22/03/2011 12:01 GMT+7 | V-League
(TT&VH) - 3 lần liên tiếp đoạt danh hiệu Còi vàng, ông Hiền đủ tư cách để bàn luận chuyện trọng tài (TT) trong nước. Dưới đây là cuộc phỏng vấn giữa TT&VH và vị cựu TT nổi tiếng này.
* Lần này, chúng ta sẽ cùng trao đổi xung quanh lỗi nhận định, đặc biệt là những quả phạt đền, đang làm náo động sân cỏ Việt Nam. Quan điểm của ông thế nào khi các đội kêu ca TT thổi “ác”!
- Thời còn cầm còi, tôi có nguyên tắc: mỗi quả phạt đền sai coi như một tội lỗi. Nói thế bởi quả phạt đền làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả trận đấu, ảnh hưởng bao công sức của một đội bóng cụ thể. Phải đặt mình trong trường hợp các đội bóng, mới thấy hết nỗi đau khổ của họ.
Muốn thế thì phải chắc chắn 100% mình đúng thì mới thổi phạt đền. Đã cảm thấy chắc chắn thì đừng sợ áp lực và bị tình cảm chi phối. Khán giả thường hay suy diễn. Nhiều TT sau khi thổi phạt đền lại điều hành chùng xuống, thậm chí nương tay cho đội mới bị thổi, thì chắc chắn bị cho là tư tưởng có vấn đề, do ân hận nên mới bù cho “bị hại”. Năm 2007, trận chủ nhà Thanh Hóa –SLNA, tôi vẫn kiên quyết thổi phạt đền cho SLNA, dù lúc đó thủ môn Mạnh Hà của chủ nhà phải vào bệnh viện cấp cứu vì gãy chân. Đấy là lỗi của anh ta, do vào bóng ác ý với Công Vinh trong vòng cấm nên tự hại mình. Không vì khán giả dọa giết, thủ môn chấn thương như thế mà ưu ái cho Thanh Hóa. Trận đó tôi nhớ mãi, công an Thanh Hóa phải áp tải tổ TT trên quãng đường 30 km để rời khỏi địa phương này ngay trong đêm.
Thú thực, sau khi ầm ỹ, nếu quả phạt đền hay thẻ đỏ được chứng minh là đúng, tôi sướng đến mấy ngày. Chắc anh em TT cũng thế cả. Nhưng, khi sai, thì ân hận lắm, mặc cảm tội lỗi khiến người bứt rứt, khó chịu.
Cựu TT Dương Văn Hiền cho rằng làm trọng tài phải đặt mình trong trường hợp các đội bóng mới thấy hết cảm xúc của họ
Để hạn chế sai sót lỗi nhận định, không có gì tốt hơn là di chuyển thật tốt, bám sát các tình huống và có góc quan sát rộng. Mặt khác, phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu tính cách của cầu thủ, xem anh nào láu cá, hay đánh lừa TT. Điều đó giúp ích cho TT khi làm nhiệm vụ.
Tôi ví dụ, thời bắt các trận có Thể Công đá, khi bóng đến chân Hồng Sơn thì tôi không di chuyển vội. Đơn giản bởi cậu ấy sẽ phải đi bóng lắt léo qua vài ba cầu thủ rồi mới chuyền bóng. Nhưng với thủ môn Santos, khi anh ta có bóng thì TT lo mà cắm cổ chạy về phía khung thành đội kia, bởi Santos thể nào cũng phát bóng tấn công dài. Về không kịp, hỗn loạn trước khung thành thì TT lĩnh đủ.
Ngoài bắt thóp cầu thủ, thì TT phải nhạy cảm trong việc đọc được trận đấu. Đây mới là điều quan trọng nhất. Có lần, một anh bạn giám sát người Australia đố tôi thế nào là một TT giỏi? Tôi trả lời là TT đọc trận đấu giỏi. Anh ta bảo rằng như thế chưa đủ, TT cần “ngửi” được trận đấu mới là giỏi. Ngẫm lại, đúng thật với bóng đá VN.
* Ông có nhận xét gì về những đồng nghiệp trẻ. Nếu có lời khuyên thì ông sẽ nói…
- TT trẻ thể lực tốt, năng động nhưng hạn chế là kinh nghiệm. Điều đó quyết định đến đẳng cấp nên không còn cách nào khác là phải khiêm tốn, không ngừng rèn luyện cả về tư cách lẫn chuyên môn, bởi mỗi năm chỉ tập huấn dăm ngày. Vợ tôi có lần tưởng tôi đầu óc không bình thường khi tôi đóng cửa xem bóng đá một mình, không bật âm thanh, miệng thì cầm còi thi thoảng lại toét một cái. Cô ấy chỉ yên tâm khi tôi giải thích, đấy là cách học hiệu quả nhất.
Tôi cũng muốn khuyên rằng các đồng nghiệp trẻ rằng, chúng ta có điều kiện nắm rõ luật hơn cầu thủ và các lãnh đội. Thế nên, khi vào sân hãy làm sao để giúp họ hiểu thêm luật, tôn trọng luật, thay vì thể hiện sự hầm hố, oai phong lẫm liệt và động cái là rút thẻ. Cuối cùng, nghề nào cũng vậy, phải có lương tâm nghề nghiệp, thì mới mong có thành tựu.
* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
HỮU QUÝ (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất