31/12/2024 07:06 GMT+7 | Giải trí
Ngày 30/12 vừa qua, tại Hà Nội, bộ phim điện ảnh Mưa trên cánh bướm của nữ đạo diễn Dương Diệu Linh đã có buổi ra mắt trước khi chính thức công chiếu từ 3/1/2025.
Trước đó, vào tháng 9 vừa qua, Mưa trên cánh bướm (Don't Cry, Buttefly) từng gây chú ý khi giành 2 giải tại Liên hoan phim Venice lần thứ 81: Giải Circolo del Cinema Verona (Phim sáng tạo nhất) và giải Iwonderfull Grand Prize (Phim hay nhất) trong hạng mục Tuần lễ phê bình phim quốc tế. Đây là thành tích xứng đáng cho nỗ lực của Diệu Linh trong suốt 10 năm theo đuổi con đường điện ảnh.
"Mười năm trước, tôi đang còn học tập và làm việc tại Singapore nhưng không liên quan gì đến phim ảnh. Chẳng hiểu sao tôi cứ bị thôi thúc một việc: Phải về Việt Nam để làm một bộ phim về đời sống, con người, văn hóa Việt Nam" - Diệu Linh bắt đầu câu chuyện.
Cô nói tiếp:
Tôi về nước, bắt tay làm một bộ phim ngắn về gia đình có 2 mẹ con có những bí mật riêng, có cách xử sự riêng của họ. Người này cứ ngỡ người kia không biết bí mật của mình nhưng thực ra không phải, từ đó xảy đến những điều rất trớ trêu. Tuy nhiên, làm xong tôi thấy thời lượng chỉ 13 phút là chưa đủ, vì tôi muốn kể rất nhiều về những sang chấn khác nhau của những người phụ nữ ở 2 thế hệ. Rồi, cách mà 2 thế hệ đối diện với cùng một vấn đề sẽ ra sao? Họ thoát ra mớ bòng bong của mình như thế nào?
Tôi tạm gác lại bộ phim ở đó, tiếp tục làm thêm những bộ phim ngắn khác về những người phụ nữ trung niên và đều có cùng chủ đề: Cách họ vượt qua những vấn đề khó khăn trong cuộc sống như thế nào? Hoặc, vì sao lúc nào họ cũng than phiền và bất mãn trong cuộc sống? Đến năm 2019, tôi sử dụng những chất liệu đã gom góp trong 5 năm trước đó để làm Mưa trên cánh bướm".
* Tại sao Linh lại chọn đề tài những người phụ nữ trung niên?
- Những phụ nữ trải qua bi kịch trong gia đình là đề tài không mới. Nhưng trong nhiều bộ phim tôi từng xem, hầu hết họ hiện ra như là nạn nhân vậy. Qua quan sát của tôi, những người phụ nữ xung quanh mình không đến nỗi như thế. Họ thậm chí luôn chủ động, cố gắng và biết cách thoát ra khỏi những bi kịch cuộc sống. Vậy có phải thực chất những thứ làm người phụ nữ khổ lại xuất phát từ bên trong chính họ, khiến họ tự giam cầm trong chính những khổ đau của mình? Điều này tôi chưa thấy nhiều trong các tác phẩm điện ảnh.
Khi làm Mưa trên cánh bướm, tôi đã không theo khuôn mẫu kiểu như Holywood nên cấu trúc của phim cũng không có chương hồi, không lên, xuống để rồi rút ra bài học nào đó mà theo kiểu "phản kịch tính". Ngoài ra, tôi có sử dụng yếu tố giả tưởng một chút nhưng không quá phức tạp để hiểu.
* Linh đã có nhiều năm học tập và sản xuất phim ở Singapore và hiện tại đang học tập tại Canada. Vậy Linh thấy mô hình phát triển điện ảnh của họ có gì đáng để ta học hỏi?
- Tôi thấy ở Singapore các bạn trẻ trong lĩnh vực điện ảnh rất chuyên nghiệp vì nhân sự trong lĩnh vực này ở họ "rất đắt". Nếu như ở Việt Nam một đoàn làm phim cỡ 100 người vẫn là bình thường thì tại đó, kinh phí cho con số tương tự là rất khủng khiếp. Thành ra, một đoàn làm phim ở Singapore thường rất nhỏ và mọi người phải tìm mọi cách để hỗ trợ nhau. Họ cũng có những tiêu chuẩn rất khắt khe.
Singapore là nơi đặt trụ sở của rất nhiều hãng phim lớn trên thế giới, các nhà làm phim Singapore được tiếp xúc với nhân sự của các hãng phim đó, nên mặt bằng về kỹ năng điện ảnh của họ rất mạnh. Còn Canada thì được ví như là studio của Holywood, vì nhiều phim của Holywood hay đến đó quay do kinh phí sản xuất rẻ, trong khi nhân sự cũng rất chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, tôi lại thấy nhiều hãng phim, nhà làm phim quốc tế đang rất "thèm" những gì mà Việt Nam đang có.
* Linh có thể nói cụ thể hơn?
- Đó chính là chất liệu và sự bứt phá về khuôn mẫu. Bản thân tôi được biết chính Holywood cũng thấy bản thân họ có vấn đề khi mà kịch bản luôn bó trong một công thức nên đang tích cực đi tìm một giọng nói mới, làn gió mới…
Điện ảnh Việt Nam cũng rất chuyên nghiệp. Và để phát triển hơn nữa, tôi nghĩ các nhà làm phim nên mở rộng hợp tác sản xuất thông qua việc tìm kiếm những nguồn kinh phí đầu tư cho điện ảnh của một số quốc gia trong khu vực. Đơn cử như Singapore, Philippines, Thái Lan đều có quỹ cho các dự án cá nhân. Nghệ sĩ Việt Nam có thể tìm đến những quỹ đó, tận dụng kinh phí của quỹ và sử dụng nguồn nhân lực của họ, qua đó học hỏi được rất nhiều.
Ví dụ ở Singapore, quỹ sẽ đầu tư một khoản tiền và trong khoản tiền đó họ yêu cầu phải sử dụng bao nhiêu phần trăm trong số tiền đó cho việc sử dụng nhân sự người Singapore. Với việc giao lưu như thế, tôi tin chắc sẽ ngày càng nâng cao được tay nghề của những người làm điện ảnh trong nước.
* Vậy Linh có thể nói thêm gì về đời sống điện ảnh nước nhà hiện nay?
- Tôi thấy rất đáng ngưỡng mộ. Điện ảnh Việt Nam gần đây đã có những bộ phim đạt doanh thu cao, khán giả đến rạp xem phim Việt ngày càng nhiều. Chính nhà sản xuất phim người Singapore cho phim của tôi có nói với tôi rằng, điện ảnh Việt Nam phát triển nhất trong khu vực kể từ sau đại dịch Covid-19 đến bây giờ.
Rồi, một nhà sản xuất người Philippines cũng nói với tôi về lý do tại sao họ đang tìm những dự án điện ảnh Việt Nam để hợp tác sản xuất. Theo họ tiềm năng điện ảnh Việt Nam quá lớn và đang ngày càng phát triển, nhu cầu mới về nội dung đang ngày càng tăng, từ đó nâng cao thị phần cho những bộ phim của họ tại thị trường Việt Nam.
* Xin cảm ơn Diệu Linh về cuộc trò chuyện!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất