15/11/2017 11:00 GMT+7 | ĐÀN ÔNG CHẤT
(giaidauscholar.com) - Ngày 19/11 tới đây, Ngày Quốc tế Nam giới được tổ chức tại trên 70 quốc gia theo sáng kiến của Tiến sĩ Jerome Teelucksingh ở Đại học Tây Indies (Trinidad và Tobago) đưa ra vào năm 1999.
Ngày Quốc tế Đàn ông ở Việt Nam vài năm trở lại đây không còn là ngày quá lạ lẫm. Gần đây, không ít người, trong đó có cả phụ nữ đã "hâm nóng" ngày này với nhiều ý kiến khác nhau. Họ bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam nên tham gia ngày này để "nhằm thúc đẩy những mẫu hình đàn ông tích cực hơn trong cuộc sống hàng ngày; tôn vinh những đóng góp của đàn ông đối với xã hội; cải thiện bình đẳng giới và tạo ra một thế giới an toàn hơn.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng "cánh mày râu" không nên "đua đòi" theo chị em vì đàn ông là phái mạnh, là số 1, không có ngày đàn ông thì số đông họ cũng... không yếu thế.
Nhân dịp này, báo Thể thao & Văn hóa(TTXVN) đăng loạt bài ghi chép những ý kiến của các nhà xã hội học, các chuyên gia tâm lý, các văn nghệ sĩ nổi tiếng về việc Việt Nam có nên tham gia Ngày Quốc tế Nam giới hay không, và những câu chuyện xoay quanh cánh mày râu Việt. Và người đầu tiên "lên tiếng" về chủ đề này là đạo diễn Việt Tú.
Anh nói:
- Tôi nghĩ sẽ rất là hợp lý nếu như đàn ông có một ngày của riêng mình, còn phụ nữ có tới 2 ngày (Quốc tế Phụ nữ 8/3 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 - PV) là đương nhiên rồi. Vì phụ nữ là "mẫu" mà, họ là những người "dẫn dắt" đàn ông nên họ có hai ngày được tôn vinh cũng không có gì đáng để phàn nàn cả (cười). Còn về mặt bản chất thì đàn ông hay phụ nữ đều có thiệt thòi riêng.
* Và anh muốn vấn đề nam quyền được đề cao hơn nữa bằng cách "đòi" có riêng một ngày cho đàn ông kiểu như 8/3 hay 20/10 của phụ nữ?
- Bây giờ các vấn đề như là wonder woman (siêu nữ), girl power (nữ quyền) rất được đề cao. Nhưng đàn ông vốn là phái mạnh nên tiếng nói của họ trong vấn đề này là khá... yếu ớt. Nhưng tôi nghĩ cái gì cũng có giá trị của nó.
Người đàn ông nghiễm nhiên được coi là phái mạnh, có thiệt thòi một chút cũng không sao. Nhưng tôi nghĩ nhân dịp này không phải là "đòi" mà là dấy lên một phong trào để đàn ông có được một ngày thực chất là ngày đàn ông thì rất giá trị. Và nếu như có một ngày như thế thì đàn ông cũng có hai ngày, một là ngày của những người cha và thứ hai là ngày của những người đàn ông.
* Nhân nói về Quốc tế Đàn ông, anh có thể "định nghĩa" một người đàn ông "chất" là thế nào không?
- Người đàn ông “chất” là người đàn ông phải hội tụ rất nhiều yếu tố. Nếu chỉ quan tâm đến hình thức thì nó chỉ là thứ yếu. Có hình thức mà người đàn ông lại không biết cách cư xử "sao cho phải" với phụ nữ, không làm cho phụ nữ hạnh phúc thì cái hình thức không có giá trị.
Một người đàn ông “chất”, theo tôi phải là một người đàn ông ga-lăng, biết cách làm cho người phụ nữ của mình và gia đình mình hạnh phúc!
* Nhiều người trong cánh mày râu và không ít phụ nữ Việt trong thời gian qua bày tỏ sự ủng hộ Việt Nam nên tham gia vào Ngày Quốc tế Nam giới 19/11. Còn anh?
- Ủng hộ thì đương nhiên. Tôi còn có niềm tin nữa. Vì đơn giản nếu có ngày đó thì nó sẽ rất có giá trị đối với cánh đàn ông chúng tôi. Thậm chí, Thể thao & Văn hóa ngoài những sự kiện, giải thưởng uy tín và danh giá như Giải Âm nhạc Cống hiến, Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, nhân dịp này nên "nghiên cứu" tổ chức một giải thưởng dành cho cánh mày râu...
* Anh có "đề xuất" gì?
- Giải Cống hiến Đàn ông!
* Xin cảm ơn anh!
Huy Thông (ghi)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất