'Kong: Skull Island': Người Việt Nam ngất ngây vì Hạ Long, Ninh Bình

10/03/2017 09:13 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Việt Nam đẹp tuyệt vời, mãn nhãn - đó là phản ứng của những khán giả đầu tiên xem Kong: Skull Island tối qua. Những lời tán dương tràn ngập trên mạng xã hội.

Kong: Skull Island đã đồng loạt ra mắt báo giới tại Hà Nội và TP HCM tối qua, cùng với những suất chiếu sớm dành cho khán giả được mở khắp các rạp trên toàn Việt Nam. Như Thể thao & Văn hóa đã đưa tin trước đó, suất chiếu sớm (tối 9/3) gần như cháy vé ở khắp các cụm rạp. Bởi ai cũng có tâm lý muốn xem Ninh Bình, Hạ Long, Quảng Bình trong phim Kong như thế nào sau hơn 1 tháng trời đoàn làm phim này ăn dầm ở dề tại Việt Nam năm ngoái.

Có lẽ, sau Đông Dương, mới có một bộ phim nước ngoài mà ở đó bối cảnh Việt Nam lại xuất hiện nhiều như vậy. Non nước Ninh Bình, Hạ Long từ trên cao nhìn xuống đẹp rợn ngợp, xứng danh là kỳ quan thiên nhiên của thế giới.


Hạ Long đã trở thành bối cảnh tuyệt vời cho "Kong: Skull Island"

Hạ Long và Ninh Bình đã xuất hiện đúng như kì vọng của khán giả Việt. Đó không phải những hình ảnh xuất hiện vài giây, bị cam thiệp bởi kĩ xảo. Mà Hạ Long, Ninh Bình liên tục xuất hiện trong phim với vẻ đẹp tự nhiên khiến khán giả Việt ngay lập tức có thể nhận ra quê hương mình.

Hình ảnh con trâu khổng lồ, một sinh vật "cổ đại" trồi lên từ trong đầm nước ở Ninh Bình đã ngay lập tức thu hút khán giả Việt Nam không chỉ bởi kĩ xảo làm quá tuyệt mà còn bởi hình ảnh con trâu thực sự gần gũi với văn hóa nông nghiệp Việt Nam, với người Việt Nam. Cho thấy các nhà làm phim Hollywood không chỉ quan tâm đến bối cảnh Việt Nam mà họ cũng cố gắng tận dụng cả sinh vật trong không gian đó, tạo cảm giác một hệ sinh thái khép kín.

Những gương mặt Việt Nam trong vóc dáng của một bộ tộc kì dị sống trong rừng sâu, núi thẳm xuất hiện trên màn hình đã khiến khán giả ồ lên. Đó là những diễn viên quần chúng mà đoàn làm phim Kong đã casting tại Việt Nam. Và không có điểm gì để chê những diễn viên quần chúng này cả, họ đều diễn rất tròn vai vì theo kịch bản họ là một bộ tộc rất ít nói, ít cười. Phần hóa trang và phục trang khiến những diễn viên quần chúng này trở nên thú vị hơn rất nhiều.


Ninh Bình được xuất hiện với thời lượng khá dài trong phim

Kong: Skull Island lấy bối cảnh năm 1973 khi cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam sắp đi đến hồi kết. Một đoàn thám hiểm gồm những nhà khoa học và quân đội đã tìm tới vùng đất của Kong, nơi khoa học và huyền thoại có dịp kiểm chứng lẫn nhau. Những người lính Mỹ đang ngán ngẩm với cuộc chiến bước vào Đảo Đầu Lâu với tâm thế chán nản. Nhưng họ vẫn không hề mất đi bản chất hiếu chiến của quân đội Mỹ khi bước vào "nhà" của Kong với một màn chào hỏi không gì tệ hơn: ném bom để thăm dò địa chất, đánh thức những sinh vật khổng lồ. Sau đó sự ngạo mạn, kém hiểu biết về thiên nhiên đã khiến họ phải trả giá đắt.

Kong: Skull Island vẫn sử dụng những triết lý cũ, vẫn theo mô-típ kịch bản cũ: cuộc chiến của con người với Kong, của Kong và các loài sinh vật cổ đại khác, nên tất cả chỉ còn trông chờ vào kĩ xảo. Về điều này Kong: Skull Island đã làm quá tốt. Những sinh vật cổ đại với hình dáng to lớn dị thường, những màn cận chiến vô cùng đẹp mắt, rất thật chắc chắn sẽ chinh phục được nhiều khán giả.

Kong: Skull Island chính thức ra rạp ngày hôm nay.






Ngọc Diệp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm