Từ Bắc Kinh đến London: Siêu cường mới & đế chế cũ

29/07/2012 11:03 GMT+7 | Olympic 2012

(TT&VH) - Nếu như lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 hoành tráng và lộng lẫy hết mức có thể, với quy mô phải nói là vô tiền khoáng hậu trong lịch sử Thế vận hội, như một lời khẳng định về vị thế của một siêu cường đang lên mạnh mẽ và cứng rắn đòi hỏi vị trí của mình trên vũ đài thế giới thì lễ khai mạc Olympic London 2012 thông minh, ý nhị, khiêm tốn nhưng không kém phần ấn tượng, khi nước Anh cho thế giới thấy rằng họ vẫn còn giữ được bản sắc và niềm tự hào một thời của mình: một đại đế quốc mà mặt trời không bao giờ lặn.

Có thể so sánh hai lễ khai mạc như những buổi trình diễn của một bên là nhà giàu mới nổi, còn bên kia là quý tộc đã sa sút. Xuất phẩm ầm ĩ, đông đúc, gây chóng mặt, hài hước và đầy chất thơ của đạo diễn từng đoạt giải Oscar, Danny Boyle, đưa người xem từ sự ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác. Những điều điển hình nhất về một nước Anh đầy tự hào đã có mặt trong buổi trình diễn tối thứ Sáu, một bầy cừu (và một con chó chăn cừu chạy lăng xăng) của những ngày mà nước Anh còn thống trị toàn bộ thị trường vải sợi và may mặc toàn cầu; ban nhạc rock Sex Pistols đã khởi xướng phong trào nhạc punk đương đại; Chúa tể Voldemort, kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai trong Harry Potter, vốn còn đang làm mưa làm gió trên các rạp phim và hiệu sách toàn cầu. Rồi còn đó kỹ sư Isambard Kingdom Brunel, nhà ảo thuật cầu đường thế kỷ 19, người đã xây dựng những công trình như đường hầm sông Thames và cầu treo Clifton qua sông Avon George mà người Anh còn dùng tới tận ngày nay; ý tưởng rằng những chiếc vòng Olympic được đúc trong cả xưởng của Anh trong thời cách mạng công nghiệp; gia đình Partridge trong bộ phim Bốn đám cưới và một đám ma và còn nhiều nữa những biểu tượng của nước Anh.

"Là sự kiện của người dân"

Tất cả khiến người xem đi qua một trải nghiệm lúc thì sâu lắng, khi thì vui nhộn, tất cả đều hướng về nỗi luyến tiếc quá khứ, nhưng không quên một cái nhìn can đảm vào tương lai. Buổi khai mạc có thể không được hoành tráng như ở Bắc Kinh 4 năm trước, nhưng chắc chắn không kém phần ý nghĩa, khi nó vẽ lên bức tranh chân dung có phần điên rồ, như chính cá tính của đạo diễn phim "Triệu phú ổ chuột", về một đất nước đã thay đổi không thể nào nhận ra kể từ lần gần nhất nó làm chủ nhà một kỳ Thế vận hội vào mùa hè hậu chiến 1948.

Khi đó nước Anh nghèo đến mức các VĐV phải ở tạm trong những doanh trại quân đội, tự mang theo khăn tắm và không có một công trình mới nào cho Thế vận hội. Khi đó chi phí tổ chức  không tới 750.000 bảng, có lãi một ít và khiến nước Anh tự hào về việc vượt qua chiến tranh một cách thành công. Còn năm 2012, ngay cả trong thời buổi kinh tế ảm đạm nhất trong nhiều thập kỷ qua, vẫn là một cảnh tượng lộng lẫy đầy niềm tin khi 80.000 người ngồi chật kín SVĐ Olympic. Họ đến đó bằng tàu viên đạn và những làn đường dành riêng.

Một chút mưa không làm ảnh hưởng nhiều mà chỉ khiến lễ khai mạc thêm phần lãng mạn. Nữ hoàng Elizabeth II đã có mặt, sau khi cùng đóng một đoạn hoạt cảnh ngắn với diễn viên Daniel Craig, James Bond mới nhất, trong đó đạo diễn tạo cảm tưởng bà nhảy dù xuống từ một chiếc trực thăng.

Một trong những bí mật lớn nhất buổi lễ, ai sẽ đốt đuốc, được tiết lộ sau màn trình diễn 3 giờ 45 phút, với 7 VĐV trẻ đón đuốc từ tay chèo thuyền người Anh Steve Redgrave. Boyle đã mất 2 năm làm việc cật lực cho không đầy 4 tiếng đồng hồ đó. Trước khi nó diễn ra, cuộc tranh luận tập trung chủ yếu vào việc làm sao Anh có thể vượt qua nước chủ nhà lần trước, Trung Quốc 2008. 4 năm về trước, Bắc Kinh đã có một lễ khai mạc gây choáng ngợp để tuyên bố một cách không thể tranh cãi là họ đã có mặt, đã trở nên giàu có, đã làm được nhiều điều vĩ đại và thế giới tốt hơn hết là hãy học cách làm quen với điều đó.

Nhưng mục đích của Boyle không phải là làm được hơn siêu cường Trung Quốc, khi nước Anh chẳng bao giờ hy vọng sẽ sống lại những ngày đỉnh cao của đế chế mặt trời không bao giờ lặn. Thủ tướng David Cameron đã sớm phủ nhận mọi so sánh, rằng Olympic ở Anh, “không phải là một sự kiện do nhà nước bảo trợ, mà là sự kiện của người dân”. Với những gì Boyle làm được và phản ứng trên toàn cầu, nước Anh đã làm được những điều mà họ nói.

Màn thắp đuốc ấn tượng

Ngọn đuốc Olympic đã kết thúc hành trình 8.000 dặm (hơn 12.800 km) khắp nước Anh, được đưa trên một chiếc ca-nô cao tốc trên sông Thames cùng cựu đội trưởng tuyển bóng đá Anh David Beckham, người trao nó cho nhà Olympic thành công nhất của xứ sở sương mù, Steve Redgrave.

Redgrave sau đó trao lại ngọn đuốc cho 7 VĐV trẻ tuổi, Callum Airlie, Jordan Duckitt, Desiree Henry, Katie Kirk, Cameron MacRitchie, Aidan Reynolds và Adelle Tracey, những người đưa ngọn đuốc lên trung tâm sân khấu. Vây quanh họ là hơn 10 nghìn VĐV, 7 tài năng triển vọng của thể thao thế giới đã cùng nhau thắp sáng đài đuốc như một bông hoa.

Cựu thành viên The Beatles, Paul McCartney kết thúc buổi tối mà âm nhạc đã được chơi liên tục không ngừng với một bài hát gợi nhớ nhiều ký ức quá khứ, Hey Jude, từng là một bài hit của ban nhạc nổi tiếng nhất nước Anh và có lẽ là cả thế giới.

Với mọi kỳ Olympic, phần âm nhạc trong lễ khai mạc luôn rất quan trọng và được chú ý. London không phải ngoại lệ. Trước đó, Sydney chọn ca sĩ hát chính là Olivia Newton-John. Tại Barcelona là Freddie Mercury và Montserrat Caballe. Còn ở Los Angeles, 84 nghệ sĩ piano cùng nhau chơi bản Rhapsody in Blue của George Gershwin. McCartney còn để lại ấn tượng mạnh hơn với Hey Jude.


Trần Trọng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm