19/12/2024 19:33 GMT+7 | Văn hoá
Những năm qua, đã có rất nhiều chương trình, đề án phát triển công nghiệp văn hóa của từng địa phương cũng như cả nước. Nhiều thành phố tỉnh, thành đã xây dựng đề án và tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO như Hà Nội, Đà Lạt, Hội An. Và sắp tới, những đề án này sẽ còn nhiều hơn nữa.
Hà Nội cũng như các tỉnh thành cả nước đã xuất hiện nhiều hơn các lễ hội văn hóa mà trong đó có khá nhiều nhiều địa phương đã tìm được những bản sắc riêng về văn hóa hay định vị lĩnh vực công nghiệp văn hóa của địa phương mình.
Hướng tới dự án nghệ thuật đỉnh cao
Tuy nhiên, theo quan điểm của nhạc sĩ Quốc Trung - người đã có gần 40 năm hoạt động tích cực trong công nghiệp sáng tạo ở lĩnh vực âm nhạc - những đánh giá về hiệu quả từ quảng bá, xây dựng nền công nghiệp văn hóa, thu hút du khách hay mang lại cảm hứng cũng như xây dựng thói quen và nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng dường như chưa rõ. Và, để đánh giá hiệu quả, cần có những đơn vị độc lập - thay vì báo cáo của các đơn vị thực hiện - và đặc biệt cần có những tiêu chí đánh giá tiên tiến, dựa trên những mục tiêu chiến lược cụ thể của đề án.
Như lời anh, chúng ta đang liệt kê rất nhiều tiềm năng từ những kho tàng văn hóa dân gian, lịch sử, truyền thông một cách lạc quan nhưng lại chưa liệt kê những hạn chế trong quá trình quản lý, vận dụng và khai thác những kho tàng trên.
"Đã khá lâu, chưa có vở diễn nghệ thuật dân gian nào của chúng ta có đời sống lâu dài và thu hút được công chúng, cũng chưa có dự án nào đủ năng lực hay có được lời mời lưu diễn bên ngoài" - Quốc Trung dẫn chứng - "Trước đây 30 năm, rối nước đã mang đến sự mới lạ cho các sân khấu của nước ngoài, nhưng sau 30 năm thì nó vẫn nguyên như vậy. Và lâu lắm rồi, các nhà hát rối nước của Thủ đô vẫn hoạt động như trước, lượng khách du lịch nếu có thì cũng thường là nằm trong gói tour của các công ty lữ hành..."
Nhạc sĩ này cũng cho rằng cần nhìn vào thực tế của các nhà hát nghệ thuật truyền thống: Dù nhiều dự án ở đó gắn với các vở diễn giành huy chương vàng thì đã lâu cũng chưa có một dự án nào trở nên hấp dẫn và có đời sống bền vững. Nhiều dự án này cũng chưa bao giờ có cơ hội để lấy lại được kinh phí đầu tư. "Chúng ta đang xây dựng các dự án đó để duy trì hoạt động của các nhà hát hay mục tiêu là mang những vở diễn đó phục vụ đời sống?" - nhạc sĩ đặt câu hỏi.
Và anh tự trả lời: "Tất cả đều có chung một lý do: Chúng ta chưa có ý thức hướng tới một dự án nghệ thuật đỉnh cao mà ở đó mọi thứ được thực hiện một cách chuyên nghiệp nhất, từ khâu chuẩn bị, ngân sách và các kế hoạch đòi hỏi sự tập trung, chính xác và kỷ luật".
"Nếu so sánh với các dự án quốc tế thì các dự án ở Việt Nam có giá thành sản xuất cao hơn (so với chất lượng) nhưng tuổi đời ngắn hơn và giá vé bán cũng thường cao, dẫn tới khó khăn cho việc tiếp cận của khán giả phổ thông" - Quốc Trung nói.
Cần đề cao sự sáng tạo
Theo quan điểm của nhạc sĩ này, công nghiệp văn hóa là công nghiệp sáng tạo, ở đó đề cao sự sáng tạo trong nghệ thuật. Mọi yếu tố về chất liệu, dân gian đều phải được thông qua sáng tạo trở thành những tác phẩm đỉnh cao - chứ không phải chỉ bê nguyên chất liệu đó lên sân khấu hay mang tính bảo tồn di sản. Những sự mới lạ sẽ mau chóng qua đi vì dân tộc hay quốc gia nào cũng đều có những nét đặc trưng độc đáo riêng, đọng lại trong đời sống và thuyết phục được khán giả sẽ là những sáng tạo nghệ thuật.
"Để xây dựng nền công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo thì đối tượng quan trọng nhất chính là đội ngũ sáng tạo" - anh nhấn mạnh - "Phải tập hợp và huy động được sức sáng tạo và tạo nên cảm hứng cho đội ngũ sáng tạo. Cần xác định đội ngũ sáng tạo tiềm năng và tiên phong, những người đang có khát vọng và khả năng dẫn lối và định hướng cho sự phát triển ngành. Hiện nay, đa phần đội ngũ này nằm ngoài các đơn vị nghệ thuật Nhà nước, vì vậy cần xóa bỏ ranh giới trong và ngoài Nhà nước, tạo ra các sự kết nối để huy động sự tham gia sâu, rộng".
"Khi bàn tới công nghiệp văn hóa, hay nói tới nền kinh tế từ văn hoá, chúng ta thường nghĩ tới làm dịch vụ từ văn hoá, liệt kê các ngành nghề mà chúng ta nghĩ mang lại lợi ích kinh tế. Nhưng nếu chúng ta chỉ nghĩ và làm dịch vụ (văn hoá) một cách vội vã mà không đi từ gốc là sáng tạo thì sẽ vừa không làm được văn hoá, mà dịch vụ đó cũng sẽ không mang lại lợi ích kinh tế. Chỉ có làm văn hóa sáng tạo đỉnh cao, chất lượng thì mới sinh ra nhu cầu, mới có thị trường bền vững và mới tạo nên một nền kinh tế lớn mạnh. Muốn như vậy thì cần có những chiến lược bền vững, kế hoạch tỉ mỉ và khoa học" - nhạc sĩ Quốc Trung tiếp tục.
Nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng, Nhà nước cần lựa chọn đầu tư và bảo trợ những lĩnh vực có tính dẫn đường, tiên phong và lan tỏa tinh thần sáng tạo. Những bộ môn nghệ thuật đỉnh cao như như nhạc cổ điển hay nghệ thuật truyền thống cần được bảo trợ bằng một phương thức hiệu quả, huy động được cả sự ủng hộ của doanh nghiệp, doanh nhân. Cần có những thể chế và quy định cho việc thành lập các quỹ văn hoá, các trung tâm xúc tiến, kết nối và hỗ trợ cho các nghệ sĩ Việt Nam để có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc tiếp xúc, giao lưu và cọ xát với môi trường quốc tế, từ đó học hỏi các quy trình làm việc văn minh, nâng cao năng lực sáng tạo, từng bước hội nhập. Chỉ có như vậy, chúng ta mới đủ năng lực gìn giữ bản sắc, khác thác và phát triển các kho tàng văn hóa dân gian.
"Chúng ta đã nói quá nhiều về tiềm năng phát triển về các kho tàng mà cha ông để lại. Đã đến lúc chúng ta cần nói một cách chi tiết, tỉ mỉ, cụ thể và thành thật về cách chúng ta sẽ gìn giữ và phát triển nó như thế nào" - anh nói - "Thông điệp nhân văn giản dị sẽ được cảm nhận một cách sâu sắc và tác động sâu mạnh trong đời sống thông qua một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa sẽ thành công với một chiến lược thực tế và thực tâm".
"Chỉ có làm văn hoá sáng tạo đỉnh cao, chất lượng thì mới sinh ra nhu cầu, mới có thị trường bền vững và mới tạo nên một nền kinh tế lớn mạnh" - nhạc sĩ Quốc Trung.
(Còn nữa)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất