Hài nhảm nhưng lấy tiền không nhảm

15/05/2012 07:10 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Ra mắt khán giả từ 20/4, chỉ sau 3 ngày chiếu, Cưới ngay kẻo lỡ của đạo diễn Charlie Nguyễn đã thu về 9 tỷ đồng (con số do nhà sản xuất công bố), nhiều hơn chi phí sản xuất phim. Dù không được khen và bị đặt “danh hiệu” hài nhảm nhưng những bộ phim hài nhảm kiểu như Cưới ngay kẻo lỡ vẫn, đang và sẽ là giúp các nhà sản xuất hốt bạc.



* Nhảm cũng có giá của nhảm

Rất khó để đưa ra một định nghĩa chuẩn cho cái gọi là phim hài nhảm. “Nhảm” là từ rút gọn của “nhảm nhí”. Hài nhảm là một cách gọi rất Việt Nam về dòng phim mà vốn dĩ câu chuyện chính không phải là dạng hài hước nhưng đạo diễn lại sử dụng nhiều tình tiết, nhân vật, hành động, lời thoại… được cường điệu, phi lý đến mức nhảm nhí và gây cười. Đó dường như cũng là thể loại… riêng của phim Việt Nam, chủ yếu là khu vực thị trường phía Nam.

Từ thời thị trường điện ảnh Việt Nam nhúc nhích trở mình sau một thời gian nằm im bất động, phim hài nhảm đã giữ ngay vị trí thống trị. Những Khi đàn ông có bầu, Lấy vợ Sài Gòn, 2 trong 1… là kết quả của thời kỳ đó. Có những năm, phim hài nhảm chiếm 100% tỷ lệ phim nội. Có phim khiến khán giả cười nổ rạp và hốt doanh thu, có phim nhanh chóng bật khỏi rạp không kèn không trống vì không hài mà chỉ nhảm, nhưng dù có rút kinh nghiệm thế nào, có khát vọng thử nghiệm những thể loại mới đến đâu, các nhà sản xuất vẫn tìm đến hài nhảm để thu hồi vốn tái đầu tư. Và kỷ lục doanh thu luôn thuộc về các bộ phim kiểu này. Nếu trước đây chỉ nhà làm phim trong nước tung hoành ngang dọc với dòng phim đặc sản nói trên thì nay các nhà làm phim Việt kiều cũng vào cuộc. Cưới ngay kẻo lỡ của đạo diễn Việt kiều Charlie Nguyễn vừa lập kỷ lục doanh thu mới, phá vỡ kỷ lục cũ mà bộ phim cùng thể loại, Long Ruồi của anh đã lập năm trước.

Cưới ngay kẻo lỡ xoay quanh mối quan hệ giữa cô gái đầy chí tiến thủ, luôn bận rộn với công việc giám đốc hình ảnh cho một tạp chí và anh chàng nhiếp ảnh gia đa tình. Trước khi gặp nhau trong công việc, họ đụng độ với nhau trên phố bằng một tai nạn giao thông. Như lửa với nước nhưng rồi họ lại nhận ra rằng họ thật sự yêu và cần đến nhau. Câu chuyện chính được xây dựng khá đơn giản, thậm chí còn sơ sài, đầy rẫy sự phi lý; tính cách, tâm lý hai nhân vật chính (chàng trai, cô gái) cũng mờ nhạt, sơ sài không kém nhưng “tuyến phụ” thì phát triển mạnh với khả năng gây cười cho khán giả từ đầu tới cuối phim. Có thể hiểu vì sao Thái Hòa lại là “át chủ bài” của nhà sản xuất trong phim này (đóng cặp với cây hài nổi tiếng khác của phương Nam là Tấn Beo) dù anh chỉ đóng vai phụ. Vai phụ (giả gái) của Thái Hòa một lần nữa lại trở thành “vai chính” giống như anh đã làm điều này trong bộ phim Để Mai tính, đẩy cặp diễn viên chính Johnny Trí Nguyễn và Ngọc Diệp, xuống làm… “vai phụ”.

Cách chọc cười trong phim này khá thô, chẳng hạn bằng thoại kiểu “trả treo” giữa các nhân vật, bằng những tình huống gây cười kiểu như cô nàng bị cửa xe ô tô kẹp cho rách váy, hoặc có phần hơi… tục như là đoạn Thái Hòa giả bộ những âm thanh mà một đôi trai gái phát ra khi đang làm “chuyện ấy” để câu giờ cho việc cải trang thành cô gái… Không nhận được bất cứ lời khen nào trên báo chí, thậm chí bị “dè bỉu” là tác phẩm đánh dấu sự thụt lùi của điện ảnh Việt, nhưng Cưới ngay kẻo lỡ đúng như dự đoán trước đó vẫn làm cho các phòng vé nhộn nhịp hơn trong dịp lễ 30/4 - 1/5 và hiện vẫn trụ rạp với nhiều suất chiếu dù đã sang tuần thứ ba.

Trước Cưới ngay kẻo lỡ, bộ phim Long Ruồi (cũng của đạo diễn Charlie Nguyễn) cũng sử dụng công thức gây cười với các tình tiết hài xung quanh một câu chuyện không hài đã lập kỷ lục doanh thu với 42 tỷ đồng sau 4 tuần phát hành mặc dù đạo diễn tự nhận phim này là phim tệ nhất của mình! Năm 2010, Để Mai tính cũng hốt doanh thu các phòng vé chỉ với nhân vật ái nam ái nữ Phạm Hương Hội do Thái Hòa thủ diễn, một nhân vật phụ trong phim… Và đạo diễn Charlie Nguyễn không ngần ngại thừa nhận, anh chuyển hướng làm phim hài để kiếm tiền trả hết món nợ đã vay để làm Dòng máu anh hùng từ 6 năm trước. 3 bộ phim hài với 3 kỷ lục phòng thu mới đủ để anh trả hết món nợ này và quay về theo đuổi những dự án “không hài” của mình.

* Giá của phim nhảm Hollywood

Hollywood không có thể loại hài nhảm theo cách gọi nôm na của khán giả Việt nhưng những phim hài ít giá trị nghệ thuật cũng có vai trò kiếm tiền cho nhiều nhà sản xuất. Mới đây, Jack and Jill của Adam Sandler bị “đập” te tua. Mâm xôi vàng lần đầu tiên trong lịch sử ở mỗi hạng mục đều có tên của Jack and Jill. Phim này còn nhận được 97% phiếu chống của Rotten Tomatoes, trang web của những nhà phê bình lừng danh… Thế nhưng với số vốn 79 triệu USD, Jack and Jill  thu về 150 triệu USD, lãi gần gấp đôi.


Naked Gun, một trong những phim hài nhảm để đời của Leslie Nielsen

Cách đây vài năm, khi bộ phim Dance Flick chuẩn bị ra rạp đã gây nên một trận bút chiến trên nhiều tờ báo danh tiếng và hầu như báo nào cũng nhận xét đây là bộ phim hài nhảm nhí bậc nhất. Bộ phim nhại lại nhiều bộ phim nổi tiếng như Footloose, Fame, Hairspray Save the Last Dance, gồm nhiều gia vị như tình yêu, nhảy nhót, âm nhạc, chia tay, nước mắt… Nội dung thì cũ, đến nỗi nhà phê bình Mark Kermode mỉa mai rằng “nhảm nhí đến độ mà muốn nở một nụ cười  cũng chẳng nổi”. Duy nhất có nhà phê bình Barry Norman  bênh vực và đã chỉ ra một nghịch lý đầy thực tế là: “Các ông cứ đề cao mọi thứ giá trị này nọ. Nhưng một bộ phim hài nhảm nhí cũng phải có kịch bản tốt, diễn viên ngon lành và làm phim hài khó chứ chẳng dễ ăn. Khán giả thừa biết đó là phim nhại và họ muốn biết mức độ nhại nó hài tới đâu, đó là một thách thức cho bất kỳ tay đạo diễn nào”. Kết quả Dance Flick thu về 32 triệu USD so với số vốn 25 triệu!

"Tất nhiên những bộ phim hài nhảm chẳng bao giờ tìm được đường tới Oscar và cũng đừng hòng so sánh được với những bộ phim hài thâm thúy. Nhưng, các nhà sản xuất những phim dạng này thì luôn cười rất tươi khi đi từ nhà đến nhà băng"

Theo Thời báo Los Angeles

Các nhà phê bình cũng đã từng chê tơi bời loạt phim Scary Movies, cho rằng kịch bản là một nồi lẩu…, nhưng đến giờ, trước khi Scary Movies 5 sẽ ra rạp vào 2013, thì tổng doanh thu của nó trên toàn cầu đã là 752 triệu USD!

Trong vòng 20 năm qua, Hollywood thắng lớn với những bộ phim hài nhảm nhí, đến nỗi tờ Guardian còn phải chạy tít: “Phim hài nhảm đang ăn thịt Hollywood”. Những năm 90, hãng Paramount Pictures thắng lớn với loạt phim Naked Gun với tổng thu gần 200 triệu USD, phim Hot Shots! (bộ phim đưa Charlie Sheen trở thành ngôi sao) phát hành năm 1991 của Century Fox đã thu kỉ lục 181 triệu USD tiền vé (vốn 26 triệu USD)… Jim Abrahams, người viết kịch bản và đạo diễn phim Hot Shots! thừa nhận: “Chúng tôi sẽ chẳng làm phim này nếu không thu được nhiều tiền. Cái khó của những bộ phim dạng này là chúng tôi phải có ít nhất 10 pha gây cười trong phim và khán giả ở bất cứ đâu khi xem cũng phải cười giống nhau”. 

* Diễn nhảm, để đời

Một trong những nhân vật hài nhảm được yêu mến nhất của Hollywood là gã đầu bạc Leslie Nielsen. Đóng phim miệt mài 30 năm chẳng ai biết đến và rồi năm 1980, ở tuổi 54, ông tỏa sáng ở Hollywood nhờ một vai hài nhảm trong một bộ phim hài nhảm kinh điển, Airplane!. Chẳng ai nhịn được cười khi xem Nielsen đóng, mặt tỉnh bơ, luôn thể hiện một vai diễn nghiêm túc nhưng toàn lâm vào những hoàn cảnh tức cười. Vai diễn của Nielsen thường trong vai anh hùng cứu mỹ nhân, cứu chế độ, cứu yếu nhân... Sau này, Nielsen cho rằng cả cuộc đời ông thay đổi từ khi hình tượng hài của ông làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người, cho dù về giá trị nghệ thuật, những bộ phim ấy chẳng có gì đáng đề cao. “Khi tôi đóng Naked gun (tay súng trần trụi) chẳng ai tin nó sẽ làm cháy phòng vé vì kịch bản quá chán nhưng tôi thì thấy đây sẽ là bom tấn dù bộ phim hài nhảm quá mức. Bởi vì sao, vì tôi biết rằng, khi tôi nghiêm túc người ta sẽ cười, bởi tôi biết cái kịch bản ấy cực kỳ buồn cười, từng câu thoại, từng tình tiết nó bắt bạn phải diễn cho người ta cười, không cười không được”.

Câu nói Leslie Nielsen làm nhớ đến Châu Tinh Trì ở phía Đông địa cầu. Diễn viên họ Châu này không phải đợi đến tuổi 50 mới được biết đến như Nielsen nhưng phải đến gần 30 tuổi những vai diễn của Châu Tinh Trì mới bắt đầu được chú ý. Sinh năm 1962, đến năm 21 tuổi (1983, cùng lứa với Lương Triều Vỹ) tốt nghiệp lớp diễn viên của hãng TVB và suốt 7 năm tiếp theo anh làm dẫn chương trình cho một tiết mục thiếu nhi, đóng phim truyền hình, cũng khá hài hước nhưng chẳng trụ được lâu. Bước ngoặt quan trọng nhất là Châu Tinh Trì tạo nên một phong cách diễn độc đáo, người ta gọi phong cách diễn xuất của Châu Tinh Trì là phong cách “không đầu không cuối”. Trong diễn xuất, các nhân vật của anh thường có những hành động phi logic, thậm chí còn điên điên khùng khùng, vừa là một anh hùng, lại vừa là một vai hề. Ngôn ngữ thoại không thoát ra được nhưng lại được “giải thích” bằng những hành động rất đỗi hài hước và dễ hiểu. Những phim của Châu thường hướng đến giới bình dân, toàn những vai từ nghèo hèn vượt khó thành giàu sang, đánh đúng ước muốn đổi đời của giới này, và phim thắng lớn. Càng về sau những bộ phim của Châu Tinh Tình càng mang nhiều giá trị nội dung hơn nhưng không vì thế mà những vai diễn hài nhảm trước đó của anh bị lãng quên.

Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm