01/02/2015 15:03 GMT+7 | Tennis
(giaidauscholar.com) - Trận bán kết đơn nam Australian Open 2015, Kim Sears - hôn thê của Andy Murray - là tâm điểm dư luận bởi màn chửi thề nhằm vào Tomas Berdych. Nhưng ít giây sau đó, khi Murray giành quyền vào chung kết, sự chú ý được chuyển sang người phụ nữ khác.
Cô là Amelie Mauresmo, HLV của tay vợt Vương quốc Anh.
Phụ nữ cũng có thể làm HLV giỏi
Sau khi vượt qua Berdych, Murray bước lặng lẽ về khu vực dành cho các tay vợt và HLV. Anh không cười lớn với Amelie Mauresmo, nhưng khuôn mặt hiện rõ sự hài lòng. Bảy tháng sau khi trở thành tay vợt nam hàng đầu thế giới đầu tiên bổ nhiệm một HLV nữ không phải là thành viên trong gia đình, Murray biết cần phải cảm ơn ai về chiếc vé dự chung kết Grand Slam.
Murray đã vấp phải sự chỉ trích nặng nề khi bổ nhiệm Mauresmo. Đây là lúc để anh phản bác. “Tôi nghĩ rằng cho tới tuần nay, chúng tôi đã cho thấy phụ nữ cũng có thể trở thành HLV tốt”, Murray nói trong cuộc phỏng vấn trên sân đấu.
Đó là quyết định “dũng cảm”, Murray đồng ý với phóng viên. Bởi thế, anh mong có thể “đền ơn” vị HLV của mình bằng một danh hiệu.
Nếu Murray có thể đánh bại Novak Djokovic trong trận chung kết đơn nam Australian Open 2015, sự kết hợp Murray-Mauresmo sẽ trở nên đáng nhớ nhất trong lịch sử thể thao hiện đại. Trường hợp Murray thua trận trước tay vợt số 1 thế giới, Mauresmo vẫn đóng vai trò lớn trong việc thay đổi quan niệm của quần vợt.
Trước thời điểm Murray thuê Mauresmo (6/2014), chỉ duy nhất 1 trong số 50 tay vợt nữ hàng đầu được dẫn dắt bởi một HLV nữ. Những tháng sau đó, làng quần vợt liên tiếp chứng kiến sự đổi thay. Agnieszka Radwanska bổ nhiệm Martina Navratilova làm HLV và tay vợt tuổi teen người Mỹ Madison Keys quyết định gắn bó với bà mẹ 4 con Lindsay Davenport.
“Có vẻ như cánh cửa cần phải mở rộng ra để chuyện này dễ được chấp thuận”, Davenport chia sẻ. “Rõ ràng Murray là người đã phá ô khóa ngăn cách”.
Murray học được gì từ Mauresmo?
16 năm trước, Davenport kỳ vọng sẽ dễ dàng vượt qua được tay vợt 19 tuổi người Pháp ít danh tiếng ở Melbourne. Nhưng cô đã bất ngờ trước màn trình diễn của đối thủ mạnh về thể lực. “Cô ấy đánh bóng rất mạnh. Tôi cảm thấy đối thủ của mình không phải là một cô gái”.
Davenport phần nào đúng. Năm đó, Mauresmo đến Melbourne cùng bạn gái của mình Sylvie Bourdon. Ở đó, Mauresmo trở thành VĐV Pháp nổi tiếng đầu tiên thừa nhận mình đồng tính. Tiết lộ này dẫn đến một thời kỳ mà bất cứ thành tích nào của Mauresmo cũng được lọc qua lăng kính của đời sống cá nhân và nền tảng thể lực của cô.
Mặc dù bề ngoài mạnh mẽ như vậy nhưng Mauresmo lại rất nhạy cảm khi bước ra sân đấu. “Khi ra sân, cô ấy luôn chất chứa cảm xúc và chật vật tìm kiếm sự tự tin. Với nhiều tay vợt, chuyện đó đến khá dễ dàng nhưng với người như Mauresmo, sự tự tin cần phải được xây dựng, giống như một câu đố”, Remi Bourrieres của tạp chí quần vợt Pháp nhận xét.
Suốt 7 năm dài, báo chí liên tục suy đoán về việc Mauresmo có phải là tài năng quần vợt không bao giờ chiến thắng tại một Grand Slam. Cuối cùng, vào năm 2006, Mauresmo đã đăng quang tại Australian Open và sau đó là Wimbledon. Sự tự tin sau nhiều năm kiếm tìm cũng đã tìm đến với Mauresmo. Đó cũng là điều mà Murray, tay vợt thường bị chê về bản lĩnh, đang cần có.
Hôm nay, Murray và Mauresmo có cơ hội làm nên lịch sử. Nhưng cho dù kết quả thế nào, Murray vẫn hài lòng về sự hợp tác từng gây nhiều tranh cãi. Trên Twitter sau chiến thắng ở bán kết, Murray đã viết: “Có thêm nhiều phụ nữ tham gia vào môn thể thao!”. Kết thúc câu, anh chọn biểu tượng giơ ngón tay cái (Like, thích) để thể hiện cảm xúc.
Khánh Đan
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất