07/09/2017 15:59 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Đó là ý kiến chung của các nhà quản lý và chuyên gia tại buổi tọa đàm "Hai kịch bản từ việc đánh thuế sở hữu nhà ở thứ 2" tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Theo đó, sẽ có 2 kịch bản. Nếu ý tưởng đánh thuế nhà ở thứ hai được thực hiện thì ngay lập tức sẽ tác động đến thị trường bất động sản. Nếu ý tưởng này không được thực hiện thì vẫn cần những giải pháp thay thế để chống nguy cơ thị trường phát triển nóng, đầu cơ, lệch pha cung cầu…
Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), khi nói về tài sản ở Việt Nam, nhất là bất động sản (BĐS) liên quan đến đất và công trình trên đất thì việc thi hành sắc thuế và chống đầu cơ là việc đúng và cần thiết.
Các chuyên gia cho rằng chưa nên đánh thuế với việc sở hữu nhà ở thứ hai.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu sắc thuế này cần biết mục tiêu là gì: Chống đầu cơ hay để sử dụng nhà đất có trách nhiệm hơn trong việc đóng thuế?... Cần làm rõ điều này để khi tính thuế với người có 1 nhà và chỉ để sử dụng thì việc đánh thuế không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Hiện chúng ta đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nên nếu sắc thuế mới được thực thi thì không được thuế chồng thuế.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, hiện nay, điều chúng ta cần bàn là phải cải cách thêm về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đang được áp dụng. Hiện mức thuế này là 0,03%, trong khi các nước khác là 1%. Nếu như các nước họ sử dụng số tiền thu được từ thuế đất để phát triển hạ tầng đô thị, phát triển dịch vụ đô thị thì ở nước ta lại vay ODA để phát triển hạ tầng đô thị, dịch vụ.
"Điều chúng ta cần cải cách đầu tiên là thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Nếu thuế cao thì giá đất sẽ thấp và ngược lại nếu thuế thấp thì giá đất sẽ cao. Chúng ta đội thuế lên thì cầu về đất sẽ giảm, có nghĩa là giá sẽ giảm, sẽ có giá đầu vào hợp lý cho quá trình sản xuất, không phải chịu chi phí về đất lớn như hiện nay", GS Võ cho hay.
Theo GS Võ, việc đánh thuế vào nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường BĐS, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm. Đánh thuế vào nhà ở thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê, số lượng người thuê nhà sẽ giảm. Mà khi cầu từ những nhà đầu tư thứ cấp giảm thì cung từ các dự án sẽ giảm, sẽ làm giảm cả cung lẫn cầu.
Cũng theo GS Võ, ý tưởng đánh thuế với nhà ở thứ hai có vẻ áp dụng hơi cứng nhắc cách làm của Singapore.
Phân tích kĩ hơn điều này, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, cho rằng, cần phải cẩn thận với trường hợp của Việt Nam. "Chúng ta cần hiểu mục đích đánh thuế BĐS thứ hai là khi cung và cầu chưa gặp nhau, thị trường phát triển quá nóng, cần áp dụng chính sách thuế để cân bằng. Trong khi đó, tại Việt Nam, thị trường BĐS đang phát triển lành mạnh, chưa phải tăng trưởng quá mạnh. Khi áp dụng đánh thuế BĐS thứ hai sẽ làm giảm cầu, giảm sức mua của nhà đầu tư với thị trường", ông Matthew Powell cho hay.
Singapore đánh thuế nhà ở thứ hai với người dân trong nước từ 3-10%, với người nước ngoài là 10-15% khi có quá nhiều người nhập cư vào nước này, có quá nhiều cầu mà không đủ cung. Nhưng trường hợp của Việt Nam hoàn toàn khác biệt. Cung cầu đang phát triển lành mạnh, nguồn cầu còn chưa ổn, do đó khó có thể áp dụng lý thuyết của các nước khác vào Việt Nam.
Theo các chuyên gia, những sắc thuế và phí đưa ra trong thời điểm này đều phải rất thận trọng. Nếu ta đánh thuế cao thì nguồn cung sẽ giảm đi. Nếu đánh thuế nhà ở thứ hai thì sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà cho thuê. Ở các nước châu Âu, thị trường nhà ở cho thuê chiếm tới 70%, ở Việt Nam mới chỉ có 10%.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho rằng, các sắc thuế và phí không chỉ với thị trường BĐS mà kể cả các ngành khác đều rất quan trọng, bởi nó đảm bảo nguồn ngân sách Nhà nước. Việc đánh thuế và phí cũng giúp cho điều tiết thị trường, nếu thị trường quá nóng thì tăng phí để giảm bớt sức nóng ảo. Tuy nhiên, cần nghiên cứu việc đánh thuế BĐS thứ hai vào thời điểm khác thì sẽ phù hợp hơn.
Trước đó, đại diện Bộ Tài chính cho biết đang xây dựng Luật Thuế tài sản để thể chế hóa chủ trương về chính sách thuế đối với tài sản; xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, phù hợp thông lệ quốc tế; góp phần bình ổn thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ và sử dụng BĐS lãng phí.
Trên thực tế, Việt Nam hiện chưa có sắc thuế tài sản riêng hoặc thuế BĐS nhưng đã có các chính sách thuế chính liên quan đến tài sản (như thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp...). Tuy nhiên, chính sách thuế liên quan đến tài sản hiện nay chưa đáp ứng được vai trò là một trong những nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước. Số thuế sử dụng đất của Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 0,03% GDP và khoảng 0,15% tổng ngân sách.
Trước thông tin đề xuất triển khai đánh thuế khi sở hữu nhà ở thứ 2 trở đi, đại diện Bộ Tài chính cho biết vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, chưa có gì cụ thể.
Theo Hoàng Dương/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất