28/11/2015 12:15 GMT+7 | Bóng đá Việt
(giaidauscholar.com) - Khá ầm ĩ khi tiền đạo đội trưởng B.Bình Dương, Nguyễn Anh Đức, lọt vào danh sách đề cử (10 cầu thủ) cho danh hiệu Quả bóng Vàng (QBV) Việt Nam 2015, chỉ vì… không ai xứng đáng hơn anh!
Ai quyết định danh hiệu Quả bóng Vàng?
Gần 160 phiếu bầu được phát ra và thu lại, dành cho các chuyên gia bóng đá, các HLV, các nhà báo thể thao…, nhưng BTC vẫn chưa công bố có bao nhiêu phiếu hợp lệ, đồng thời công khai điểm số (với 1 phiếu cho QBV là 3 điểm, Bạc 2 điểm và DDồng 1 điểm), như một vài mùa thử nghiệm trước đây. Danh hiệu Quả bóng Vàng Việt Nam 2015 (và các hạng mục kèm theo như QBV nữ, Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất…), vì thế vẫn là một ẩn số, ít nhất đến đầu tháng 1/2016, thời điểm trao QBV.
Các tiêu chí được BTC cuộc bầu chọn (Báo Sài Gòn Giải Phóng – PV) đưa ra là chuyên môn (thành tích) và đạo đức nghề nghiệp. Lịch sử hơn 20 năm Quả bóng Vàng, kể từ khi giải thưởng tôn vinh cá nhân này ra đời, không thiếu những tấn bi hài: Người xứng đáng nhất lại không đứng trên bục cao nhất và ngược lại. Hai trong số 3 Quả bóng Vàng (QBV) của Thành Lương (Hà Nội T&T), rơi vào mùa giải mà Hà Nội ACB hay CLB bóng đá Hà Nội của anh trước đây, hoặc xuống hạng hoặc đá hạng Nhất.
Anh Đức (phải) xứng đáng, nhưng có giành được Quả bóng Vàng hay không lại là chuyện khác
Nhưng, Thành Lương là một trường hợp dị biệt, không chỉ tài năng và sự đức độ trên sân bóng, mà còn những hoạt động từ thiện bên lề khác, đúng hình ảnh của một “nam khôi”. Ngoài 2 năm lẻ đá SEA Games (2009 và 2011) rất hay, năm 2014, khi Lương hoàn tất cú hat-trick QBV (bằng với các đàn anh như Huỳnh Đức hay Công Vinh), dấu ấn của Lương trong chiến tích đoạt hạng 3 AFF Suzuki Cup của đội tuyển Việt Nam cũng rất đậm nét, bên cạnh ngôi á quân V-League cùng Hà Nội T&T.
Cuộc bầu chọn nào cũng gây những tranh cãi, ví như năm 2014 phải là năm của Văn Quyết, đồng đội của Thành Lương tại Hà Nội T&T, cũng như ĐTQG chẳng hạn. Bản thân Thành Lương và Công Vinh (QBĐ 2014) cũng thừa nhận điều này, nhưng Lương hay Vinh, hay cả BTC cuộc bầu chọn, cũng không thể quyết được. Danh hiệu thuộc về ai, phụ thuộc vào các phiếu bầu và như đã nhắc, phiếu bầu vốn cảm tính. Trong quá khứ, cũng không thiếu các cuộc "chạy dây, dồn phiếu".
Các trường hợp của Huy Hoàng (2006 – 2007), Như Thành (2008), các trung vệ có thể nói là hay nhất của bóng đá Việt Nam trong hơn 10 năm đổ lại, hay Quang Hải (2010)…, là những bất công khác. Trung vệ SLNA, Nguyễn Huy Hoàng, thậm chí không có tên trong danh sách đề cử ban đầu, tại 2 mùa giải mà anh chơi cực hay ở CLB cũng như ĐTQG, cho đến khi các phóng viên tự tay điền tên cầu thủ này vào (hoàn toàn hợp lệ). Nhưng, Huy Hoàng cũng chỉ về thứ 5 ở cuộc bầu chọn năm 2007.
Chuyện riêng của Becamex Bình Dương
Sau khi các danh hiệu QBV 2014 đã có chủ, bên là gala trao giải, tiền đạo Lê Công Vinh khẳng định, anh vẫn còn cơ hội đoạt Vàng, ngay thời điểm mà anh đang thất sủng trong màu áo B.Bình Dương (thời HLV Lê Thuỵ Hải). Tại sao Vinh lại tự tin thế, dù thực cảnh đã và đang chống lại anh?! Nhưng, một cầu thủ giàu khát vọng và sự cầu tiến như Công Vinh có lý lẽ riêng của mình. Cùng với danh hiệu vô địch V-League 2015, Vinh cũng chơi khá nổi bật trong màu áo ĐTQG.
Tuy nhiên, vẫn còn những lý do khác khiến một người giàu trải nghiệm như Công Vinh có thể đoán được "hậu vận". Đó là sự khan hiếm các thần tượng, những cầu thủ thực sự khác biệt và có thể tạo ra được sự khác biệt, của nền bóng đá đương đại. Nói như cựu QBV nữ Lưu Ngọc Mai, bóng đá Việt Nam lúc này không tìm được những QBV thật sự như trước đây, thời của cô. “Họ, các cầu thủ cứ na ná nhau, giống như bao cuộc thi hoa hậu vậy, nét đẹp thuần Việt bị mai một nhiều vì… dao kéo”, Mai nói.
Việc Anh Đức được đề cử vào danh sách bầu chọn, đã khiến một bộ phận bật ngửa, dù so bó đũa chọn cột cờ, có thể nói là khó ai hơn Anh Đức ở 2 mùa giải qua. Lý là bởi, tiền đạo đội trưởng B.Bình Dương khá khép kín, không biết và gần như không có nhu cầu làm hình ảnh. Nó hoàn toàn trái ngược so với người đồng đội ở CLB, cũng như ĐTQG, Lê Công Vinh. Với đầy đủ các dữ liệu cần và đủ, nếu Anh Đức chỉ về thứ ba trong cuộc đua lần này, đấy cũng là một sự bất công trong bóng đá.
Như bao cuộc bầu chọn khác, thành tích của cầu thủ chỉ được tính trong năm bầu chọn, chứ không phải sự cộng dồn hay tri ân, kiểu như Trần Công Minh (1999), thậm chí cả cựu tiền vệ đội tuyển Việt Nam, Nguyễn Minh Phương (2010). Thế nên, Tấn Tài cũng không cần thiết phải hậm hực, khi năm 2012, người ta họn Huỳnh Quốc Anh chứ không phải cựu tiền vệ CLB K.Khánh Hoà và đội tuyển Việt Nam. Tài hay, thậm chí là rất hay, nhưng năm 2012, Quốc Anh thậm chí còn hay hơn nhiều.
Trở lại với cuộc bầu chọn 2015, B.Bình Dương dù góp đến 4 – 5 cái tên trong danh sách đề cử (có cả thủ thành nhập tịch Quốc Thiện Esele), nhưng chốt lại cũng chỉ Anh Đức, Công Vinh và Trọng Hoàng. Họ sẽ “đấu” với Nguyên Mạnh (SLNA và Đđội tuyển Việt Nam), Thành Lương, Văn Quyết (Hà Nội T&T và đội tuyển Việt Nam)… Công Phượng, nói thẳng chưa “đủ tuổi” để ngồi mâm trên, bởi thành tích năm 2015 của tiền đạo trẻ này là con số không. Phượng chiếu cố thì nằm ở hạng mục Cầu thủ trẻ.
Có thể ngay lúc này, nhà tổ chức đã có kết quả rồi, nhưng ai là người chiến thắng cuối cùng thì còn phải chờ. Chờ đợi có là hạnh phúc hay không, cũng còn tuỳ.
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất