08/01/2015 08:01 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Cầu Nhật Tân khánh thành, người Hà Nội tỏ ra vui mừng. Vui không chỉ bởi sự tiện lợi rút ngắn non nửa quãng đường từ trung tâm thành phố ra sân bay Nội Bài. Hơn thế, so với con đường "hàng xóm" qua cầu Thăng Long, quy hoạch không gian và cảnh quan tại cây cầu mới này, cũng như trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp nối dài theo nó, rõ ràng “bắt mắt” hơn nhiều và xứng đáng là con đường ngoại giao của thành phố.
Vui vậy, nên chẳng có gì khó hiểu khi dòng người lũ lượt đổ tới “bóc tem” Nhật Tân trong 3 ngày qua. Và cũng dễ hiểu nốt, từ niềm vui với cây cầu ấy, hàng chục, hàng trăm ý kiến trên các diễn đàn mạng, đua nhau bày tỏ sự bức xúc với những trường hợp vô ý thức trong lúc thăm cầu. Vô ý thức nhất của những chuyện... vô ý thức ấy là chuyện dừng xe bừa bãi, dừng lại chụp ảnh ngay giữa làn đường qua cầu Nhật Tân- cũng như chuyện thản nhiên... “hái hoa” tại lan can cầu. Mà từ tấm ảnh chụp lại cả biển số xe của người “hái hoa”, nhiều ý kiến đang đề nghị tìm ra thủ phạm, để phạt nặng về hành vi thiếu văn hóa này…
Nhưng, thử đặt câu hỏi ngược lại: nếu là một thanh niên trẻ, háo hức cùng bạn gái đi thăm cây cầu mới khánh thành và muốn chụp một tấm ảnh kỉ niệm có “phông nền” là nó, bạn sẽ làm thế nào? Bản thân người viết cũng đã từng háo hức phóng xe đi hết chiều dài cầu Nhật Tân và có thể khẳng định: không một điểm dừng nào đủ thuận lợi để thoải mái chụp ảnh trên gần 2 km của cây cầu này.
Thực tế, phía thiết kế cũng đã chừa ra 2 phần “cánh gà” bên lề cầu, với chiều rộng mỗi làn khoảng 1 mét cho người đi bộ. Đường tản bộ này được đúc bằng xi măng, cao chừng 30 phân so với nền cầu. Nhưng, đây là hai lề đường chạy hun hút suốt chiều dài của Nhật Tân mà không hề có những đoạn dừng, vươn rộng ra không gian phía ngoài để tạo thành chiếu nghỉ.
Có nghĩa, muốn lên cầu và dừng lại để chụp ảnh, bạn có 3 lựa chọn: hoặc đi bộ trên làn đường hẹp và dài hơn 3000 mét để tìm địa điểm, hoặc phóng xe máy tới những chỗ muốn dừng rồi... dắt xe lên lề đường cao 30 phân. Lười đi bộ hoặc ngại dắt xe lên hè đường, lựa chọn thứ 3 sẽ là đỗ lại, để xe trên làn đường cho xe máy và bước lên chụp ảnh theo kiểu... du kích. Tất nhiên, theo tâm lý chung, ai cũng thích lựa chọn này, nếu các cảnh sát giao thông lơ là.
Cần nhớ, Nhật Tân được xây dựng với một kinh phí cao hơn khá nhiều so với hai cây cầu bắc qua sông Hồng từng thi công trước nó là Vĩnh Tuy và Thanh Trì. Kinh phí cao hơn ấy đến từ sự chú trọng tới hình dạng và tính thẩm mỹ, sử dụng kết cấu dây văng 5 nhịp 5 trụ (biểu tượng cho 5 cửa ô Hà Nội) – chứ không là dạng cầu “trơn” như hai “ông anh” nó. Nhưng chẳng lẽ, sự kỳ công trong thiết kế và trong đầu tư xây dựng ấy chỉ để người ta... ngắm cầu từ xa, thay vì có thêm cơ hội là dừng lại ngắm cầu hoặc chụp ảnh khi đang di chuyển?
Nói về sự thiếu ý thức của người Việt thì rất dễ và rất ...cũ. Nhưng, nếu có giải pháp “đón đầu” để kêu gọi tự giác xóa bỏ sự thiếu ý thức ấy, câu chuyện sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Cụ thể, 10 khoảng “chiếu nghỉ” tại 5 nhịp cầu (hoặc dễ hơn là xây 10 bậc dốc để thuận lợi đưa xe lên vỉa hè) cũng đủ để giảm tải cho việc “canh giữ” quãng đường hơn 3000 mét của các cảnh sát giao thông. Nhật Tân được xây cả với mục đích văn hóa, tại sao chúng ta không chú ý tới những tiểu tiết để khai thác hết tiềm năng của nó?
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất