Bầu Thắng: Đã hết là người hùng?

21/07/2013 17:17 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Từng được xem là người đàn ông thành công nhất của bóng đá Việt Nam, nhưng giờ hình ảnh ông bầu Võ Quốc Thắng ngày một trở nên nhạt nhòa, mặc cho vị trí của ông đang ngồi giờ rất to: Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).

Khi công ty VPF manh nha hình thành vào cuối năm 2011, chính thức là thời điểm kết thúc V-League 2011. Khá nhiều người đã bất ngờ khi ghế chủ tịch công ty lại về tay ông Võ Quốc Thắng chứ không phải ông Lê Hùng Dũng, người đại diện cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), đơn vị nắm cổ phần lớn nhất trong VPF, hay bầu Nguyễn Đức Kiên, người khởi xướng cuộc cách mạng VPF hoặc bầu Đoàn Nguyên Đức, một người rất mạnh miệng.


BĐVN liệu có mấy người làm bóng đá tử tế như bầu Thắng

Càng lên cao càng mất… vía ?

Song khi nhìn lại, người ta mới thấy sự lựa chọn bầu Thắng ngồi ghế cao nhất ở VPF khá hợp lý vì nhiều lẽ. Thứ nhất, bầu Thắng đã có tất cả những thành công ở V-League với mô hình được cho là chuyên nghiệp, bàn bản và có bản sắc. Thứ hai, hình ảnh chỉn chu, trí tuệ và lời lẽ mực thước rất được lòng công chúng, giới truyền thông của bầu Thắng là thứ không phải thứ mà nhân vật bóng đá nào cũng có được.

Nhưng sau khi bầu Kiên rơi vào vòng lao lý thì một thời gian sau, dễ dàng nhận thấy, bầu Thắng hóa ra chỉ giống như một nhân vật “đóng thế” ở VPF, bởi hình ảnh, dấu ấn của ông chủ tập đoàn Đồng Tâm quá mờ nhạt. Cố gắng lớn nhất có thể thấy được của bầu Thắng là mời chuyên gia người Nhật Bản Kazuyoshi Tanabe về làm cố vấn, với hy vọng tạo cú hích đưa mô hình bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam tiến lên. Tuy nhiên, phương án mang nhiều màu sắc “Minh Trị duy tân” này đã thất bại. Một cố gắng khác của bầu Thắng trong vai trò chủ tịch VPF là “đẻ” ra “Ban tư vấn đạo đức”, nhưng từ sau những ồn ào ở vụ tin nhắn bán độ tại Siêu cúp quốc gia hồi đầu mùa, “Ban tư vấn đạo đức” có vẻ đã muốn… thôi tư vấn.

Trong khi những cải cách không đi tới đâu, bầu Thắng lại làm dư luận đặt nhiều câu hỏi khi ông nhận chức danh là chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng Kiên Long, tức quy phạm quy chế bóng đá chuyên nghiệp khi một cá nhân (tổ chức) không được tài trợ (bảo trợ) cho hai câu lạc bộ khác nhau cùng hạng đấu.

Mặc dù với nhiều người hiểu chuyện, vai trò thực của bầu Thắng ở ngân hàng Kiên Long chưa chắc “ghê gớm” như chức danh mà ông đang mang, nhưng dù sao nguyên tắc vẫn là nguyên tắc bởi như tất cả đều biết, một trong những tiền đề để VPF ra đời và nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng là chuyện chống lại bầu Đỗ Quang Hiển sở hữu Hà Nội T&T và SHB Đà Nẵng.

Đồng Tâm Long An: Mô hình đã không còn là mơ ước

Nói gì thì nói, cơ sở tạo nên danh tiếng, uy tín cho bầu Thắng vẫn là câu lạc bộ Đồng Tâm Long An, nên ở khía cạnh nào đó nếu bầu Thắng thất bại trong vai trò chủ tịch hội đồng quản trị VPF nhưng nếu “Gạch” vẫn thành công thì mọi chuyện sẽ khác.

5 năm kể từ sau cuộc chia tay không nước mắt với thuyền trưởng Henrique Calisto, thành tích của ĐT.LA ngày càng đuối dần và đỉnh điểm là cú rớt hạng đầu tiên vào năm 2011. Trở lại V-League 2013, hình ảnh của “Gạch” vẫn cứ nhợt nhạt và được điểm danh là ứng viên khả dĩ nhất cho chiếc vé duy nhất xuống hạng Nhất mùa tới.

Tất nhiên, trên danh nghĩa, bầu Thắng giờ không còn là chủ tịch ĐT.LA, mà thay vào đó là ông Võ Thành Nhiệm (em ruột ông Thắng), nhưng về bản chất chẳng có gì khác nhau. Những người thích thú với các số liệu thống kê hẳn đều biết ĐT.LA là câu lạc bộ thay tướng nhiều nhất kể từ thời “hậu Calisto” với gần cả chục huấn luyện viên cả ngoại lẫn nội lần lượt khăn gói ra đi.

Đã có một thời mô hình bóng đá của ĐT.LA được coi là “chuẩn men” cho bóng đá Việt Nam với cơ sở vật chất khang trang hiện đại cùng các tuyến trẻ từ U17 đến U21 và đội một. Thậm chí, mô hình của ĐT.LA từng được Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đưa vào chương trình “Tầm nhìn châu Á” như một điển hình tiên tiến để các nơi khác học hỏi. Tất cả điều đó đều dựa trên cơ sở ĐT.LA là một trong những câu lạc bộ giàu thành tích nhất của bóng đá Việt Nam trong thế kỷ 21 với hai chức vô địch, một Cúp quốc gia, một Siêu cúp quốc gia và sáu năm liên tiếp có mặt trong tốp ba đội dẫn đầu V-League. Các tuyến trẻ của Gạch nhiều năm là khách quen ở các vòng chung kết U19, U21.

Nhưng khi ông Calisto rời trung tâm Bến Lức và thêm một quãng thời gian vài năm để thẩm định lại tất cả, người ta mới giật mình khi thấy hóa ra mô hình của Gạch mang đậm dấu ấn cá nhân của ông thầy râu kẽm người Bồ Đào Nha. Thành tích của đội một đi xuống đã đành, khi điểm lại thành quả các tuyến đào tạo trẻ của Gạch trong suốt cả chục năm trời, họ chưa bao giờ lên ngôi ở vòng chung kết U19 hay U21 quốc gia. Tệ hơn, chưa có một sản phẩm đào tạo nào của lò ĐT.LA từng khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. Cần nói thêm, cầu thủ người Long An nổi tiếng nhất trong đội hình của ĐT.LA, Phan Văn Tài Em, là sản phẩm đào tạo của Sở Thể dục thể thao Long An mà ĐT.LA tiếp nhận lại khi còn ở hạng Nhất.

Bóng đá phải tiến lên phía trước. Dù trong phòng truyền thống của ĐT.LA chất đầy những chiếc cúp, nhưng không thể cứ ngoái lại nhìn để “ăn đong dĩ vãng”. Nhưng tiến bằng cách nào đây khi chính bầu Thắng và tập đoàn Đồng Tâm dường như không kham nổi gánh nặng tiền bạc khi phải nuôi đội bóng mà chẳng thấy khả năng sinh lời ở đâu.

Không còn là người hùng

Từ khi bước vào làm bóng đá, bầu Thắng đã xác định không làm theo kiểu “đốt tiền” và cách làm đó của ông được nhiều người ủng hộ, tán dương như một lối hành xử chuyên nghiệp thể thao, có trách nhiệm với xã hội.

Ngay cả trong thời kỳ Đồng Tâm còn ăn nên làm ra, bầu Thắng vẫn kiên định với con đường bóng đá “ngon, bổ, rẻ” và điều đó khiến mối quan hệ giữa ông với huấn luyện viên Calisto rạn nứt dần bởi quan điểm bất đồng. Một nhân vật từng được ca ngợi nhiều như bầu Thắng, tất lẽ gây ra sự thất vọng không tránh khỏi khi hình ảnh “người hùng” đã gục ngã.

Đúng ra, thất bại hôm nay của ĐT.LA không phải là lỗi của bầu Thắng. Ông được ví như hình ảnh “Don Quixote đánh nhau với cối xay gió”. Mục đích làm bóng đá của bầu Thắng là muốn đi đến cái đích bóng đá phải tự nuôi được bóng đá, câu lạc bộ phải được nuôi sống bằng “khe cửa bán vé” ở sân vận động. Nhưng bối cảnh khắc nghiệt của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, một thứ bóng đá được định danh là “chuyên nghiệp lĩnh lương cao”, một cá nhân bầu Thắng hay một đội ĐT.LA thì làm được gì?

Nhưng đó là chuyện vĩ mô. Còn ở cận cảnh một nhân vật thì sau những gì được thời gian thẩm định, mới thấy được rằng hình ảnh lung linh, đầy sức sống ngày nào của bầu Thắng giờ đã trơ trụi, nhạt nhòa.


Nguyên An
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm