09/12/2018 19:25 GMT+7 | Thể thao
(giaidauscholar.com) - Việc không còn tốn kém tới vài nghìn tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chương trình thi đấu cũng khá tinh gọn, tập trung, và được tổ chức với sự chuyên nghiệp cao, là những dấu ấn mới của Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII - 2018 đang diễn ra tại Hà Nội. Chỉ có điều, những nét tích cực ấy vẫn bị chìm lấp bởi nhiều bất cập, nhất là nghịch cảnh không khán giả cùng chất lượng hạn chế của các giải đấu.
Tiết kiệm, tập trung và chuyên nghiệp
Điều dễ thấy nhất, Đại hội TDTT toàn quốc 2018 đã tiết kiệm được vài nghìn tỷ đồng khi diễn ra tại Hà Nội, nơi có hệ thống cơ sở vật chất đầy đủ. Theo phương án cũ, An Giang mới là địa phương được chọn đăng cai,dự kiến tốn thêm ít nhất 3.500 tỷ đồng để xây mới các công trình. Tương tự, ở kỳ Đại hội cách đây 4 năm, chỉ ba NTĐ xây mới tại Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, ngân sách nhà nước đã phải đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Để chuẩn bị cho Đại hội lần này, Hà Nội chỉ phải nâng cấp sửa chữa 22 địa điểm thi đấu, với tổng kinh phí 170 tỷ đồng. Đây là một mức rất phù hợp và đặc biệt hiệu quả, nhất là “liên thông” được với việc đăng cai SEA Games 2021 của Hà Nội.
Cùng đó, Đại hội lần này còn có một số cải tiến quan trọng trong hình thức tổ chức. Nếu chương trình thi đấu của kỳ Đại hội 2014 trải dài ra cả năm, với 10 địa phương thì lần này được tập trung ở Hà Nội, trong 26 ngày. Nó đã mang đúng tính chất của một Đại hội thể thao hơn hẳn. Ngành thể thao cũng đã thiết kế một chương trình thi đấu gồm 36 môn với 747 nội dung chuyển mạnh theo hướng các môn Olympic và ASIAD, cộng thêm một số môn mang tính đặc thù Việt Nam như vovinam, võ cổ truyền, đá cầu. Dù chưa thoát hẳn được tình trạng dàn trải, nửa vời, song chương trình này đã có sự phân cấp tương đối rõ giữa các nhóm môn, môn.
Sự chuyên nghiệp trong quá trình tổ chức các môn thi cũng là một điểm đáng ghi nhận của kỳ Đại hội lần này. Xét giải đấu từng môn đến tổng thể Đại hội, từ việc đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh hậu cần, cho đến lễ tân, và nhất là điều hành thi đấu, đều được thực hiện từ mức tốt đến rất tốt. Đến thời điểm hiện tại, đây cũng là một kỳ Đại hội TDTT toàn quốc ít bị kêu ca nhất về công tác trọng tài và chuyển nhượng- mua bán VĐV, chạy theo thành tích ảo, vốn luôn là những vấn nạn.
Nghịch cảnh không khán giả
Nhưng những khán đài trống vắng của các môn và không khí chung chính là bất cập lớn nhất của Đại hội TDTT toàn quốc 2018. Thật khó tin, buổi đấu chung kết của môn hấp dẫn bậc nhất là quần vợt, ngay tại Cung điền kinh trong nhà Hà Nội, với sự xuất hiện của ngôi sao hàng đầu Lý Hoàng Nam, tài năng trẻ Trịnh Linh Giang, lại diễn ra trong sự vắng vẻ, trầm buồn đến vậy. Chỉ có lèo tèo vài trăm khán giả lọt thỏm trên những khán đài rộng mênh mông với những tiếng vỗ tay thưa thớt.
Trận chung kết của Hoàng Nam ở quần vợt còn như vậy, đủ biết tình cảnh của môn khác còn tồi tệ tới mức nào, cho dù mở cửa tự do. Từ khiêu vũ thể thao, karatedo, tới điền kinh, bơi, và thậm chí cả bóng rổ hay bóng đá nam, địa điểm thi đấu môn nào cũng chung một cảnh là những khán đài trống vắng. Việc không có khán giả ảnh hưởng nghiêm trọng tới động lực thi đấu của các VĐV, chưa kể còn còn góp phần tạo ra nhiều hệ lụy khác, thậm chí nguy cơ tiêu cực. Đơn giản vì các cuộc đấu mất đi một “kênh” giám sát quan trọng bậc nhất.
Nghịch lý Đại hội không còn khán giả, một phần xuất phát từ chất lượng chuyên môn, sức hút thấp của chính từng giải đấu cụ thể. Phần nữa nó còn do Đại hội diễn ra đúng dịp AFF Cup, nơi thầy trò Park Hang Seo trở thành tâm điểm vượt khỏi cả lĩnh vực thể thao. Tuy nhiên, điều quyết định nằm ở khâu truyền thông yếu kém và hời hợt. Đại hội TDTT toàn quốc mà như chuyện nội bộ của ngành thể thao, tựu trung chỉ thi đấu phân định thành tích, thứ hạng.
Chất lượng chuyên môn và tranh tài
Ngoại trừ sự tái xuất ngoạn mục của Lê Tú Chinh trên đường chạy tốc độ với 3 tấm HCV đều có thông số vượt mức HCV SEA Games, Đại hội TDTT toàn quốc 2018 chưa có dấu ấn nào đặc biệt về chuyên môn. Nhà vô địch ASIAD Bùi Thị Thu Thảo chỉ nhảy đạt 6,29, một mức quá khiêm tốn so với đẳng cấp của mình. Kình ngư Ánh Viên tiếp tục “gặt” cả chục HCV song các thành tích đều kém hẳn chính mình. Kỳ thủ Lê Quang Liêm thậm chí còn không giành nổi nội dung cờ tiêu chuẩn… Mặt bằng chung của hầu hết các giải đấu đều không cao, đa số đều thua kém giải VĐQG thường niên của chính môn mình. Riêng môn bóng đá nam, giải Đại hội thua kém giải U21 quốc gia – cuộc đấu có cùng quy định về độ tuổi.
Bên cạnh điểm rơi việc hàng loạt tuyển thủ quốc gia không đạt tới “điểm rơi” phong độ, sự chênh lệch trình độ quá lớn giữa các nhóm VĐV, nguyên nhân chính yếu lại gắn với cách tiếp cận của các đoàn, từng cá nhân khi những tấm HCV mới là mục tiêu tối thượng, gần như duy nhất, chứ không phải chất lượng chuyên môn, cuộc đấu. Việc thiếu vắng khán giả cũng phần nào đó tạo nên sự dễ dãi, có trường hợp ở mức khó chấp nhận. Ví như môn Pencak Silat, có tới 5 trên 10 trận chung kết đối kháng ở ngày cuối đã không diễn ra, vì các đối thủ bỏ cuộc, với đủ các lý do được viện dẫn. 5 võ sĩ không phải đấu một giây nào vẫn giành HCV, còn 5 võ sĩ xin phép nhận HCB. Đây mới là lần đầu một giải đấu quốc gia của Thể thao Việt Nam xảy ra chuyện bi hài này.
Có thể thấy, dù Đại hội TDTT toàn quốc 2018 hãy còn tiếp diễn, song nhiều vấn đề lớn trong đổi mới, phát triển, cả mới và cũ, đã lại đặt ra cho ngành thể thao.
Tường Nhi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất