Đài Loan tiến hay tuyển Việt Nam lùi?

10/09/2015 04:58 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - ĐT Việt Nam đã không có một trận đấu làm mãn nhãn người xem, chứ đừng nói đã chiều được lòng người khó tính. Thẳng ra, HLV Miura và các học trò của ông đã chơi khá bế tắc, dù rất cố gắng. Một trận cầu khó khăn với đối thủ không thực sự mạnh, và bàn thắng ấn định chiến thắng khá may mắn, chúng ta có 3 điểm nhọc nhằn.

Nhiều người lý giải Đài Loan (Trung Quốc) tiến bộ, vậy thì chúng ta sao cứ giẫm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi?

Rằng may thì thật là may

Đội hình xuất phát không có nhiều xáo trộn so với những trận đấu gần đây nhất của đội tuyển Việt Nam, và có thể nói, HLV Miura đã dùng những con người tốt nhất trong tay để tìm một chiến thắng. Hiệp 1 đội bóng chơi rất bế tắc, bị Đài Loan ép ngược, cho đến trước khi trung vệ Đinh Tiến Thành có pha sút bồi, sau cú lắc đầu bóng đi dội cột dọc bật ra của Công Vinh, từ tình huống phối hợp phạt góc (của Thành Lương).

Những phút đấu bù cuối cùng của hiệp 2, Công Vinh đã có thể ra chân từ tình huống thoát xuống và nhận bóng khá thuận lợi, nhưng anh không làm thế hoặc không đủ tự tin làm thế!? Vinh chuyền vào trong để Phi Sơn ghi bàn và nhiều ý kiến cho rằng, đường chuyền phản ánh đúng kinh nghiệm và đẳng cấp của Công Vinh. Quyết định được đưa ra quyết định trong tích tắc, chỉ tính sự hợp lý chứ đừng bàn đúng sai.


Đội tuyển Việt Nam (phải) có chiến thắng may mắn trước Đài Loan. Ảnh: VFF

Trước trận đấu quan trọng với Đài Loan, HLV Miura vẫn nhận được sự ủng hộ, tin tưởng đáng kể. Nhưng sau câu chuyện ở SVĐ Municipal, phe phản đối vẻ như đông hơn nhiều. Người Việt Nam vốn cảm tính và họ hoàn toàn không mong muốn sự may mắn sẽ quyết định số phận của chính mình. Chúng ta muốn kết quả (tốt), nhưng lại không thích nhọc công?! Còn vì sao phải nhọc công, phải hỏi ông Miura.

Nhìn vào trận đấu, nếu Đài Loan đã tiến bộ, thì Việt Nam lại giậm chân tại chỗ dưới triều đại Miura. Giậm chân tại chỗ, chẳng khác nào đi lùi và đừng kỳ vọng may mắn sẽ đồng hành mãi.

Và những câu chuyện cũ

“Đội bóng của HLV Miura, ai chạy nhiều và sút mạnh, thì người ấy vào sân”, một trụ cột của đội tuyển Việt Nam chia sẻ. Quả thật, HLV Miura vẫn chưa từ bỏ ý định biến các cầu thủ thành những VĐV đá bóng, với khối lượng vận động cực lớn trong các buổi tập và trong các trận đấu. Chiều cùng ngày đá với Đài Loan, buổi sáng đội bóng vẫn tập, điều này không thật sự hợp lý với bóng đá Việt Nam.

Chúng ta hẳn chưa quên giáo án và triết lý huấn luyện của cựu thuyền trưởng Falko Goetz, được giới thiệu là có bản “CV” (lý lịch trích ngang) hoành tráng nhất trong lịch sử từng tìm đến Việt Nam làm việc. Đội bóng vẫn tập đều đặn vào buổi sáng, đến chiều ra sân thì nhấc chân không nổi. Sau SEA Games 2011, với việc U23 Việt Nam phải dừng chân ở bán kết, Falko Goetz bị cho thôi việc khi ông đang nghỉ ở quê nhà.

Gần 15 năm trước, đồng hương của Falko Goetz là Rainer Wilfeld, nhà hiền triết mà Liên đoàn bóng đá Đức gửi sang Việt Nam để hỗ trợ các ĐTQG (với vai trò GĐKT), cũng đã nói lời chia không kèn trống. Khác với Goetz hay Miura, một HLV du học Đức về, Wilfeld không muốn các VĐV điền kinh đá bóng, mà đánh giá cao tính sáng tạo của cầu thủ. “Cầu thủ phải biết làm gì trước và sau khi có bóng”, Wilfeld nói.

Sau khi Rainer Wilfeld đi, các HLV Riedl, rồi Henrique Calisto đều thành công ở các mức độ khác nhau. Sự khác biệt lớn nhất ở đây là gì?! Đấy là tính thời điểm và… may mắn, chứ không hẳn là quan điểm làm chiến thuật, bởi tìm một ba-rem về lối chơi cho bóng đá Việt Nam đạt hiệu quả là cực khó.

Bóng đá là thành tích, dưới thời HLV Miura,  lối chơi và thành tích vẫn chẳng có gì khác biệt. Nền bóng đá đang giẫm chân tại chỗ, thậm chí đang thụt lùi, tất nhiên không phải lỗi riêng ông thầy người Nhật Bản.


Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm