02/05/2025 07:44 GMT+7 | Tin tức 24h
Thị trường đất hiếm và các khoáng sản quan trọng đang trở thành một trận địa nóng bỏng. Sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt ở khâu chế biến, đã biến đất hiếm thành thứ vũ khí sắc bén, buộc Mỹ, châu Âu và các đồng minh phải tìm kiếm giải pháp thay thế đầy thách thức.
Vị thế của đất hiếm và chiến lược của Trung Quốc
Đất hiếm, gồm 17 nguyên tố hóa học, cùng các khoáng sản quan trọng như lithium, cobalt, gali..., là "xương sống" của công nghệ hiện đại, từ điện thoại thông minh, xe điện đến vũ khí tiên tiến.
Tuy nhiên, khai thác và chế biến đất hiếm là quá trình phức tạp, tốn kém và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để đạt độ tinh khiết cần thiết cho các ứng dụng công nghệ cao, các quốc gia cần đầu tư lớn vào công nghệ và cơ sở hạ tầng. Trung Quốc đã tận dụng lợi thế về chi phí lao động thấp, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và cải tiến công nghệ để thống trị thị trường đất hiếm.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc kiểm soát 61% sản lượng khai thác đất hiếm toàn cầu và 92% khâu chế biến, đặc biệt với đất hiếm nặng – loại khó khai thác và tinh chế nhất. Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho biết Trung Quốc sở hữu 44 triệu tấn trữ lượng đất hiếm, chiếm 34% tổng trữ lượng thế giới.
Đất hiếm chuẩn bị được đưa đi xuất khẩu tại Liên Vân Cảng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN
Trung Quốc đã khai thác đất hiếm từ sớm, bắt đầu từ những năm 1950, nhưng ngành công nghiệp này chỉ thực sự bắt đầu phát triển vào cuối những năm 1970.
Trong tháng 4/2025, Trung Quốc đã áp đặt hạn chế xuất khẩu 7 nguyên tố đất hiếm nặng và nam châm, yêu cầu giấy phép đặc biệt và cấm tái xuất sang Mỹ, nhằm trả đũa chính sách thuế quan của Mỹ.
Jan Giese, nhà giao dịch kim loại của Tradium, một trong số các công ty cung cấp đất hiếm hàng đầu tại châu Âu, có trụ sở tại Frankfurt (Đức), cảnh báo rằng khách hàng đã bị bất ngờ và hầu hết các tập đoàn ô tô, nhà cung cấp của công ty chỉ nắm giữ lượng nam châm đủ dùng trong 2-3 tháng. Nếu các nước trong Liên minh châu Âu (EU) hoặc Nhật Bản không nhận được lô hàng nam châm trong thời gian đó hoặc ít nhất là gần thời gian đó, chuỗi cung ứng ô tô sẽ gặp những vấn đề thực sự.
Chuyên gia Cory Combs của công ty tư vấn Trivium có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định rằng các loại đất hiếm nhẹ như neodymium và praseodymium, được sử dụng với số lượng lớn hơn trong nam châm vẫn chưa bị nhắm mục tiêu, tạo cho Bắc Kinh một "phương tiện đe dọa lớn" để mở rộng kiểm soát nếu chiến tranh thương mại leo thang.
Nỗ lực đa dạng hóa
Trước sự phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ, EU và các đồng minh đang đẩy mạnh nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Kể từ năm 2020, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cấp hơn 439 triệu USD để thiết lập các chuỗi cung ứng đất hiếm trong nước và đặt mục tiêu phát triển một chuỗi cung ứng bền vững từ mỏ đến nam châm có khả năng hỗ trợ tất cả các yêu cầu về quốc phòng của Mỹ vào năm 2027. Một số công ty Mỹ coi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc là cơ hội để đẩy nhanh sản xuất trong nước và thúc đẩy chuỗi cung ứng mạnh hơn bên ngoài Trung Quốc.
EU cũng nhận thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của nguồn cung cấp ổn định các khoáng sản quan trọng và đất hiếm. Trong khuôn khổ Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng, EU đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ khai thác nội địa ít nhất 10% mức tiêu thụ nguyên liệu thô chiến lược hàng năm và chế biến ít nhất 40%. Đạo luật này cũng hợp lý hóa việc cấp phép và chỉ định một số "dự án chiến lược" nhất định để phát triển nhanh chóng.
Mỏ khai thác đất hiếm ở Mountain Pass, California, Mỹ. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Các quốc gia khác cũng hành động quyết liệt. Australia, với trữ lượng đất hiếm lớn, đang là đối tác quan trọng của phương Tây. Chính phủ Australia hỗ trợ các dự án khai thác và chế biến nội địa và có chính sách giảm thuế sản xuất khoáng sản quan trọng từ năm 2027.
Hàn Quốc cũng đang ráo riết đa dạng hóa. Các tập đoàn như LS Eco Energy và POSCO International ký thỏa thuận với các công ty Mỹ để đảm bảo nguồn cung oxit đất hiếm, đồng thời đầu tư nghiên cứu công nghệ thay thế và tái chế.
Theo ước tính của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ, Mông Cổ có thể sở hữu 31 triệu tấn trữ lượng nguyên tố đất hiếm, chỉ đứng sau mức 44 triệu tấn của Trung Quốc. Hiện tại, chỉ có 3 công ty đang tích cực thăm dò các nguyên tố đất hiếm ở Mông Cổ: một công ty thăm dò khoáng sản của Anh và hai công ty do một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất của đất nước này sở hữu. Việc củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và Mông Cổ có thể dẫn đến khoản đầu tư đáng kể vào ngành đất hiếm non trẻ của đất nước này trong những năm tới.
Rào cản khó vượt qua
Con đường giảm phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc hiện đầy chông gai. Thách thức đầu tiên là chi phí và thời gian. Quá trình khai thác và chế biến đất hiếm đòi hỏi vốn khổng lồ và nhiều năm để xây dựng năng lực.
Thứ hai là khoảng cách kỹ thuật và chuyên môn. Trung Quốc đã thiết lập được ưu thế về mặt kỹ thuật trong nhiều quy trình, ví dụ, sử dụng quy trình chiết xuất dung môi ở giai đoạn tách. Việc Trung Quốc cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm càng làm việc thu hẹp khoảng cách này trở nên khó khăn.
Thứ ba là thách thức về môi trường. Cả việc khai thác lẫn công đoạn chế biến đất hiếm đều tốn kém và gây ô nhiễm môi trường bởi tất cả tài nguyên đất hiếm đều chứa các nguyên tố phóng xạ. Đây cũng là lý do khiến nhiều quốc gia khác, trong đó có các nước thuộc EU, tỏ ra dè dặt trong việc khai thác loại khoáng sản này.
Dù các nỗ lực đa dạng hóa đang tăng tốc, thách thức về chi phí, công nghệ, và môi trường khiến sự phụ thuộc của các nước phương Tây vào đất hiếm của Trung Quốc khó phá vỡ trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, sức ép từ Bắc Kinh cũng thúc đẩy Mỹ, EU, và Đông Nam Á tái thiết ngành đất hiếm, với các khu vực như Á-Âu nổi lên như các trung tâm tiềm năng. Justin Wolfers, Giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan, nhận định: “Trung Quốc đang cho thấy họ có thể tạo ra sức mạnh kinh tế đáng kể một cách chiến lược và chuẩn xác, thực sự tấn công vào đúng điểm yếu của ngành công nghiệp Mỹ”. Cuộc đua này sẽ đòi hỏi đầu tư dài hạn và phối hợp quốc tế để đảm bảo an ninh kinh tế và công nghệ toàn cầu.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất