21/12/2017 20:00 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Sau năm 1975, tranh Việt tại các nhà đấu giá quốc tế thường đến từ 3 nguồn chính: Các phòng tranh, nhà sưu tập, môi giới trong nước cung cấp; các nhà ngoại giao, doanh nhân, nhà sưu tập từng làm việc tại Việt Nam; các họa sĩ Việt, nhà sưu tập định cư ở nước ngoài.
Nguồn cung cấp đầu tiên luôn giữ vai trò chính yếu về số lượng, kéo dài đến tận ngày nay.
Nhà cung cấp: không đếm xuể
Từ 1954 đến 1975 tại miền Bắc, tranh Việt ra nước ngoài chủ yếu bằng con đường ngoại giao, là quà tặng, hoặc các nhà ngoại giao quốc tế sưu tập. Giai đoạn này tại miền Nam đã có các hoạt động của thị trường, mà điểm nhấn là Đệ nhất triển lãm hội họa - điêu khắc SàiGòn, khai mạc ngày 26/10/1962 tại vườn Tao Đàn, ngoài nghệ sĩ trong nước, còn có nghệ sĩ từ 20 nước đến tham dự như một hội chợ.
Mỹ thuật Việt Nam có hơn một thập niên ngủ yên, sau khi hòa bình lập lại (1975-1985), các họa sĩ vẫn làm việc chầm chậm. Từ sau cột mốc Đổi mới (1986), khi các họa sĩ tự chuyển mình, cùng với đó là sự xuất hiện của du khách, thương nhân nước ngoài và Việt kiều, tranh Việt bắt đầu ra nước ngoài. Những người này trở thành nhịp cầu của tranh Việt ra thế giới. Trong khoảng 10 năm (1985-1995), nhà sưu tập Hà Thúc Cần đã “xuất” 500 - 600, có người nói cả ngàn tác phẩm ra nước ngoài.
Tự Do khai trương ngày 22/6/1989, trở thành phòng tranh tư nhân đầu tiên tại Việt Nam sau 1975. Cho tới ngày đóng cửa, trong gần 28 năm hoạt động, phòng tranh đã tổ chức 197 cuộc triển trong nước và 17 cuộc triển lãm ở các nước như Thụy Điển, Hong Kong (Trung Quốc), Australia, Bỉ, Mỹ, Singapore… Ngoài tham gia gởi tác phẩm đi đấu giá, phòng tranh này cũng đã giới thiệu hơn 5.000 lượt tác phẩm qua các cuộc trưng bày, mà phần lớn nhà sưu tập là người nước ngoài.
Giai đoạn 1991-1998, khi XUNHASABA chuyển đổi ngành theo hướng đa dạng hóa, họ cũng đã tham gia một phần vào thị trường tranh, làm nhà trung chuyển nhiều tranh ra quốc tế, đến các nhà đấu giá.
Công ty Sơn mài Lam Sơn (1992-1999) cũng là một nhà cung cấp đáng kể, không chỉ tranh sơn mài, mà còn nhiều tranh thuộc thể loại và chất liệu khác như sơn mài, lụa.
Sau khi Mỹ xóa bỏ cấm vận kinh tế Việt Nam (1994), giai đoạn 1995-2005 là cực kỳ sôi động, Việt Nam có hàng trăm phòng tranh ra đời, mà khách hàng chủ yếu là người nước ngoài, và một phần là các nhà đấu giá, các hội chợ quốc tế. Có thể đơn cử vài cái tên như Lã Vọng, Vĩnh Lợi, Hồng Hạc, Lotus, Hiền Minh, Mai’s, Không Gian Xanh… Trong đó, nổi lên những nhà cung cấp cỡ bự, hoặc bền bĩ như Tự Do, Apricot, Hà Nội Studio, Đức Minh, Trần Hậu Tuấn…
Từ 2005 đến nay, ngoài những tên tuổi cũ còn tồn tại, trong những tên tuổi mới nổi, đã xuất hiện thêm những nhân tố từ bên ngoài có “chân rết” tại Việt Nam như Primo Marella (Italy), ArtBlue Studio (Singapore), Thavibu, 333Gallery (Thái Lan), Dumontail (Mỹ, Pháp, Trung Quốc)… Đây là chưa tính, gần đây đã có những nhà sưu tập cá nhân bắt đầu gởi tranh đến các nhà đấu giá quốc tế.
Manh nha thị trường thứ cấp
Nếu nhìn lại 30 năm của thị trường mỹ thuật nội địa (1986 - 2016), chức năng của một thị trường sơ cấp đã hoạt động khá liên tục, xôm tụ, trong khi thị trường thứ cấp thì đã manh nha, nhưng hoạt động trồi sụt.
Đặc trưng dễ nhận thấy của thị trường sơ cấp là mua bán bước một, nghĩa là mua có thể tận gốc, nhưng bán thì không cần tận ngọn. Các nhà cung cấp bước một này có đặc điểm chung là hoạt động giống như một “đại lý ủy nhiệm”, chỉ mua và bán thuần túy, chứ ít khi mua lại, hoặc ít khi tham gia sâu vào các móc xích khác của thị trường như định giá, nâng giá, đấu giá, bảo tàng, bộ sưu tập, bảo hiểm… Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm lý và cách hành xử chung của nhiều nhà sưu tập tư nhân, họ cũng thường làm tương tự.
Nhưng tình hình đang chuyển biến, 2-3 năm gần đây, Việt Nam đã xuất hiện các cá nhân và tổ chức muốn định hình thị trường thứ cấp. Thị trường thứ cấp (secondary market) khác thị trường sơ cấp (primary market) ở một điểm quan trọng là hướng đến việc mua bán lại những bức tranh mà thị trường sơ cấp đã bán ra. Thị trường thứ cấp có hai chức năng đặc biệt: Tham gia vào việc tạo ra tính thanh khoản cao cho bức tranh;Tạo ra các phương thức giao dịch chuyên nghiệp, dễ dàng… cho các thanh khoản đó.
Các nhà đấu giá như Lạc Việt, Lý Thị, Chọn, rồi các phiên đấu giá, các hợp đồng mua bán nghệ thuật, các tổ chức tài chính, bảo hiểm… vào cuộc, đang nỗ lực tạo ra thị trường thứ cấp, làm cho vị thế của các nhà cung cấp tranh trong nước thay đổi.
Kỳ 3 & hết: Các nhà đấu giá nội địa đang hình thành
Văn Bảy
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất