Đạo diễn Nguyễn Thu Phương: Tôi không làm 'phở mậu dịch, kịch tivi'

22/08/2014 13:25 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Được biết đến là nhà văn, nhưng tám năm nay không thấy Nguyễn Thu Phương in sách mới. Tuy nhiên, chị vừa biên kịch và đạo diễn vở Ngọc lan trắng trên Đài truyền hình TP.HCM.

Lẽ nào nhà văn Nguyễn Thu Phương đã từ bỏ văn chương để làm đạo diễn sân khấu? Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nữ nhà văn xinh đẹp này.

* Lâu nay, khi xem kịch trên truyền hình, nhiều người hay nói “phở mậu dịch, kịch tivi”?

- Kịch truyền hình, nhất là những vở tôi làm cho Đài HTV trong vai trò đạo diễn từ hơn 6 năm nay thường mang lại cho tôi cảm giác... khuây khỏa nỗi nhớ sân khấu. Tôi “chạy” giữa các lĩnh vực khác nhau, từ truyền hình, phim ảnh, văn chương, thậm chí cả... ca nhạc, đã khiến tôi dường như lơi lỏng với cái nghề sân khấu vốn vẫn được tôi coi như “bát cơm” của mình.

Thời gian dựng một vở kịch càng lúc càng rút ngắn lại, đòi hỏi cả người dựng lẫn diễn viên phải lao động nghệ thuật rất cật lực, nhanh nhạy, khả năng ứng biến cao, chuyên tâm, nếu không muốn cho ra đời những tác phẩm “đóng dấu” tên mình mà lại mang tiếng “phở mậu dịch, kịch tivi”; tôi không muốn làm kịch truyền hình như thế.


* Hiện nay dường như kịch đã “nhường sân” cho phim truyền hình. Là người biên kịch chuyên nghiệp, sao chị không phát triển Ngọc lan trắng thành phim truyền hình nhiều tập để có nhiều người xem hơn?

- Có lẽ tôi may mắn nên được làm việc với những người có tâm với nghề, điều đó khiến nỗi buồn “nhường sân” cho phim truyền hình dường như vơi bớt. Buồn chứ, khung giờ vàng của các Đài ít khi dành cho sân khấu truyền hình. Vậy nhưng, không phải không có những vở kịch thật sự chất lượng. Tôi cũng tính chuyển Ngọc lan trắng thành phim truyền hình được không, có thêm một đời sống nữa cho chất liệu kịch bản của mình.

Tuy nhiên, mỗi thể loại vẫn có ưu khuyết riêng của nó, phim truyền hình không phải lúc nào cũng có được độ nén, kịch tính như sân khấu truyền hình.

* Chị được biết đến đầu tiên với tư cách nhà văn, giờ chị viết kịch bản chuyên nghiệp và kiêm luôn nghề đạo diễn. Theo chị, trong các vai trò nhà văn, nhà biên kịch và đạo diễn, làm việc nào là “thuận tay” với chị nhất?

- Tôi thi vào trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM đậu thủ khoa năm 2001, được đào tạo chuyên môn và có bằng cấp loại giỏi sau vở báo cáo tốt nghiệp. Vở dựng đầu tay Tiếng chuông chùa của tôi năm 2004 tham gia Hội diễn Sân khấu Công An Nhân dân, biểu diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát lớn TP.HCM và cả Hải Phòng. Tôi học đạo diễn với suy nghĩ muốn được làm công việc biên kịch một cách chuyên nghiệp hơn, viết ra những kịch bản dễ dàn dựng hơn, nhưng không ngờ học xong lại có nhiều cơ hội để làm đạo diễn nên cứ... thích dần, trở nên thuận tay dần. Tuy nhiên, tôi vẫn thích là nhà văn thôi.

* Một số nhà văn chuyển sang viết kịch bản vì nghề biên kịch phim hay sân khấu “sống khỏe” hơn viết văn. Với chị, nghề biên kịch, đạo diễn có thực sự giúp chị "sống tốt" hơn nếu chỉ viết văn đơn thuần?

- Từ lâu tôi đã nhận thấy, văn chương không thể giúp tôi đủ sống và còn nuôi con. Viết kịch bản phim truyền hình ăn nhờ số lượng tập phim, chứ thật ra nhuận bút cũng chẳng là bao qua biến động giá cả. Người biên kịch ở ta “bán chữ” không được giá. Tính theo số chữ thì nhuận bút kịch bản phim truyền hình thấp hơn nhuận bút truyện ngắn đăng báo.

Tôi làm đủ thứ công việc, dịp cuối năm 2013 tôi tham gia làm cả chương trình ca nhạc dự thi bên HTV; từ 2006 tôi tổ chức sản xuất các talkshow, viết kịch bản gameshow, sản xuất các chương trình du lịch khám phá, viết format cho chương trình truyền hình thực tế...  Sống bằng nghề viết, nghề đạo diễn mà muốn “sống khỏe” thì phải chịu cày dữ lắm.

* Tuy nhiên, đã khá lâu rồi chị chưa ra sách mới. Phải chăng, văn chương vẫn là điều ấp ủ lâu dài, hiểu một nghĩa nào đó chị cần làm nghề khác để nuôi văn và chờ thời điểm để in sách?

- Từ 2006 với tập truyện ngắn Phiêu linh trắng đến nay, tôi không in được gì mới cho riêng mình. Cuối năm nay tôi sẽ có tập truyện ngắn mới, với những truyện viết rải rác tám năm qua. Nói như vậy cũng đủ thấy, tôi tha thiết với văn chương như thế nào.

Trạc Tuyền (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm