12/04/2025 16:59 GMT+7 | Tin tức 24h
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11, khóa XIII quyết định nhiều chủ trương lớn, trong đó có vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Cán bộ, đảng viên và nhân dân Phú Yên đặc biệt quan tâm đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, đồng thời bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương của Đảng và gửi gắm nhiều nguyện vọng chính đáng.
Cuộc cách mạng toàn diện và triệt để
Phú Yên là vùng đất có bề dày lịch sử hơn 410 năm. Năm 1975, sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Phú Yên được hợp nhất với tỉnh Khánh Hòa, hình thành tỉnh Phú Khánh. Đến năm 1989, theo yêu cầu thực tế phát triển và đặc điểm riêng của từng địa phương, Quốc hội khóa VIII đã thông qua nghị quyết chia tách tỉnh Phú Khánh, tái lập lại hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa.
Tới đây, theo định hướng của Trung ương, Phú Yên là một trong những địa phương thực hiện việc sáp nhập địa giới hành chính. Chủ trương này không đơn thuần chỉ là tinh gọn bộ máy quản lý mà còn mang tầm nhìn chiến lược, hướng tới mục tiêu kiến tạo không gian phát triển mới.
Ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên trả lời phỏng vấn TTXVN
Ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh của Trung ương sẽ mở ra không gian phát triển mới cho Phú Yên. Cụ thể như: Hình thành vùng chuyên canh cây công nghiệp quy mô lớn; kết nối từ khu vực cửa khẩu biên giới đến cảng biển; hình thành khu công nghiệp công nghệ cao để thúc đẩy sản xuất... Những năm gần đây, Phú Yên đã có những nỗ lực trong phát triển về kinh tế - xã hội nhưng còn hạn chế so với các địa phương khác. Muốn tỉnh mới phát triển, nhân tố đoàn kết trong nội bộ Đảng bộ, chính quyền là quan trọng nhất; bên cạnh đó là sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân.
Đối với chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo hướng xây dựng chính quyền cấp tỉnh và cấp xã, ông Nguyễn Công Đức, nguyên Phó Bí thư Thường trực thị ủy Tuy Hòa (nay là thành ủy Tuy Hòa) nhận định là rất cần thiết và phù hợp với xu thế của thế giới. Chủ trương tinh gọn bộ máy đã có những Nghị quyết của Đảng từ trước nhưng đến nay cuộc cách mạng này mới được thực hiện "triệt để" và "toàn diện" trong tiến trình đổi mới đất nước.
Từ thực tiễn sáp nhập tỉnh trong quá khứ, ông Nguyễn Công Đức, bày tỏ mong muốn tỉnh mới, xã mới phải phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua những khó khăn ban đầu. Phú Yên có bề dày lịch sử và con người nơi đây dành tâm huyết cho sự phát triển của quê hương rất nhiều. Đây sẽ là động lực tinh thần quan trọng để tiếp tục xây dựng tỉnh mới phát triển giàu, đẹp.
Ông Nguyễn Công Đức, nguyên Phó Bí thư Thường trực thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) trả lời phóng vấn TTXVN
Phát triển đô thị hướng biển
Khi tỉnh mới được thành lập, cán bộ, đảng viên và Nhân dân Phú Yên mong mỏi thành phố Tuy Hòa (trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên) sẽ trở thành đô thị hướng biển và phát triển mạnh mẽ. Thời gian gần đây, đô thị biển Tuy Hòa đã trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hướng biển cũng là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới hiện nay.
Để Phú Yên sau khi sáp nhập đơn vị hành chính có thể phát triển mạnh mẽ, theo ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, điều quan trọng nhất là phát triển hạ tầng giao thông. Quốc lộ 29 hiện hữu kết nối Phú Yên - Đắk Lắk phải được sớm nâng cấp mở rộng. Tuyến đường này sẽ kết nối với các trục giao thông trọng yếu như: Đường bộ ven biển Việt Nam, Quốc lộ 1, Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Quốc lộ 14; kết nối cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu… Đây cũng là tuyến đường thuận lợi nhất để tạo điều kiện phát triển các hành lang kinh tế của hai địa phương Phú Yên và Đắk Lắk nói riêng, khu vực lân cận nói chung.
Kiến trúc sư Hoàng Xuân Thưởng, Hội Kiến trúc sư Phú Yên trả lời phỏng vấn TTXVN
Là người có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với công việc quy hoạch đô thị và nông thôn, kiến trúc sư Hoàng Xuân Thưởng, Hội Kiến trúc sư Phú Yên khẳng định sự đồng thuận với chủ trương của Đảng bởi không riêng Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đã và đang tinh gọn bộ máy hành chính.
Về không gian phát triển đô thị, kiến trúc sư Hoàng Xuân Thưởng đề xuất, tỉnh mới cần có định hướng phát triển gắn kết với không gian biển. Thực tiễn từ khi chia tách tỉnh Phú Khánh, tái lập lại tỉnh Phú Yên không gian đô thị biển đã không ngừng được phát triển, mở rộng. Với chiều dài gần 200km đường bờ biển, Phú Yên có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch. Người dân Phú Yên tự hào đây là nơi đón ánh nắng bình mình trên đất liền ở điểm cực Đông của Tổ quốc... Khi có sự kết hợp đồng bộ đô thị với hạ tầng giao thông, cảng biển,... sẽ là động lực quan trọng đưa vùng đất mới trở thành trung tâm công nghiệp, logistics và du lịch.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất