Tuyển Việt Nam chỉ đủ sức phá bóng?

06/10/2015 11:26 GMT+7 | Các ĐTQG

(giaidauscholar.com) - Trước trận đấu với Iraq, Ngô Hoàng Thịnh, tiền vệ phòng ngự số một của đội tuyển Việt Nam đã nói: “Theo tôi, khi đá với đối thủ áp sát rất nhanh, chúng ta phải phá bóng lên càng nhanh càng tốt. Chúng ta không thể mạo hiểm chuyền bóng ở phần sân nhà của mình”.

Phát ngôn của Hoàng Thịnh có lẽ là bản tóm tắt cho lối chơi bị chỉ trích nặng nề dưới thời HLV trưởng Toshiya Miura và đội tuyển Việt Nam. Lối đá ấy bị chỉ trích vì quá đặt nặng tư tưởng phòng ngự, không đề cao việc tổ chức lối chơi, thiếu đẹp mắt và có phần tiêu cực. Nhiều người gọi phong cách Miura là lời khước từ tuyệt đối với bóng đá đẹp, đội tuyển Việt Nam của ông Miura bị miêu tả giống như một thứ “bóng đá dị dạng”.

Nhưng làm thế nào để chơi bóng đá đẹp? Một đội tuyển quốc gia cần có những yếu tố nào để chơi bóng đá đẹp? Hãy trở về với câu chuyện của U19 Việt Nam và HAGL. Tập thể này có 7 năm chơi bóng cạnh nhau trong một Học viện. 2 năm đầu, họ chỉ tập kỹ thuật, chân trần với bóng. 2 năm tiếp theo, họ tập phối hợp nhóm trong không gian nhỏ (từ 2 đánh 2 tới 9 đánh 9). Tới năm thứ 5, họ mới bắt đầu tập đấu đối kháng.

Quá trình cực kỳ phức tạp và lâu dài ấy là nền tảng đầu tiên để một đội bóng có thể đá bật nhả, chơi đẹp. Trong nền móng hạn chế của bóng đá Việt Nam, ở các lò đào tạo khác, các tuyển thủ quốc gia khác không được đào tạo như vậy.

Khi không có trong tay những nguyên liệu cần thiết, HLV Miura làm sao có thể cho đội tuyển Việt Nam đá đẹp?

Nếu muốn, bản thân các cầu thủ cũng không thể đá đẹp. Sự thua kém về kỹ thuật cá nhân, thể lực, tốc độ khiến cầu thủ không đủ tự tin để cầm bóng, chuyền bóng, nhất là trước các đối thủ mạnh hơn. Phát biểu của Hoàng Thịnh chỉ là sự lý giải rất thực tế của các cầu thủ Việt Nam có trình độ kém hơn đối thủ. Kỹ thuật kém thì dễ bị mất bóng, chuyền bóng kém thì dễ bị cắt bóng, tốc độ kém thì không thể tổ chức được lối chơi từ sân nhà.

Nhưng đội tuyển Việt Nam có cần thiết phải chơi đẹp? Hy Lạp lên ngôi vô địch EURO 2004 bằng bóng đá phòng ngự. Chelsea vô địch Champions League bằng bóng đá phòng ngự. Người Italy có 4 danh hiệu World Cup cũng nhờ phòng ngự. Những đội tuyển ấy đều hứng chịu vô số chỉ trích, đều là “dị dạng” trong thời đại của họ. Nhưng trong ngôi đền thiêng của bóng đá, khi sự thật lên tiếng, họ vẫn có những vị trí trang trọng. Một trong những HLV vĩ đại nhất lịch sử bóng đá là Helenio Herrera, cha đẻ của bóng đá phòng ngự Italy.

HLV Miura không phải là người đầu tiên và sẽ không phải HLV cuối cùng chọn lối chơi phòng ngự (dù là chủ động hay bị động). Một đội tuyển mạnh đá đẹp, chơi ban bật là điều dễ hiểu. Nhưng đội tuyển yếu như Việt Nam mà cũng muốn đá đẹp, ban bật thì thật khó hiểu.

Chừng nào người hâm mộ vào báo chí chưa thể gạt bỏ những quan điểm cực đoan ấy, mọi thành tựu của HLV Miura và đội tuyển Việt Nam sẽ còn bị phủ nhận. Dù HLV Miura có tìm thấy con đường sáng cho đội tuyển, dư luận vẫn sẽ "phủ bóng tối" che kín con đường ấy.


Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm