20/05/2015 11:06 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Nếu muốn giữ cầu thủ nào đó ở lại Manchester United, Sir Alex Ferguson sẽ làm bằng mọi cách, kể cả khi nó trái với nguyên tắc làm việc của ông.
Gary Pallister vẫn nhớ rõ cảm giác bàng hoàng khi thấy Alex Ferguson "hiền đột xuất" sau cú đạp ghê rợn của Eric Cantona vào CĐV Matthew Simmons của Crystal Palace, ngày 25/1/1995.
Đã muốn giữ thì không từ nan
"Tất cả đều tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra với Eric", ông nói vào tháng 1/2015. "Cậu ta chưa từng bị "sấy tóc". Cả đội đã bị, trừ Eric. Chúng tôi tự hỏi chuyện gì sẽ xảy ra đây. Chúng tôi chờ đợi Fergie cáu tiết, nhưng không, hiếm khi mọi việc được giải quyết chỉ bằng đối thoại trong phòng thay đồ ngay sau trận. Mọi người không thể tin nổi".
Hãy lấy David Beckham để so sánh: Một lỗi kèm người không sát trong trận Chung kết cúp FA năm 2003 của anh được đổi lại bằng một bài chửi tràng giang đại hải: "Cậu ngồi xuống đây, ngồi xuống, cậu đấy, David", Fergie quát. "Cậu làm cái quái gì trên sân vậy?". Vụ việc trở thành huyền thoại trong lịch sử bóng đá Anh: Sir Alex sút nguyên một chiếc giày, bay đến vèo vào trúng mi mắt của Beckham, khiến anh phải khâu vài mũi. Becks sau đó lập tức bị bán cho Real Madrid.
Sau án treo giò nặng nhất lịch sử Premier League, Eric Cantona muốn rời Manchester United. Alex Ferguson xuống nước. Ông lái mô-tô từ Anh sang Paris gặp bằng được Cantona, đang "trốn" trên đường phố Paris, nói chuyện, thuyết phục cầu thủ người Pháp ở lại. Kết quả là "King Eric" cống hiến cho "Quỷ đỏ" thêm 2 năm nữa trước khi giải nghệ. Ông thậm chí được bầu là cầu thủ hay nhất ngay mùa giải năm sau.
Chỉ chia tay nếu không thể giữ
Sir Alex Ferguson sẽ không dùng đến chiếc máy sấy tóc đã làm thất kinh biết bao thế hệ học trò ở Man United, nếu như cảm thấy cần phải dịu dàng để giữ một viên ngọc sáng. Sau vụ Cristiano Ronaldo mâu thuẫn với Wayne Rooney tại World Cup 2006 (Ronaldo gây sức ép để trọng tài đuổi Rooney), Sir Alex lên cả một kế hoạch tỉ mỉ nhằm thuyết phục Ronaldo ở lại.
Trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2013, Ferguson viết: "Chúng tôi gặp nhau và ăn trưa tại một biệt thự ở Bồ Đào Nha. Jorge Mendes (Người đại diện của Ronaldo – TT&VH) cũng có mặt. Rooney đã gọi cho ông ấy để thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của Ronaldo, và giúp cậu ấy giải tỏa căng thẳng. Tôi nói với Cristiano: “Cậu là một trong những cầu thủ dũng cảm nhất đã tới thi đấu cho Manchester United, nhưng ra đi vào lúc này là hèn nhát”.
Ferguson đã chủ động liên lạc với Rooney, yêu cầu anh nhắn tin cho Jorge Mendes và Ronaldo để làm dịu tình hình. Ferguson gợi nhắc trường hợp của David Beckham năm 1998, người trở lại Premier League sau thẻ đỏ đáng trách ở World Cup khiến đội tuyển Anh thua Argentina (đạp Diego Simeone). Beckham, đã bản lĩnh đứng lên, thi đấu, tỏa sáng, thuyết phục CĐV Man United.
Ronaldo, sau này trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới trong màu áo Man United vào năm 2008. Anh đã vượt qua những tiếng chửi ở Old Trafford ("Thằng con hoang", đó là câu chửi lịch sự nhất", tự truyện của Ferguson viết), và thành công trên sân cỏ. Anh phải biết ơn sự vị tha của thầy.
Năm 2010, Wayne Rooney dính vào scandal với gái gọi Jenny Thompson, đòi tăng lương và thậm chí đòi sang Manchester City. Ferguson yêu cầu Ban lãnh đạo Man United đáp ứng đòi hỏi lương bổng của Rooney, tha thứ cho sai lầm của anh để tiếp tục dìu dắt.
Ruud van Nistelrooy đã gây sự với Cristiano Ronaldo, Gary Neville và David Bellion trên sân để đòi ra đi. Sir Alex không thể giữ "Ruud" ở lại nữa sau khi bị anh chửi trong một trận đấu. Sir Alex tổ chức họp bàn rồi quyết định tống cổ Van Nistelrooy tới Real Madrid. Vài năm sau, vào một đêm tuyết rơi dày, ông bất ngờ nhận được 1 tin nhắn từ cầu thủ người Hà Lan: "Tôi không biết ngài còn nhớ tôi không, nhưng tôi cần nói chuyện với ngài. Tôi đã sai. Tôi xin lỗi".
Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất