28/12/2010 06:32 GMT+7 | Các ĐTQG
(TT&VH cuối tuần) - AFF Suzuki Cup 2010 chúng ta chỉ vào tới bán kết nhưng hình ảnh khóc lóc xuất hiện trên truyền hình cũng có tới hai lần. Lần đầu tiên là cảnh Phó tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi khóc ngất trên đôi tay của ông Calisto khi đội tuyển sống sót sau trận quyết chiến với Singapore. Lần thứ hai là cảnh Thành Lương ôm mặt khóc trên đường rời sân sau chiếc thẻ đỏ ở trận bán kết lượt về với Malaysia. Tất cả cùng trên sân Mỹ Đình.
Khóc trong thể thao thế giới có nhiều. Quá đỗi hạnh phúc mà không kìm nén được cảm xúc, khóc. Thất vọng cùng cực, khóc.
Hình ảnh Phó tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi khóc thấy hao hao với Tấn Tài khóc năm 2008. Tài như ngất lịm mà nước mắt giàn giụa trên đôi tay của ông Calisto khi Việt Nam trở thành nhà vô địch Đông Nam Á lần đầu tiên trong lịch sử. Nhưng khi ông phó tổng khóc, chúng ta mới chỉ lọt vào tới bán kết.
Tôi không nghĩ là ông Khôi cho rằng đó là thành công tột bực nên khóc. Nhưng chắc không phải là khóc giả và cũng không phải khóc vì sợ liên đoàn liên lụy nếu đội tuyển bị loại ngay ở vòng bảng. Cuộc đời làm bóng đá ngót nghét 30 năm của Khôi là từng trải nên có lẽ ông khóc vì đội tuyển đã tự dấn thân vào cửa tử rồi bỗng tìm thấy ánh sáng của sự sống. Giây phút ấy ông quên rằng chúng ta lúc đó vẫn là nhà ĐKVĐ.
Thành Lương đứng trong khu kỹ thuật rồi vẫn chưa thể ngừng khóc. Ảnh: VSI
Quả là đẳng cấp của chúng ta thật mong manh! Trên thế giới, có người vật vã khóc vì đội ĐKVĐ đã lọt vào tới vòng bán kết, chắc chỉ có Việt Nam.
Thành Lương khóc sau khi làm động tác giả không thành, bị trọng tài phát hiện, rút ra chiếc thẻ vàng thứ hai thành thẻ đỏ. Lương khóc vì hối hận đã làm một điều cực kỳ dại dột hay Lương khóc vì anh biết kết cục của đội tuyển thế là xong và chúng ta thất bại ở giải đấu mà mục tiêu là phải bảo vệ được chiếc cúp vàng?
Dù câu trả lời có như thế nào thì đó không phải là nước mắt “kỹ thuật”, mà đích thị là nước mắt cảm xúc, và nếu hiểu về con người cầu thủ này, vốn xuất thân từ nghèo khó, và dù đã có Quả bóng Vàng, đã làm ông chủ quán cà phê, đã có bạn gái, thì vẫn cứ là một cầu thủ trẻ.
Nhưng chợt nhớ là trên thế giới hình như chưa có cầu thủ định đánh lừa trọng tài mà bị ăn thẻ lại ngay lập tức khóc hết nước mắt. Còn khóc khi bị “bắt quả tang” thì chưa đủ bản lĩnh để trở thành một chuyên gia đánh lừa trọng tài - một phẩm chất có vẻ phi thể thao nhưng lại rất phổ biến và nhiều khi được khuyến khích trong bóng đá. Jurgen Klinsmann lẫy lừng thế giới cũng ít nhiều nhờ khả năng ngã vờ mà thế giới gọi là “diving”.
Nếu là bạn, liệu có thể là trước khi rời sân, hãy siết chặt tay đồng đội như một lời dặn dò là các anh phải thắng vì tôi, chứ không nên khóc để rồi tinh thần của những người còn lại trên sân bị ảnh hưởng? Phản ứng khác nhau và xử lý tình huống khác nhau là những tiêu chí phân biệt đẳng cấp.
Một cầu thủ Malaysia sau chiến tích hạ bệ nhà vô địch Việt Nam đã đặt câu hỏi trong cuộc trò chuyện với một đồng nghiệp của tôi là có phải các cầu thủ Việt Nam được giáo dục theo một phương pháp thiên về cảm xúc và giải quyết các vấn đề bằng tình cảm? Ở SEA Games anh ta đã chứng kiến hơn nửa đội bóng của chúng ta đổ gục sau trận chung kết tranh HCV môn bóng đá nam. Này là Tiến Thành, Xuân Hợp; này là Tấn Trường, Hoàng Quãng; và cũng có cả Thành Lương nữa, họ khóc hết nước mắt.
Câu trả lời là không hoàn toàn, nhưng những giọt nước mắt chực chờ ấy cho thấy BĐVN để những cảm xúc bản năng chi phối quá nhiều thay vì sức mạnh lý trí, tỉnh táo của bản lĩnh.
Vũ Hoàng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất