Đại hội TDTT giữa mùa AFF Cup

11/12/2014 14:18 GMT+7 | Thể thao

(giaidauscholar.com) - Mang danh sự kiện quốc nội lớn nhất 4 năm mới có một lần, song Đại hội TDTT toàn quốc lần VII năm  vừa khai mạc hoành tráng tại Nam Định đã thực sự "chìm nghỉm" nếu nhìn từ sự quan tâm của người hâm mộ và giới truyền thông. Sự thật này càng rõ hơn khi sân chơi số 1 của nền thể thao quốc gia  diễn ra đúng vào mùa AFF Cup mà đội tuyển Việt Nam đang thi đấu rất thành công. Vì thế, việc đặt ra câu hỏi về công tác tổ chức Đại hội được đặt ra không phải là không có lý!

Chỉ biết…  Lễ khai mạc và hai sự cố

Hiện tại cả làng thể thao quốc gia đang tụ hội về Nam Định cùng các địa phương lân cận trong cuộc đua tranh thành tích thậm chí còn coi trọng hơn cả quốc tế, mang tính đặc thù của Thể thao Việt Nam. Nhưng có một thực tế khó phủ nhận là nhiều người dân gần như chỉ biết đến Đại hội qua... Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp cùng hai sự cố đình đám của giải vật.

Nhưng ngay cả lễ khai mạc đầu tư kỹ lưỡng với chi phí tới hàng tỷ đồng vào tối 6/12 kia cũng... mất nhiều khách xem tivi bởi lại trùng với đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, cùng trận bán kết 1 AFF Cup giữa Philippines - Thái Lan. Đó là chưa kể đến buổi tối hôm sau là trận bán kết còn lại giữa Malaysia và đội tuyển Việt Nam. Như thế thôi cũng đủ biết sức hút, sự lan tỏa trực tiếp của “điểm nhấn” Đại hội sẽ như thế nào, nhất là khi bản thân nó cũng chưa có gì khác biệt so với hàng loạt hoạt động khai màn lễ hội văn hóa, thể thao khác.



Sức hút từ các trận đấu AFF Suzuki Cup 2014 hơn hẳn Đại hội TDTT toàn quốc

 Thay vì biết đến những hiện tượng đẹp như  Văn Thị Thanh dẫn dắt các học trò vô địch bóng đá nữ, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh bắn vượt cả kỷ lục thế giới, thì các cuộc tranh tài tại Đại hội gần như chỉ đọng lại với người hâm mộ ở hai vụ lùm xùm đáng xấu hổ ở môn vật. VĐV lao vào sân hành hung trọng tài và HLV và trọng tài rượt đuổi nhau trên thảm đấu. Dù vào giờ chót, các Đài truyền hình đã nhập cuộc đồng hành cùng Đại hội với những chuyên mục “cứng” song cũng không thay đổi được gì, còn trên các tờ báo giấy thể thao, hoặc báo mạng chỉ là những dòng tin ngắn ngủi...

Mở cửa tự do vẫn không có khán giả

Ngay cả chính những người trong cuộc cũng phải thốt lên rằng các giải đấu trong chương trình Đại hội đang đồng loại được tổ chức gần giống như những “ốc đảo”. Từ các địa điểm thi đấu của Nam Định sang đến Thái Bình, Hà Nam, Hải Phòng hay lên Hà Nội đều quá vắng bóng khán giả, dù ngay từ đầu BTC đã quyết định mở cửa tự do mời mọi người vào xem. Trên khán đài của các Cung thể thao, NTĐ được xây mới hay nâng cấp sửa chữa hiện đại là những khoảng trống mênh mông.

Rất nhiều môn như bóng rổ, bắn súng, thể dục dụng cụ, đua thuyền chính xác là không hề có khán giả. Đến bóng đá nam cũng rơi vào tình trạng chính các đội bóng cùng người thân của họ tự động viên, cổ vũ nhau. Bóng đá nữ hay bóng chuyền nam có đỡ hơn vì đây là các môn truyền thống của địa phương chủ nhà, nhưng số lượng hãy còn thua xa các giải VĐQG hàng năm.

Theo ghi nhận, “kỷ lục” nhất như trận đấu bóng chuyền nữ giữa hai đội bóng mạnh chủ nhà Thái Bình với Long An, có sự xuất hiện của rất nhiều tuyển thủ quốc gia nổi tiếng, cũng chưa lấp đầy được một nửa khán đài. Nếu lấy khán giả làm tiêu chí và sự đòi hỏi hàng đầu  cho sự thành công của một cuộc đấu thể thao, đặc biệt lại theo một mô hình tập trung như Đại hội, thì rõ ràng kỳ Đại hội TDTTT lần này coi như chưa khai mạc đã... bế mạc! dù sau Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên Nam Định nhận trọng trách đăng cai ngày hội lớn.

“Lỗi” nặng về thời điểm tổ chức

Cách đây 4 năm, VCK  Đại hội TDTT toàn quốc 2010 tại Đà Nẵng cũng gặp phải vấn đề này khi xuất phát từ một lý do quan trọng là thời điểm tổ chức không phù hợp - Vào 2 tuần cuối của tháng 12. Điều này đã được ngành thể thao rút kinh nghiệm cho kỳ Đại hội lần này vậy mà vẫn không có gì khác nổi. Thực tế, chỉ cần Đại hội sớm hơn 1 tháng, vào 2 tuần của trung tuần tháng 11, tình thế chắc hẳn đã tích cực, sáng sủa hơn nhiều. Ít nhất, nó cũng không bị ảnh hưởng bởi tâm lý “năm cùng tháng tận” nói chung, hay cụ thể nhất là tránh được mùa AFF Cup vốn hút người hâm mộ.

Thực tế theo dự kiến ban đầu, BTC cũng xác định Đại hội sẽ phải tiến hành trọn vẹn trong khoảng 3 tuần đầu của tháng 11.  Tuy nhiên nó đã phải rời lại tới hai lần để rơi vào như bây giờ,  xuất phát từ quá trình chuẩn bị của đoàn TTVN tại ASIAD 17, cùng sự chậm trễ trong tiến độ của rất nhiều công trình quan trọng phục vụ Đại hội.

Tưởng như rất khách quan, và bất khả kháng nhưng gốc rễ của nó cũng bởi ngành thể thao không có sự chủ động cần thiết trong việc xác lập một kế hoạch dài hạn và chặt chẽ. Chính “lỗi” thời điểm đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức hút, giá trị của Đại hội mà mục tiêu khởi thủy của nó vốn là tạo ra một cuộc vận động rộng lớn trong toàn dân nhận thức, tham gia rèn luyện, phát triển thể dục thể thao.

Và nhiều vấn đề nổi cộm khác…

Thực sự Đại hội TDTT toàn quốc 2014 đang phải "trả giá" cho việc chọn lựa thời điểm tổ chức không phù hợp. Thế nhưng suy cho cùng, đó cũng chỉ là một phần của câu chuyện buồn dài tập. Trong đó, quyết định nhất, tự thân  giải  thi đấu các môn  trong chương trình đã không có chất lượng cao, tính cạnh tranh thấp.

Dù tập hợp  đầy đủ các VĐV xuất sắc, kể cả nhiều hảo thủ từ nước ngoài cũng về nước tranh tài, song như một nếp quen gắn với căn bệnh thành tích, tất cả đều chỉ chăm chăm vào một đích duy nhất: giành huy chương, càng nhiều càng tốt. Chưa kể từ đó các cuộc đấu còn bị chi phối bởi những toan tính thiếu lành mạnh, như mua bán VĐV thời vụ, chạy theo kết quả “ảo”, dùng chiêu trò từ hậu trường hay ngay trên thảm đấu…

Đã vậy, mảng truyền thông cũng đã “góp” một phần lớn trong sự lặng ngắt của Đại hội. Thay vì phải là một chiến dịch dài hơi, đồng bộ, rộng rãi, nó gần như chỉ tồn tại trong 2 tuần lễ Đại hội tranh tài, và gần giống như một công việc nội bộ của ngành thể thao cùng các địa phương đăng cai.

Với những gì đang diễn ra, giới chuyên môn cùng người hâm mộ hoàn toàn có lý khi đặt ra rất nhiều câu hỏi nghiêm túc về tính thực chất, thuyết phục, hiệu quả, thậm chí cả mô hình và phương thức tổ chức của Đại hội TDTT toàn quốc tốn kém tới vài nghìn tỷ.

Chỉ có điều, muốn gì cũng phải chờ hết Đại hội rời mới có thể… tính tiếp. Lại phải hy vọng và chờ đợi ở kỳ Đại hội kế tiếp được giao cho An Giang làm chủ nhà vào 2018. Nhưng muốn đột phá, ngành thể thao phải rút ra được những bài học ngay từ Đại hội này.  

Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm