Tân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng: 'Tôi tin U19 Việt Nam sẽ chơi bằng vai tại VCK giải châu Á'

25/03/2014 15:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(giaidauscholar.com) - Giải quyết vấn nạn trọng tài, chăm lo cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trong mục tiêu giành vé vào World Cup 2015 và chăm lo cho công tác đào tạo trẻ từ thành công bước đầu của đội U19 Việt Nam, đó là những nhiệm vụ trọng tâm mà VFF sẽ làm trong thời gian tới.

Thưa ông Lê Hùng Dũng, việc đầu tiên mà ông muốn làm sau khi chính thức đắc cử chức danh Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII là gì?

Việc tôi muốn làm đầu tiên là họp ban chấp hành và chấn chỉnh ngay công tác trọng tài. Tôi không tiết lộ cụ thể nhưng ban trọng tài sẽ cải tổ rất mạnh trong 1, 2 tuần tới thôi để góp phần trả lại sự trong sáng, cao thượng của nền bóng đá. Với rất nhiều vấn đề, chúng ta không thể giải quyết một lúc, tôi chỉ chọn khâu đột phá nằm ở V-League là trọng tài và giám sát trận đấu.

Hai vấn đề này sẽ được ban chấp hành và thường trực soi rất kỹ. Nếu có hiện tượng gì có thể làm ảnh hưởng kết quả trận đấu, làm người hâm mộ phản ứng, chúng tôi sẽ xử lý ngay. Tôi không có quy kết anh là tiêu cực nhưng tôi thấy những công việc điều hành như vậy có thể làm ảnh hưởng chất lượng giải, tôi sẽ không phân công anh nữa và mời người khác.

Nếu như trọng tài thiếu, tôi sẽ đôn các trọng tài trẻ lên. Còn nếu thiếu nữa, chúng tôi sẽ bàn bạc cụ thể với các anh trong Liên đoàn, sẽ liên kết với Liên đoàn bóng đá Malaysia, Singapore để giải quyết cụ thể chuyện trao đổi trọng tài. Giống như chúng ta lần đầu tiên có trưởng giải người Nhật và có thể cả huấn luyện viên trưởng người Nhật cho Suzuki Cup, không có điều gì ngăn cản một số trọng tài các nước trong khu vực thổi ở V-League của chúng ta.

Đó là những chuyển biến làm V-League sôi động và hấp dẫn hơn. Đó là niềm mong mỏi không chỉ của các bạn mà còn của các ông bầu, các nhà cầm quân và khán giả. Nếu chuyển biến được trong năm nay, đó sẽ là nét mới rất tích cực của Liên đoàn bóng đá.



Tân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (giữa) khẳng định sẽ hết mình vì bóng đá Việt Nam

Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ chuẩn bị gì cho giấc mơ World Cup của đội tuyển bóng đá nữ?

Chúng tôi đã làm việc này từ trước Tết, bỏ 2 tuần lễ để chuẩn bị cho giấc mơ World Cup 2015. Chúng tôi đã họp cùng ban huấn luyện đội nữ, nghe ông Trần Vân Phát trình bày về kế hoạch tháng 5 tại thành phố Hồ Chí Minh. Nguyên tắc là ông Trần Vân Phát chuẩn bị kế hoạch tại Trung Quốc và Hàn Quốc. Liên đoàn sẽ “mở sổ”.

Ví dụ, hồi trước muốn đi Trung Quốc và Hàn Quốc, Liên đoàn mua vé máy bay giá rẻ vì mục tiêu lớn nhất là tiết kiệm kinh phí nhưng tôi nói là chấm dứt cách làm đó. Bay từ đâu cũng vậy, không tiết kiệm như kiểu trước đây nữa. Mục tiêu lớn nhất giờ phải là nâng cao trình độ chuyên môn của các vận động viên chúng ta để đến tháng 5 tới, chúng ta sẽ đạt trạng thái thi đấu tốt nhất mà không tiêu tốn thời gian chờ đợi, chuyển tiếp tại các sân bay.

Điều gì làm được cho đội tuyển nữ để giành vé World Cup Canada năm 2015 chúng tôi sẽ làm hết sức mình. Dĩ nhiên, phải nói là chúng ta có địa lợi, nhưng chúng ta muốn, Thái Lan, Myanmar cũng muốn. Chúng ta thành công hoặc không thành công, chúng ta cũng phải tự an ủi với nhau rằng những điều gì tốt nhất cho đội tuyển, chúng ta đã làm hết mình.

Mục tiêu về tài chính trong 4 năm làm Chủ tịch VFF của ông là gì?

Tôi không nói trước được điều này nhưng làm phó chủ tịch hay chủ tịch, điều gì tốt nhất làm được cho bóng đá VIệt Nam thì tôi đã làm hết rồi. Ví dụ như tháng 4 này các bạn sẽ thấy một hợp đồng rất lớn của một tổ chức tài chính rất lớn tài trợ cho đội tuyển bóng đá nữ. Mục tiêu là tạo cú hích để các thành viên có thêm động lực tinh thần nhằm thi đấu tốt nhất ở vòng chung kết.

Về chuyến tập huấn châu Âu của U19 Việt Nam, tôi đã hỏi anh Khôi những trận thua vỡ mặt ấy bây giờ còn hơn là những trận thắng. Vì sau những trận thua vỡ mặt ấy trước các đội U21 với 4 thành viên đội một, chúng ta biết mình yếu như thế nào. Tôi nghĩ là biết vào tháng 3 này thì tốt hơn vào tháng 10.

Từ nay tới đó, chúng ta sẽ khắc phục điểm yếu. Tôi nghĩ rằng cũng chơi bằng vai lắm chứ không bi quan gì khi đụng các đối thủ lớn ở vòng chung kết Myanmar. Điều gì tốt nhất cho đội tuyển U19, chúng ta sẽ đã hết mình. Chúng ta mong rằng chúng ta sẽ vừa hay và vừa hên.

Con số 383 tỷ đồng dự kiến cho một năm hoạt động của VFF có khả quan không, thưa ông?

Tiền ở đâu đã tính toán hết rồi. Thời gian có hạn nên tôi không nói chi tiết ở đây được. Nhưng có thể nói với các bạn rằng, kinh phí hoạt động bóng đá trong 2 kỳ tôi làm phó chủ tịch tài chính liên tục tăng. Kinh phí khóa 3 tôi phụ trách mới bốn mấy tỷ đồng thôi. Bây giờ nó lên tới hơn 300 tỷ một năm.

Các bạn sẽ thấy nó tăng khoảng 800 %. Còn nguồn đó ở đâu và khai thác thế nào, chúng tôi sẽ có chi tiết để đạt được. Đó không phải là con số ảo tưởng, nó xây dựng trên nền tảng thực tế những năm vừa qua. Tăng tưởng trung bình nguồn thu của chúng ta là 10 tới 15 % mỗi năm.

Đương nhiên, tính toán đó còn phụ thuộc vào tình hình đối tác chúng ta có khỏe hay không, họ có tiếp tục chơi với chúng ta hay không. Cái đó lại là phụ thuộc vào kết quả thi đấu của đội tuyển và chất lượng V-League. Với những trận đấu xấu, chúng tôi có đi kêu tài trợ cũng khó. Nếu giải V-League ngày càng hay, đội tuyển đá nhiều trận xuất thần, lúc đó tôi sẽ tự tin gõ cửa các nhà tài trợ. Khi đó, họ thấy mình là họ mở cửa vào ngay, không phải như bây giờ, thấy mình là họ đóng cửa vào ngay, không tiếp.

Con số dự kiến có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Tất cả phụ thuộc vào tình hình thi đấu của đội tuyển.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của VFF nhiệm kỳ VII là chăm lo công tác đào tạo trẻ, việc này sẽ được VFF triển khai cụ thể như thế nào?

Việc đó cũng nằm trong chương trình của tôi và các cộng sự. Chúng ta sẽ đào tạo theo chương trình mục tiêu do tổng cục phối hợp với Liên đoàn đề ra mục tiêu năm nay. Thứ hai, chúng tôi sẽ hợp tác với một câu lạc bộ lớn của nước ngoài. Chúng ta sẽ phối hợp với họ thuê một huấn luyện viên chuyên về đào tạo trẻ.

Sau đó, chúng ta đưa các huấn luyện viên trẻ của chuyên nghiệp và hạng nhất về đào tạo. Chúng ta sẽ không đào tạo cầu thủ bình thường. Chúng ta sẽ thuê chuyên gia từ Alax, Liverpool về đây theo một chương trình đào tạo 2, 3 hay 4 năm.

Mô hình thế nào, cơ sở làm sao, chế độ dinh dưỡng thế nào... chúng ta truyền đạt quy trình đó cho các huấn luyện viên trẻ. Sau đấy, họ mới chính là người về các câu lạc bộ và nhân rộng mô hình đó. Trên cơ sở đó, lực lượng trẻ của chúng ta mới nâng cao chất lượng và là nền tảng cơ bản cho bóng đá Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới.

Về chuyện kinh phí, sau các thành quả của U19 Việt Nam, các Bộ, ban nghành trung ương sẽ ủng hộ, mở cửa để chúng ta có một nền móng vững chắc. Trong 5 - 10 năm tới, khoảng 3, 4 câu lạc bộ có cơ chế tài chính tốt, họ sẽ lập lại các mô hình như anh Đức. Với khoảng 4 mô hình như vậy, trong 7 tới 10 năm nữa, lực lượng có trình độ cao như vậy chiếm được 70 tới 80 % tại V-League và hạng Nhất thì đó chính là tương lai của bóng đá Việt Nam.

HLV Alfred Riedl từng nói chúng ta xây nhà từ nóc, vậy bây giờ chúng ta xây lại từ móng. Đã xây từ móng, chúng ta cần có thời gian, kinh phí, mô hình xây dựng tốt. Việc đó không vội được đâu.

Có thể nhiệm kỳ này tôi sẽ chịu "ăn đòn" bởi đổi mới là cần phải mạnh tay, sẽ có những người ra đường, rồi những ông đó sẽ tố cáo lung tung. Nhưng tôi không làm điều gì sai trái cả. Tôi chỉ đem tiền về cho Liên đoàn tiêu dùng. Tôi không lấy một xu nào hết.

Chí Lâm (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm