14/12/2013 08:48 GMT+7 | Trong nước
Hôm 13/12, Bộ trưởng Nghệ thuật và Văn hóa Paul Mashatile đã đưa ra lời xin lỗi chính thức về sự cố.
Giống như đang đuổi ruồi
"Chúng tôi chân thành xin lỗi cộng đồng người khiếm thính và toàn thể nhân dân Nam Phi vì bất kỳ những sự xúc phạm nào mà họ đã phải chịu đựng" - ông nói. Như thế ông đã là quan chức cao cấp nhất của Nam Phi có phản ứng về vụ việc.
"Sự xúc phạm" mà ông Mashatile nói tới có liên quan tới hoạt động của phiên dịch viên ký hiệu tên Thamsanqa Jantjie. Ông này đã xuất hiện trong lễ tang Nelson Mandela tổ chức ở sân vận động Soweto và trực tiếp phiên dịch bài phát biểu của nhiều đại biểu, gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Tuy nhiên không ai có thể hiểu nổi ngôn ngữ ký hiệu của Jantjie. "Hình dáng tay ông ấy, sự biểu cảm trên gương mặt và những chuyển động cơ thể đã không theo sát những gì đại biểu được phiên dịch đang nói" - Braam Jordaan, một người Nam Phi khiếm thính và là thành viên ban điều hành của Liên đoàn người khiếm thính thế giới, nhận xét với hãng tin AFP, cho biết thêm rằng phiên dịch viên rõ ràng đã nghĩ ra các ngôn ngữ ký hiệu của riêng mình.
Cara Loening, Giám đốc Tổ chức Giáo dục và phát triển ngôn ngữ ký hiệu ở Cape Town đã gọi Jantjie là "lừa đảo trắng trợn", với hành động phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu chỉ giống như "đang cố đuổi vài con ruồi đi khỏi mặt".
Còn theo Sheena Walters thuộc Hiệp hội các phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu thế giới, Jantjie đã "không dùng ngôn ngữ ký hiệu Nam Phi". Bà còn thấy Jantjie đã tạo ra nhiều ký hiệu lặp lại và không thể hiện sự biểu cảm trên gương mặt như thường thấy khi giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Nhiều chuyên gia khác cũng đánh giá rằng về cơ bản, Jantjie chỉ "đảo tay qua lại" khi "phiên dịch" lại bài phát biểu của các đại biểu.
Công tác tổ chức lỏng lẻo?
"Sẽ thật hổ thẹn nếu một yếu tố gây mất tập trung liên quan tới một cá nhân trên sân khấu, sẽ lấy đi sự chú ý vào tầm quan trọng của sự kiện (lễ tang), tầm quan trọng của di sản Tổng thống Mandela" - phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nói tại Washington.
Ngay sau khi cộng đồng khiếm thính phản ứng với Jantjie, Thứ trưởng Bộ phụ trách người tật nguyền của Nam Phi là Hendrietta Bogopane-Zulu cũng thừa nhận chính quyền đã "mắc sai lầm". "Chúng tôi chỉ có thể nói lời xin lỗi với cộng đồng người khiếm thính" - bà Bogopane-Zulu nói - "Có phải sai lầm đã xảy ra? Có. Nhưng tôi không nghĩ người ta đã nhặt ông ấy từ ngoài phố". Bogopane-Zulu cho rằng Jantjie có thể gặp vấn đề về tiếng Anh hoặc quá mệt.
Cá nhân Jantjie khẳng định ông ta là phiên dịch viên đạt chuẩn, một nhà "vô địch về ngôn ngữ ký hiệu". Tuy nhiên ông ta giải thích mình hành xử kỳ cục khi đó là đột ngột bị bệnh tâm thần phân liệt tấn công, khi vẫn đang phải uống thuốc điều trị bệnh.
"Tôi chẳng thể làm được gì cả. Tôi chỉ có một mình, ở trong tình huống rất nguy hiểm" - ông ta nói với tờ The Star và cho biết thêm rằng có nghe thấy những tiếng nói trong đầu và bị ảo giác - "Tôi đã cố kiểm soát bản thân và không cho thế giới biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi rất xin lỗi. Đó là tình huống mà tôi đã bị mắc kẹt trong đó".
Tuy nhiên màn bào chữa này đã mở thêm các câu hỏi mới cho chính quyền Nam Phi về Jantjie, người có lúc đã đứng cách ông Obama và Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon chỉ một cánh tay. Người ta chất vấn vì sao một kẻ bị tâm thần phân liệt lại lọt qua rào an ninh.
Brian Leary, phát ngôn viên Mật vụ Mỹ cho biết trong lễ tang, ban tổ chức phía Nam Phi chịu trách nhiệm sàng lọc các đại biểu tham dự, gồm cả viên phiên dịch viên kể trên. "Vì mục đích an ninh của lễ tang, hoạt động này có thể bao gồm điều tra lịch sử phạm tội và các công việc liên quan khác" - Leary nói, nhưng không biết liệu phía Nam Phi có thực hiện các công đoạn kiểm tra như thế không.
Nhiều hoạt động khác trong lễ tang có vẻ như đã được tổ chức lỏng lẻo. Một trong những người chịu trách nhiệm quản lý đám đông nói với hãng tin AFP rằng họ đã được một công ty bảo vệ tư nhân thuê tới làm việc trong đám tang, chỉ ngay đêm trước đó.
Các tổ chức khiếm thính Nam Phi hiện đã bác bỏ các giải thích rằng đây chỉ là một sự kiện không may, xảy ra một lần. Họ cho biết đã nhiều lần phàn nàn với chính quyền về Jantjie.
Quả thực, một số đoạn video được tung lên mạng cho thấy ông này từng phiên dịch cho Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại lễ mừng 100 năm thành lập đảng Đại hội Các dân tộc Phi ở Nam Phi (ANC). Trong một thông báo đưa ra, ANC cho biết Jantjie có làm việc cho đảng, nhưng họ "không nhận thấy bất kỳ phàn nàn nào liên quan tới chất lượng dịch vụ" của ông này. Chính quyền Nam Phi cũng né trách việc ai phải chịu trách nhiệm cho sự cố.
Chính quyền hiện vẫn chưa thể lần ra SA Interpreters, công ty mà Jantjie đã làm việc cho. "Chúng tôi tìm cách liên hệ với họ để tìm kiếm một số câu trả lời và họ đã biến mất" - Bogopane-Zulu nói - Có vẻ như họ đã lừa dối lâu nay".
Tuy nhiên chính quyền Nam Phi bác bỏ thông tin cho rằng bê bối làm hỏng danh tiếng nước này. "Chúng tôi có xấu hổ với tư cách một quốc gia? Tôi không nghĩ đó là sự lựa chọn từ ngữ đúng đắn" - Bogopane-Zulu nói.
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí hôm 13/12, Bộ trưởng Mashatile cho biết Quốc hội sẽ thông qua một đạo luật mới vào năm tới để điều phối lại nghề phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu để sự cố không xảy ra nữa.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất