20/05/2011 11:13 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Ngày 19/5, chính trị gia người Pháp Dominique Strauss-Kahn, đã tuyên bố từ chức Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Quyết định trên lập tức đã mở màn cho một cuộc tranh cãi giữa Mỹ, Liên minh châu Âu và các nước đang phát triển về việc ai xứng đáng lãnh đạo một trong những định chế tài chính quan trọng nhất của thế giới.
Trong lá thư gửi cho ban lãnh đạo IMF, ông Dominique Strauss- Kahn đã bày tỏ ý định muốn từ chức “ngay lập tức”. “Tôi hết sức buồn khi buộc phải gửi cho ban lãnh đạo IMF đơn xin từ chức giám đốc” - ông Strauss- Kahn viết trong thư, đồng thời gửi gắm tình cảm tới vợ con, gia đình, bạn bè và các đồng nghiệp ở IMF.
Tiếp nối truyền thống lãnh đạo tới từ châu Âu?
Với việc ông Strauss-Kahn ra đi, nhân vật số 2 ở IMF hiện nay là ông John Lipsky, sẽ tiếp tục lãnh đạo định chế, cho tới khi người kế nhiệm được tìm thấy.
Nhật, Mỹ và Canada đều bày tỏ sự tin tưởng vào ông Lipsky. Tuy nhiên do ông là người Mỹ, các quan chức châu Âu đã nói rằng ông không có hiểu biết và ảnh hưởng ngang với Strauss-Kahn trong việc giải quyết khủng hoảng nợ châu Âu. Tuần trước, chính ông Lipsky cũng tuyên bố sẽ rời IMF, sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 8 tới.
Bà Christine Lagarde, gương mặt sáng giá được
dự báo sẽ trở thành lãnh đạo kế tiếp của IMF
Điều này có nghĩa IMF sẽ phải tìm một nhân vật mới từ bên ngoài về làm lãnh đạo. Các quan chức thuộc Liên minh châu Âu (EU) như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso đã lên tiếng đề nghị lãnh đạo tiếp theo của IMF phải là người châu Âu. Họ nói rằng lãnh đạo kế tiếp của IMF phải đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công trong EU, vốn đe dọa có thể đẩy Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha vào tình trạng vỡ nợ.
Trong danh sách những ứng viên tới từ châu Âu có cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown, chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Đức Axel Weber, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ Josef Ackermann, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Peer Steinbrueck, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ba Lan Marek Belka... Nổi bật nhất trong số đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Christine Lagarde.
Năm nay 55 tuổi, bà Lagarde từng là nữ chủ tịch đầu tiên của Công ty luật Baker MacKenzie ở Chicago, Mỹ, trước khi được ông Sarkozy đưa vào ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bà giành được sự kính trọng của giới kinh doanh trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giúp Pháp vượt qua nhiều cuộc thương thảo khó khăn tại những tổ chức như nhóm G-20. Năm 2009, bà được tờ Financial Times bầu chọn là Bộ trưởng Tài chính giỏi nhất châu Âu.
Nhưng khó khăn chống lại Lagarde nằm ở chính quốc tịch của bà bởi người Pháp đã điều hành IMF suốt 26/33 năm qua. Sự cố DSK khiến Paris khó có thể nói rằng IMF vẫn cần một nhà lãnh đạo tới từ Pháp. Ngoài ra, Tổng thống Nicolas Sarkozy có thể cũng không muốn Lagarde, một nhân vật được ưa thích trong nội các của ông, tới trụ sở IMF nằm ở Mỹ để làm việc, trong khi Pháp vẫn còn nắm vị trí Chủ tịch nhóm G20 và chỉ còn một năm nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống.
Cơ hội cho châu Á
Tuy nhiên đã có những lời kêu gọi thay đổi việc chọn người châu Âu lãnh đạo IMF, một truyền thống vốn đã kéo dài hơn một thế kỷ qua. “Không có chút lô-gic nào trong truyền thống IMF phải nằm dưới sự điều hành của một người châu Âu” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij nói với tờ Wall Street Journal hôm 19/5.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Philippines Cesar Purisima, việc vai trò của châu Á như động cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nghĩa nơi này phải cầm cương IMF. Đó cũng là quan điểm của Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Agus Martowardojo. “Sẽ rất tốt nếu cơ hội được mở ra cho các ứng cử viên châu Á. Indonesia sẽ hoan nghênh và ủng hộ động thái này”.
Ông Montek Singh Ahluwalia, cố vấn kinh tế của Thủ tướng Ấn Độ -
ứng viên sáng giá từ châu Á
Một nhân vật sáng giá từ châu Á là Montek Singh Ahluwalia, người Ấn Độ. Năm nay 67 tuổi, ông Ahluwalia đảm nhiệm vị trí cố vấn kinh tế cho Thủ tướng Manmohan Singh. Ông được xem là nhân vật quan trọng trong quá trình cải cách kinh tế Ấn Độ từ giữa những năm 1980 trở lại đây. Ông ủng hộ thị trường mở, đã thúc đẩy Chính phủ chấm dứt trợ giá xăng dầu và gỡ bỏ các rào cản thương mại với những doanh nghiệp nước ngoài. Ông cũng có thời gian làm giám đốc Phòng Đánh giá Độc lập của IMF và có một sự nghiệp tương đối ở WB. Rào cản lớn nhất của ông là đã quá cao tuổi.
Những gương mặt ứng viên từ các nước đang lên
Theo Charles Jenkins, nhà kinh tế tại tập đoàn The Economist, với việc các nước đang phát triển đang rót ngày càng nhiều vốn vào IMF và tình trạng thâm hụt đang tăng lên từ những nước cấp vốn truyền thống cho quỹ như Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản, sẽ tốt hơn nếu người ta chọn ai đó bên ngoài nhóm các nước này để thay cho DSK.
Ông đề cử Bộ trưởng Bộ Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Dervis làm lãnh đạo tiếp theo của IMF. Quả thực Dervis là một người rất tài năng. Ông rời Thổ Nhĩ Kỳ để gia nhập Ngân hàng Thế giới (WB) hồi năm 1978. Ông thậm chí đã nắm ghế Phó Chủ tịch WB trong năm 1996. Năm 2001, ông trở về nhà trong sự chào đón nồng nhiệt của Thổ Nhĩ Kỳ và được giao nắm ghế Bộ trưởng Bộ Kinh tế, khi Ankara đang đối mặt với tình trạng hệ thống ngân hàng hoạt động không hiệu quả, lạm phát tăng cao và tiền mất giá mạnh. Ông chính là người đã cứu vãn Thổ Nhĩ Kỳ khỏi bờ vực vỡ nợ nhờ việc tiến hành các biện pháp cải cách kinh tế đầy khó khăn và đem về hàng tỷ USD tiền cứu trợ từ IMF. Danh hiệu của Thổ Nhĩ Kỳ là nước có nền kinh tế đang lên có thể sẽ làm giảm sự phản đối từ nhóm các nước đang phát triển, những quốc gia luôn cảm thấy đã bị gạt ra khỏi tiến trình lựa chọn giám đốc IMF.
Xếp sau Dervis là Trevor Manuel, 55 tuổi, người Nam Phi. Ông là nhân vật khá được kính trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã từng nắm ghế Bộ trưởng Bộ Tài chính Nam Phi từ năm 1996 đến 2009. Lâu nay người ta vẫn xem ông là ứng viên tiềm năng ngồi vào ghế lãnh đạo IMF hoặc WB, dù những người trong cuộc ở IMF tin rằng sẽ phù hợp hơn nếu Manuel đảm trách một tổ chức có trọng tâm chống đói nghèo như WB.
Tiếp đó là Agustin Carstens, người Mexico. Nhân vật 52 tuổi này có phần lớn sự nghiệp là người điều hành chính sách kinh tế ở Mexico và mới nắm ghế Thống đốc Ngân hàng Mexico hồi tháng 1 năm ngoái. Ông từng làm Phó Giám đốc điều hành IMF từ năm 2003 đến 2006. Tuy nhiên trở lại lớn nhất của Carsten là ông tới từ châu Mỹ. Hiện WB đang nằm dưới sự chỉ đạo của quan chức người Mỹ Robert Zoellick và các nước khác không muốn thấy IMF cũng nằm dưới quyền của một người tới cùng châu lục với ông này.
Vấn đề lớn nhất hiện nay là châu Á và nhóm các nền kinh tế đang lên chưa chọn được một đại diện chung của họ. Giới phân tích nói rằng nếu muốn ngăn chặn Lagarde nắm quyền giám đốc IMF, các nền kinh tế đang lên như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, cần phải nhanh chóng đồng ý thông qua một ứng cử viên đại diện cho họ và dựa vào đó để gây sức ép buộc Mỹ cùng EU phải thuận theo.
Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất