26/10/2012 06:26 GMT+7 | Trong nước
(TT&VH) - Trong khi Mitt Romney dựa vào tiền, rất nhiều tiền để tạo lập ảnh hưởng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay, Tổng thống Barack Obama lại sử dụng một phương thức gây ảnh hưởng hết sức đặc biệt: các ngôi sao âm nhạc.
Ngay từ đầu chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay, ứng viên đảng Cộng hòa Mitt Romney đã tận dụng tiềm lực tài chính mạnh, được tài trợ bởi 17 tỷ phú giàu có nhất nước Mỹ, nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là "đá" ông Barack Obama khỏi ghế Tổng thống.
Gây ảnh hưởng nhờ siêu sao ca nhạcNgỡ tưởng với sức mạnh đồng tiền, Romney có thể “đè bẹp” Obama. Nhưng không, đương kim Tổng thống đến thời điểm hiện nay vẫn đứng vững. Thậm chí ông còn tung ra "chiêu độc" để đối phó Romney, đó là vận động các ban nhạc nổi tiếng trên toàn nước Mỹ tổ chức những show diễn, liên hoan âm nhạc “ủng hộ Tổng thống".
Dưới chiến lược này, Obama đã “dụ dỗ’ được rất nhiều ban nhạc, thậm chí có cả những ban nhạc đến từ nước láng giềng Canada. Có thể thấy những cái tên lớn đã ngả về phía Obama là Dave Mathews, Foo Fighters, Mick Jagger của Rolling Stones, Red Hot Chili Peppers...
Red Hot Chili Peppers đã có một màn trình diễn trước 1.200 nhân viên phục vụ chiến dịch tranh cử của Obama ở Cleveland hồi tháng 4 năm nay. Ca sĩ Eddie Vedder của Pearl Jam xuất hiện trong sự kiện gây quỹ có giá vé lên tới 20.000 USD/người ở Tampa, Florida. Jay-Z và Beyonce đã giúp Obama tổ chức một sự kiện gây quỹ với giá vé 40.000 USD/người ở Manhattan vào tháng trước.
Bruce Springsteen, người công khai ủng hộ các ứng viên đảng Dân chủ trong năm 2004 và 2008, nói rằng ông sẽ ngồi ngoài cuộc chơi trong năm nay. Nhưng khi cuộc đua giữa Obama và Mitt Romney trở nên căng thẳng, với thế trận đã ở mức cân bằng, Springsteen lập tức thay đổi quyết định của ông vào cuối tuần trước, bằng việc xuất hiện cùng cựu Tổng thống Bill Clinton ở Parma, Ohio, để ủng hộ cho Obama.
Tuần này, Jay-Z cũng đã công bố một đoạn video ủng hộ chiến dịch tranh cử của Obama. Trong khi đó Stevie Wonder, Katy Perry, Jon Bon Jovi và Jennifer Hudson đều đã biểu diễn tại các sự kiện vận động cho Obama ở Los Angeles vào đầu tháng.
Nhưng ít "lửa" hơn năm 2008
Cho tới gần đây, sự ủng hộ của các ngôi sao ca nhạc cho nỗ lực tái tranh cử của Obama đã không ồn ào và công khai như thời điểm 2008. Thời gian đó, ca sĩ will.i.am của ban nhạc Black Eyed Peas đã viết riêng bài hát cho Obama. Anh còn mời một dàn sao hạng A ở Hollywood tới hát cùng mình và biến ca khúc Yes We Can thành một cơn sốt ở Mỹ.
Cả Springsteen và Wonder đều có những màn biểu diễn nổi tiếng tại các bang ở Mỹ trong giai đoạn 2008 và tuần lễ diễn ra Hội nghị Quốc gia đảng Dân chủ đã gây sức hút lớn nhờ các màn trình diễn toàn sao, với sự góp mặt của hàng chục các nghệ sĩ tên tuổi như Kanye West, Dave Matthews, Melissa Etheridge và Sheryl Crow.
"Có thể năm nay giới nghệ sĩ đã giảm bớt lửa nhiệt tình bởi họ không còn thích thú với việc ủng hộ một nhân vật đương nhiệm chống lại nhu cầu tạo nên sự thay đổi lớn" - ca sĩ nhạc R&B John Legend, một nghệ sĩ sống tại Ohio đã biểu diễn tại 7 - 8 sự kiện ủng hộ Obama, cả hồi năm 2008 cũng như hiện tại, cho biết - "Gene di truyền của một ngôi sao ca nhạc không lập trình cho việc ủng hộ một nhân vật đương nhiệm. Điều này không có nghĩa những người trong ngành giải trí sẽ chẳng bỏ phiếu cho ông ấy. Chỉ có điều, nói về việc bỏ phiếu cho ông ấy đã không còn hay ho nữa".
Tuy nhiên các quan chức của ủy ban tranh cử của Obama nói rằng các nghệ sĩ hàng đầu vẫn đang tham gia vận động hết sức nhiệt tình như trước. Họ chỉ ra rằng hồi năm 2008, Obama đã phải tham gia nhiều cuộc chiến trong thời gian trước bầu cử chính thức nên ông đã huy động sự ủng hộ của các sao từ rất sớm. Năm nay, ông còn chưa biết đối thủ của mình sẽ là ai cho tới tận tháng 5 vừa qua. Và vì thế, chỉ trong 1-2 tháng gần đây, Obama mới tận dụng triệt để sức mạnh của các sao.
"Khi chúng tôi chuyển ưu tiên từ gây quỹ sang hoạt động khuyến khích cử tri ghi danh và tham gia bỏ phiếu, nhiều sự kiện khuấy động tinh thần cử tri đã được thực hiện" - Marti Adams, giám đốc phụ trách sự kiện truyền thông chiến dịch tranh cử của Obama cho biết - "Chúng tôi dựa vào sự nổi tiếng của các nghệ sĩ để biến người hâm mộ họ thành người ủng hộ chúng tôi, qua đó tập hợp quanh mình nhiều nhóm cử tri khác nhau".
Vẫn hợp tác chặt chẽ
Ban vận động tranh cử của Obama cũng cho biết hầu như các nghệ sĩ đã chủ động liên hệ với họ để giúp đỡ Tổng thống. Đôi bên đã hợp tác rất chặt để đảm bảo huy động tối đa sự ảnh hưởng của các nghệ sĩ.
Ví dụ như tháng 7 vừa qua, Alicia Keys đã dẫn đầu một cuộc tuần hành vì phụ nữ ở Philadelphia; tới tháng 8, Marc Anthony khai trương một văn phòng vận động tranh cử của Obama ở khu Little Havana tại Miani; tháng trước, Trey Songz đã có buổi biểu diễn vận động cử tri bầu cử mang tên "Gotta Vote" ở Richmond, Virginia; James Taylor đã có 8 show diễn ở Bắc Carolina; My Morning Jacket và Walkmen cũng đã liên hệ với ủy ban của Obama để tổ chức biểu diễn ủng hộ Tổng thống tại các bang dao động quan trọng.
Ngoài việc trực tiếp tham gia vào chiến dịch tranh cử, năm nay giới ca sĩ cũng có nhiều màn ủng hộ gián tiếp cho Obama, dựa vào sức mạnh của công nghệ. Những nhân vật nổi tiếng đã thi nhau đưa các thông điệp ủng hộ Obama lên các mạng xã hội được nhiều người dùng như Twitter. Đơn cử như việc Katy Perry đã phát một bức ảnh lên mạng xã hội Twitter có cảnh cô vẽ gương mặt ông Obama lên móng tay của mình.
"Chúng tôi chỉ cảm thấy chuyện sẽ lãng mạn hơn nếu ta ủng hộ một người đang cố trở thành Tổng thống, thay vì một người đang cố để được đắc cử" - Danny Goldberg, một nhân vật kỳ cựu trong ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ, kiêm ông bầu của ca sĩ nhạc rock Tom Morello đã nói về sự tham gia chính trị của giới ca sĩ trong mùa bầu cử năm nay - "Nhưng phần lớn các ca sĩ, nhạc sĩ đã ủng hộ Obama lần trước đều đang ủng hộ ông lần này. Tôi không nghĩ sẽ có bất kỳ thay đổi lớn nào cả".
Phạm Trúc - Tường Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất