02/08/2018 02:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Cuốn sách Thang Trần Phềnh (1895-1973) của nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi do NXB Mỹ thuật ấn hành là một công trình đặc biệt, nó giới thiệu về một họa sĩ tiền phong, có tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhưng lại rất ít người biết đến.
Trong buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ 20, Thang Trần Phềnh cùng với Lê Huy Miến (1873-1943), Nam Sơn (1890-1973) đã là niềm cảm hứng lớn lao cho họa giới thời bấy giờ. Những khác với hai vị còn lại, tên tuổi của Thang Trần Phềnh cứ như muốn bật ra khỏi dòng chảy lịch sử.
Thành danh trước khi có trường mỹ thuật
Ngay đầu thế kỷ 20, tại Hà Nội đã có rất nhiều cuộc đấu xảo nội địa và quốc tế (như ngày nay là hội chợ) về văn hóa nghệ thuật.
Từ năm 16 tuổi (tức là năm 1911), Thang Trần Phềnh đã gởi bức tranh Chùa Trấn Quốc trước khi mặt trời lặn (màu nước) tham gia đấu xảo và bán. Cách đặt tên bức tranh có thể cho ta thấy tính hiện đại của nó, bởi thông thường người ta sẽ đặt tên kiểu như “hoàng hôn chùa Trấn Quốc”.
Gần 10 năm sau đó, tranh ông liên tục được đấu xảo và bán ra cả nước ngoài, giúp ông nổi tiếng.
Ngô Kim Khôi viết: “Điều đáng kể, vào năm 1923, từ ngày 25/11 đến ngày 10/12, một cuộc đấu xảo do Hội Khai trí Tiến Đức tổ chức tại trụ sở gần hồ Hoàn Kiếm, đã triển lãm những bức tranh sơn dầu đầu tiên của nước Việt Nam, trong đó có những tác phẩm của Thang Trần Phềnh”.
Trên tạp chí Nam phong số 78, phát hành tháng 12/1923, trong bài Cuộc đấu xảo mỹ nghệ của Hội Khai Trí, Thượng Chi (tức Phạm Quỳnh) viết về Thang Trần Phềnh như sau: “Về nghề họa, gần đây có mấy bậc thanh niên tài tử tập lối thủy họa (aquarelle) của Tây đã tinh thần lắm, như ông Trần Phềnh, ông Ngô Đặng Đĩnh, hai ông kỳ đấu xảo này đều được thưởng cả. Nhưng ông Trần Phềnh không phải được thưởng về thủy họa, lại được thưởng về hai bức vẽ sơn”.
“Hai bức này là thuộc về lối đại họa bút, nghĩa là lối vẽ thành bức lớn, họa giả phải nghĩ kiểu, phải bố trí thế nào cho thành một cái toàn thể có ý tứ. Lối này mới, thật lộ được cái tài sáng nghĩ, cái tài kết cấu của họa giả, chứ lối thủy họa chỉ là hình dung mô phỏng cái chân cảnh trước mắt mà thôi. Nhưng cũng vì thế mà khó hơn nhiều. Người vẽ đây cũng như người làm văn, phải chọn đề, phải cấu tứ, chỉ khác là nhà văn thì phô diễn bằng câu văn mà nhà họa thì phô diễn bằng hình sắc. Ông Trần Phềnh chọn đề trong Nam sử, lấy hai tích về truyện Trưng Nữ Vương và Trần Hưng Đạo”.
Được học giả Phạm Quỳnh nhận xét như vậy, hiển nhiên Thang Trần Phềnh không đơn giản là họa sĩ tự học, vẽ theo cảm xúc, mà đã có dấu ấn và tạo được sự quan tâm.
Trong 266 thí sinh từ Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Phnom Pênh và Vientiane đăng ký dự thi khóa 1 vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, có tên của Thang Trần Phềnh. Nếu so với các thí sinh còn lại, ông đã là họa sĩ thành danh, mà chính những tên tuổi lớn sau này như Tô Ngọc Vân cũng rất ngưỡng mộ. Thế nhưng ngày khai trường 16/11/1925, Thang Trần Phềnh đã không có mặt, vì bị đánh rớt.
Cuộc đời bí ẩn
Thế nhưng, trong 88 thí sinh dự tuyển vào khóa 2, thi ngày 27/8/1926, cũng có tên của Thang Trần Phềnh. Một họa sĩ nổi tiếng mà thi rớt, cả Hà Nội xì xầm, vậy mà không làm ông chùn bước. Khóa này có chỉ tiêu tuyển 10 người, nhưng do có 2 người cùng số điểm, nên trường quyết định 11 thí sinh, trong đó có Thang Trần Phềnh.
Ông học cùng khóa với Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Hồ Văn Lái, Lê Tiến Phúc, Đặng Trần Cốc, Nguyễn Hữu Đẩu, Nguyễn Văn Hồng, Đỗ Đức Thuận. Hai người còn lại không thấy nhắc tên, do bỏ học giữa chừng. Năm 1931, Thang Trần Phềnh tốt nghiệp, nhưng lại nghiêng nhiều về trang trí sân khấu tuồng cổ, ít hoạt động về mỹ thuật. Kể cũng lạ, khi chưa học chính quy thì lại rất năng nổ và khá nổi tiếng về mỹ thuật, nhưng khi học xong rồi, lại lơ là. Nhìn lại, khóa này chỉ có Vũ Cao Đàm và Tô Ngọc Vân thật sự thành danh.
“Trần Phềnh lập gánh hát Đồng Ấu, thu nhận các tài năng trẻ khoảng 10 tuổi để dạy hát dạy múa và đi hát ở Hà Nội, có khi đi các tỉnh quanh trong xứ Bắc kỳ thời thuộc Pháp. Ông vừa vẽ phông cảnh, vừa dạy các nghệ sĩ bé nhỏ hát các giọng Hồ Quảng, tích hát cải lương” - Ngô Kim Khôi dẫn theo tài liệu gia đình.
Thang Trần Phềnh có nguyên quán ở xã Xuân Quang, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông sinh ngày 18/5/1895 tại Hà Nội, có cha là người gốc Hoa, tên Thang Thọ Ký (hiệu Nhân Sơn), mẹ là người Việt, tên Lê Thị An. Nhà ông mấy đời ở số 14 phố Hàng Cá, có một cửa trổ ra phố Chả Cá, số 3B.
“Thuở bé, ông đã rất có năng khiếu về vẽ, khi học Trường Bưởi (lycée du Protectorat/ trung học Bảo hộ), ông luôn đứng nhất môn hội họa. Gia cảnh khó khăn, có ý thức tự lập sớm, nên đã vẽ tranh bày bán trong hiệu buôn của cha mình. Không có thầy dạy, tự mày mò, nhìn thấy vật gì, hoặc người, hoặc cảnh đẹp đều vẽ lại” - Ngô Kim Khôi viết.
Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, tản cư về Nhã Nam - Yên Thế (Bắc Giang), làm việc tại Sở Thông tin - Tuyên truyền liên khu 10. Năm 1954, ông đưa gia đình trở về Hà Nội, cộng tác với rạp hát Chuông Vàng (Kim Phụng) cho đến năm 1963, chuyên vẽ nghệ thuật sân khấu và vẽ phông rạp hát.
Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam từ năm 1957. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu, từ giấy, lụa, vải bố cho đến bút sắt, mực tàu, thuốc nước, bột màu, phấn tiên, sơn dầu… Tác phẩm hội họa có thể nhiều hơn 100 bức, nhưng ngoài những bức trong bảo tàng và các bộ sưu tập tư nhân, gia đình không còn giữ lại bao nhiêu. Con cháu Thang Trần Phềnh hiện vẫn sống tại Hà Nội.
Cuộc đời nhiều bí hiểm Tác giả Ngô Kim Khôi cảm thán: “Ông là một trong những họa sĩ có tài liệu ít ỏi nhất. Đi vào cuộc đời của ông là bước vào một thế giới bí hiểm đầy khám phá thú vị, cũng giúp bạn đọc có cái nhìn chung thời kỳ đầu của nền hội họa Đông Dương nói riêng và Việt Nam nói chung”. |
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất