Đạo diễn Đào Bá Sơn: “Xin dành cho tôi quyền im lặng và chấp nhận!”

13/10/2010 07:20 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Khi thực hiện chuyên mục Sự kiện & Đối thoại tuần này, TT&VH Cuối tuần đã có một cuộc đối thoại với đạo diễn Đào Bá Sơn xung quanh những đón nhận của khán giả về bộ phim Long Thành cầm giả ca. Đạo diễn đã trả lời những câu hỏi phóng viên đặt ra về khó khăn khi nhận làm một bộ phim lịch sử, khó khăn với chính bộ phim,…, đồng thời ông cũng bày tỏ sự thất vọng, buồn bã với những bình luận bất lợi cho bộ phim. Tuy nhiên sau đó đạo diễn Đào Bá Sơn không đồng ý đăng tải nội dung cuộc phỏng vấn này và câu nói duy nhất ông đồng ý để phóng viên đưa lên báo là: “Xin dành cho tôi quyền im lặng và chấp nhận!”.

Trước khi phim ra mắt khán giả, trả lời phỏng vấn báo chí, đạo diễn Đào Bá Sơn cho biết:

Phim là chuyện tình của một đại văn hào với cô đào hát trải dài gần 30 năm với bao biến động thăng trầm của lịch sử. Từng triều đại qua đi, nhà Lê suy tàn, quân Thanh xâm lược bờ cõi, Tây Sơn hùng mạnh là thế rồi cũng phải nhường ngôi cho nhà Nguyễn... nhưng tiếng đàn, giọng hát của cô Cầm thì còn mãi với thời gian, với Long thành... Những người trẻ yêu thơ Nguyễn Du, tôi tin họ sẽ tìm xem bộ phim về ông để có thể thấy được đằng sau một đại thi hào với những áng thơ bất tử của Đoạn trường tân thanh, Long Thành cầm giả ca, Văn tế thập loại chúng sinh... Nguyễn Du còn là một con người, đau với nỗi đau của dân tộc, một bậc trung quân tràn đầy tình yêu trong sáng...


Đạo diễn Đào Bá Sơn. Nguồn: Internet
Tôi không chọn cách dẫn chuyện bạo lực hay gợi cảm trong phim này bởi tôi muốn thu hút khán giả bằng sự nhẹ nhàng, sâu lắng, bàng bạc của cảm xúc hơn là cảnh máu lửa, cảnh giường chiếu, phòng the. Và tôi hoàn toàn không ân hận khi mình đã đi theo con đường như thế.

Ông cũng chia sẻ những khó khăn khi làm phim:

Sau khi phim chiếu ra mắt ở TP.HCM, tôi bị chất vấn đến toát mồ hôi vì chuyện lồng tiếng. Thực sự, có những điều hài lòng và chưa hài lòng. Nhưng ván đã đóng thuyền rồi, đành chịu thôi.

Tôi nghĩ giá như đạo diễn có trường quay, có điều kiện làm việc tốt hơn thì chắc hẳn sẽ làm được những bộ phim lịch sử tốt hơn. Làm phim lịch sử mà kinh phí hạn hẹp, đoàn phim nghèo, đến nỗi những cảnh như Tố Như đi sứ mà họa sĩ thuê mãi mới được 5 con ngựa. Lúc con này đi đúng hàng, thì con kia phá đám... Lúc ngựa vào hàng lối thì diễn viên quần chúng “đình công” vì đói quá không diễn nổi...

D.V.A

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm