15/12/2016 18:03 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Giả dụ như người thân nhất của bạn, cụ thể là đấng sinh thành của bạn, đã, đang và sẽ còn "sai đường". Sự lầm lạc của họ không chỉ làm ảnh hưởng đến chính bản thân họ mà còn làm liên luỵ đến nhiều người khác, trong đó có chính bạn. Thì bạn sẽ phải làm sao? Đặt vào hoàn cảnh đó, bạn mới có thể chia sẻ được với Đàm Vĩnh Hưng, cho dù có thể bạn không chọn cách hành xử như anh ấy.
Khốn khổ hơn, bạn đang phải gánh chịu hầu như toàn bộ hậu quả do họ gây ra. Ở đây là phải trả "nợ đậy" cho họ, không chỉ vài triệu mà hàng chục tỷ đồng, không chỉ một lần mà nhiều lần kéo dài hàng chục năm ròng. Và không có dấu hiệu gì là họ sẽ ngừng phạm sai lầm. Có nghĩa là bạn còn tiếp tục phải gánh chịu hậu quả không biết đến bao giờ.
Đàm Vĩnh Hưng đang rơi vào hoàn cảnh đó, như anh vừa chia sẻ trên internet bằng một livestream mà ở đó anh nêu đích danh họ và tên của mẹ mình với khuyến cáo là vay tiền lừa đảo, để mọi người không tiếp tục bị rơi vào bẫy của bà, để uy tín anh không bị lợi dụng và anh không phải tiếp tục è cổ ra thực hiện một trong "Tứ đại ngu" (làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu).
Hành động của Đàm Vĩnh Hưng với mẹ mình là đúng hay sai, cần sẻ chia đồng cảm hay đáng chê trách, thật khó nói, nếu không đặt mình trong hoàn cảnh của anh.
Có thể thấy, cũng như nhiều người Việt Nam chúng ta, sự thiếu rạch ròi trong quản lý gia sản đã khiến cho trách nhiệm chồng chéo. Đành rằng khi một người thân gặp khó khăn về tài chính, mọi người cần giúp đỡ, thậm chí xả thân, nhưng một khi khó khăn đó không phải là do khách quan, rủi ro mà do chính người đó "phá gia chi tử", thì lúc đó, tài sản cần có sự phân chia rõ ràng cho các thành viên, để ai làm người đó trước hết phải tự chịu trách nhiệm.
Sự phân chia đó cần được đảm bảo bằng pháp luật. Khi kẻ "phá gia chi tử" không thể "phá" được nữa, thì họ mới sớm nhận ra bài học cuộc đời và mới có cơ may tự nhận thức và hối cải. Còn nếu họ có thể ỷ lại được (có người gánh thay, trả nợ thay) thì họ còn tự tung tự tác.
Cho người sai lầm tự đối diện với lỗi lầm họ, thậm chí trước pháp luật, trước khi giang tay cứu giúp là cách tốt nhất giúp họ.
Bởi thế, nếu tôi là Đàm Vĩnh Hưng, tôi sẽ không sống chung để trả nợ thay cho người thân của mình hàng chục năm liền, trong khi người đó vẫn "ngựa quen đường cũ". Làm như vậy chẳng khác gì để họ kéo cả mình xuống hố. Cả hai cùng chết mà rốt cục còn oán trách lẫn nhau hơn cả người dưng.
Sao không ở riêng ra, tách biệt gia sản, chỉ chu cấp một khoản cố định đủ sống cho mẹ? Khi ở riêng, thân nhân của Đàm Vĩnh Hưng cũng không có điều kiện lợi dụng uy tín của anh để vay mượn bạn bè hay các fan của anh. Và cả các chủ nợ nữa, họ cũng không dại gì tiếp tục cho vay nếu con nợ của họ không phải là mẹ của Đàm Vĩnh Hưng, ở trong ngôi nhà bạc tỷ của anh. Và do đó mẹ anh cũng không có đủ điều kiện để dấn sâu vào con đường vay mượn.
Cái lý cần đi trước, rồi mới đến cái tình, nếu trong nhà có người quậy phá. Điều này, người phương Tây, với tư duy rạch ròi trong áp dụng pháp luật ít khi gặp phải.
Đàm Vĩnh Hưng đã rất chân tình. Việc anh lên mạng để "kể tội" mẹ, cũng là "đường cùng", một là để mọi người cảnh giác không tiếp tục trở thành nạn nhân của mẹ anh; hai là để cứu bản thân anh, khi không thể nào tiếp tục trả nợ thay cho người mẹ chứng nào tật nấy nữa. Chỉ tiếc là anh đã "nhẫn nhịn" quá lâu, để khi bùng ra thì coi như cũng là "cạn tàu ráo máng" trong quan hệ thiêng liêng nhất trong cuộc đời.
Giá như anh rạch ròi trách nhiệm giữa hai mẹ con sớm hơn...
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất