31/12/2015 07:42 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Kết thúc năm 2015, Thể thao & Văn hóa giới thiệu đến bạn đọc ý kiến của các “chuyên gia”. Dưới góc nhìn cá nhân, họ nói lên ấn tượng của họ đối với lĩnh vực họ được xem là “chuyên gia”.
Các “chuyên gia” sẽ lần lượt chia sẻ ở một số lĩnh vực: Điện ảnh - ĐD Bá Vũ; Âm nhạc – nhạc sĩ Huy Tuấn; Văn học – nhà thơ Lê Thiếu Nhơn; Thị trường nghệ thuật - PGS-TS Bùi Quang Thắng (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam); Quản lý nghệ thuật -TS Trần Hữu Sơn (Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)...
Đạo diễn Bá Vũ: Bước đột phá của phim chiếu rạp
Năm 2015 chứng kiến sự hấp hối của phim truyền hình sau một thập niên phát triển từ từ cho đến vũ bão về số lượng, nhưng chất lượng thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Cái chết của phim truyền hình là cái chết đã được báo trước, bởi không thể sống dựa vào rating quảng cáo mà lâu bền được.
Kinh tế chao đảo là quảng cáo bị cắt giảm ngay. Thế là kinh phí sản xuất bị cắt giảm tối đa, dẫn đến chất lượng phim quá tệ, không thu hút được quảng cáo. Cứ thế cái vòng lẩn quẩn đã “thắt cổ” phim truyền hình lúc nào không hay!
Phim chiếu rạp là một bước đột phá lớn về nhiều mặt. Trước tiên phải kể đến hệ thống các rạp chiếu phim phát triển vượt bậc, chứng tỏ Việt Nam là một thị trường màu mỡ và chưa có điểm dừng. Đây cũng là tiền đề cho điện ảnh phát triển.
Từ nền tảng rạp chiếu tốt và nhiều, số lượng phim sản xuất bỗng tăng vọt một cách đột biến - tỷ lệ nghịch với sự thoái trào của phim truyền hình. Tuy nhiên điều đáng lo là số lượng phim điện ảnh thực sự lại không có bao nhiêu, mà chất lượng phim truyền hình “đóng mác” điện ảnh lại chiếm đa số! Cũng có phim thành công về doanh thu, nhưng đa số là thất bại.
Nhạc sĩ Huy Tuấn: Điểm sáng âm nhạc năm qua là Tiên Tiên
Năm 2015 đời sống âm nhạc vẫn tiếp tục sôi động, nhưng các chương trình truyền hình thực tế ca nhạc chỉ dừng lại ở mức giải trí, dù là chương trình tìm kiếm tài năng. Năm 2015 có 2 điều mà tôi rất quan tâm đó là: Nhìn chung, album và live show số lượng giảm đáng kể, đặc biệt live show bán vé được, hầu hết chỉ diễn ra ở Hà Nội. Ở TP.HCM không mặn mà với việc mua vé xem live show, đó là điều đáng lo ngại.
Hiện tượng khá tiêu biểu của năm 2015 theo tôi là Tiên Tiên. Tiên Tiên được xem như người tiếp nối xu hướng singer-songwiter của những người đi trước như: Lê Cát Trọng Lý, Phạm Toàn Thắng, Vũ Cát Tường...
Tiên Tiên vừa gây được dấu ấn với thị trường âm nhạc ở diện rộng, đồng thời cũng có chiều sâu sáng tác đối với những người làm nghề. Ca khúc của Tiên Tiên với cách nói khá đặc trưng của người trẻ, nhưng không dễ dãi, cách viết rất có nghề, thật sự là cách viết của một người chuyên nghiệp.
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Phương pháp nâng niu hồi ký
Đối với tôi, điều thú vị về văn chương Việt trong năm 2015 là sự định hình của thể loại hồi ký. Đầu năm có cuốn Tâm thành và lộc đời của NSƯT Thành Lộc, cuối năm có cuốn Một đời giông bão của Thương Tín. Ngoài ra còn phải nhắc thêm cuốn Tìm lại giấc mơ của TS Võ Thị Kim Loan kể về hành trình hội nhập mà một người phụ nữ Việt bôn ba trải nghiệm tha hương trên đất Mỹ.
Thực ra, chuyện xuất bản hồi ký không phải quá mới mẻ. Cái đáng mừng nhất là tâm lý tiếp nhận của xã hội. Trước đây, cuốn Lê Vân yêu và sống rất ồn ào, vì công chúng chưa quen những lời chân thật hé lộ những góc khuất riêng tư. Bây giờ, độc giả đã trưởng thành rất nhiều, người ta đã biết cách đọc hồi ký không phải để giải quyết sự tò mò mà để thưởng thức sự kỳ diệu của cuộc sống được soi rọi qua từng số phận.
Thế kỷ 21 được dự đoán là thế kỷ của văn chương tự sự. Hồi ký của chính khách tầm cỡ quốc tế hay hồi ký của cô bé nghèo nơi thôn dã đều được đặt ngang nhau trong sự trân trọng của văn hóa đọc về giá trị làm người. Phương pháp nâng niu hồi ký ở nước ta trong năm 2015, từ phía xuất bản lẫn phía bạn đọc, đang mở ra rất nhiều hy vọng để những giá sách của người Việt càng ngày càng nhiều những tác phẩm tự sự đầy trách nhiệm và đầy nhân văn.
Tôi tin rằng mỗi cuốn hồi ký là một lịch-sử-nhỏ góp phần đối chiếu, góp phần tô điểm và góp phần phản biện cho lịch-sử-lớn của dân tộc, của thời đại!
PGS-TS Bùi Quang Thắng: Kích cầu thị trường nghệ thuật
Đối với tôi, năm 2015 có À ố show, triển lãm mỹ thuật đương đại Filter và Ionah là 3 sự kiện văn hóa nghệ thuật nổi trội nhất, đáng quan tâm nhất. Đó là dấu hiệu tích cực về sự tham gia của tư nhân vào quá trình kích cầu thị trường nghệ thuật Việt Nam và quảng bá văn hóa, nghệ thuật Việt Nam ra thị trường nghệ thuật quốc tế.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, nếu nhà nước cứ thờ ơ, vô can với những doanh nghiệp tư nhân này thì sự khởi sắc ấy không chóng thì chày cũng sẽ lụi tàn. Điều họ cần không phải là vốn (như các nhà hát, các đoàn nghệ thuật nhà nước hay kêu ca, đòi hỏi) mà là sự ủng hộ về tinh thần, về truyền thông và đặc biệt là về cơ chế, chính sách. Điều này thực ra rất phù hợp với chủ trương của nước ta về chiến lược phát triển ngành công nghiệp sáng tạo (hay công nghiệp văn hóa) trong những năm tới.
Tôi hy vọng năm 2016 và những năm tiếp theo, chiến lược phát triển ngành công nghiệp này sẽ được chính phủ phê duyệt và sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ngày càng đông hơn, tích cực hơn dưới sự hỗ trợ của nhà nước.
TS Trần Hữu Sơn: Không thể cứ khó quản lý thì cấm
Trong những năm vừa qua việc thể chế hóa các văn bản mang tính quy phạm pháp luật của Bộ VH,TT&DL còn chậm. Thậm chí, việc quản lý còn mang tính chất chữa cháy. Cơ quan quản lý chưa nghiên cứu được đặc trưng của lễ hội trong thời kỳ hội nhập, nên chưa có những định hướng quản lý hiệu quả, thiếu các chế tài mang tính bền vững.
Mỗi mùa lễ hội nảy sinh ra những vấn đề phức tạp, những tình huống không lành mạnh thì Bộ lại tổ chức quản lý. Cách quản lý theo kiểu chữa cháy hoặc khó quản lý thì cấm (năm 2015 cấm cả lễ hội đâm trâu) dẫn đến tình trạng mỗi năm lại phát sinh ra những yếu tố phức tạp, lại phải thường xuyên phải bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật mới.
Vấn đề quan trọng hàng đầu đối với vấn đề quản lý nhà nước là phải nghiên cứu được xu hướng biến đổi của lễ hội, dự báo những tình huống phức tạp để từ đó xây dựng các chiến lược quản lý một cách hiệu quả, khoa học, chứ không nhất thiết phải quản lý theo kiểu “giật cục”, chữa cháy, nặng về hành chính, nặng về cấm đoán. Vì vậy trước các diễn biến phức tạp của lễ hội, cần có đội ngũ chuyên gia nghiên cứu thực tiễn, không vội vã ban hành văn bản cấm tổ chức. Thực tiễn, nhiều vấn đề Bộ VH,TT&DL ra lệnh cấm nhưng ở cơ sở không thể cấm được.
Văn Bảy - Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất