cháy. Pháo kích kinh hoàng đã làm ảnh hưởng nặng nề đến công tác cứu hỏa, khiến ngọn lửa nhanh chóng lây lan sang các thùng nhiên liệu khác. "Chúng tôi không thể cung cấp điện cho bệnh viện, máy bơm nước, hệ thống xử lý nước thải hay nước sinh hoạt. Mọi người phải bơm nước vào bể ở khu dân cư nhưng không có điện", Fathi bày tỏ.

Jamal Derdsawoi, một đại diện của công ty điện Gaza, cũng cáo buộc Israel chính là thủ phạm gây ra cuộc pháo kích: "Bằng cách tấn công vào nhà máy điện và cắt điện, họ đang giết chết cuộc sống của dân thường ở Gaza".
 
Một phát ngôn viên quân đội Israel cho biết, sau khi kiểm tra tổng thế, "không có dấu hiệu nào cho thấy Lực Lượng Phòng Vệ Israel đã tham gia vào cuộc tấn công. Khu vực xung quanh nhà máy cũng không bị tấn công trong những ngày gần đây".

Hàng loạt các công trình lớn và nhà ở đã bị hủy hoại trong cuộc xung đột ác liệt giữa Israel và Hamas.

Phản ứng về trận pháo kích vào nhà máy điện duy nhất ở Gaza, Liên Hiệp Quốc cáo buộc đây là một cuộc tấn công có chủ ý và vi phạm luật nhân đạo. Trước cuộc tấn công, hầu hết điện năng ở Gaza đều được Israel cung cấp. Tuy nhiên, đường dây tải điện tại biên giới cả hai bên đã bị một trong hai tên lửa hủy diệt. Theo CNN, kế hoạch sửa chữa và khôi phục có thể mất đến một tuần.
 
Tháng trước, một chính trị gia Israel đã kêu gọi chính phủ nước này vĩnh viễn cắt điện ở Gaza, đặc biệt kể từ khi khoản nợ tiền điện của Palestine lên đến hàng chục triệu USD. 

Bóng tối và sự cô lập của chiến tranh 

Kể từ khi Israel thực hiện Chiến dịch “Vành đai Bảo vệ” chống lại Hamas vào ngày 8/7, nhiều cư dân sống ở Gaza đã ngày ngày phải chứng kiến cảnh người thân thiệt mạng dưới đạn pháo, cuộc sống rơi vào bế tắc và chìm sâu vào chiến tranh.

Hình ảnh quen thuộc của bom đạn ở "vùng đất chết" mang tên Gaza.

Theo Liên Hiệp Quốc, gần 250.000 người, khoảng 14% dân số trên lãnh thổ nhỏ bé và nghèo khổ ở Trung Đông, đã phải di tản vì giao tranh. Xung đột đẫm máu đã khiến 327 trẻ em và 166 phụ nữ thiệt mạng, Bộ Y tế Gaza báo cáo. UNICEF cho biết, một con số đau lòng là khoảng 2/3 trẻ em thiệt mạng đều từ 12 tuổi trở xuống. LHQ ước tính rằng trong số hơn 1.500 người Palestine thiệt mạng thì có hơn 70% là dân thường và 150 nạn nhân là thành viên của các nhóm vũ trang.
 
Israel đã quy trách nhiệm cho Hamas là lực lượng gây ra cái chết cho hàng nghìn dân thường và tuyên bố các chiến binh Palestine đã sử dụng nhà ở, trường học, nhà thờ Hồi giáo và bệnh viện để khởi động các cuộc tấn công vào người dân Israel. Kể từ khi diễn ra cuộc giao tranh, 3 thường dân và 66 binh sĩ Israel đã thiệt mạng, trong khi nhiều người khác đều buộc phải tìm nơi trú ẩn dưới “cơn mưa” tên lửa. 

Cơn ác mộng của người dân Gaza bao giờ mới đến hồi kết?

Yasmeen El Khoudary, một phụ nữ 24 tuổi sống ở thành phố Gaza, cho biết cô đã sống trong tình trạng mất điện trong hai ngày nay và cũng không rời khỏi nhà trong suốt một tuần lễ. El Khoudary nói dù vẫn có đủ lượng lương thực thực phẩm dự trữ nhưng an toàn mới là mối quan tâm hàng đầu trong bối cảnh xung đột chưa có điểm dừng, bất chấp lệnh ngừng bắn. 

Trong bóng tối và sự cô lập của chiến tranh, El Khoudary viết về cuộc sống: "Suy nghĩ của tôi bị cắt ngang bởi một vụ đánh bom của Israel làm rung chuyển ngôi nhà hai tầng của chúng tôi. Trước sự bàng hoàng của tôi, anh trai tôi vẫn còn tỉnh táo. Anh ấy đến chúc tôi một ngủ ngon trước khi đi ngủ. Ghé tai nghe tin tức từ chiếc radio nhỏ, anh ấy nói với tôi rằng 20 người đã bị sát hại ở Khan Yonis".

El Khoudary nói mình không bao giờ muốn nhìn thấy chiếc radio ấy một lần nào nữa.  "Nó chẳng mang đến điều gì tốt đẹp cả. Những tin tức về cái khiến người ta tức giận, bị cào xé với nỗi buồn, sự sợ hãi và hiếm khi xuất hiện một niềm hy vọng”.

Hải Yến
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm