Đề thi Đại học môn Văn khối C: 'Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác...'

10/07/2014 12:35 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - “Đề thi Đại học môn Ngữ Văn khối C năm nay có tính phân loại rất cao. Đề thi sàng lọc những thí sinh vừa chắc kiến thức cơ bản vừa có nghĩa vụ công dân cũng như hiểu rõ những vấn đề lịch sử, xã hội với câu hỏi thứ 2 bàn về “sức mạnh chân chính”.

Đó là nhận xét của PGS. TS Văn Giá, Chủ nhiệm Khoa Viết văn – Báo chí (Đại học Văn hóa  Hà Nội) về đề thi đại học Ngữ văn khối C năm 2014.


PGS. TS Văn Giá

“Giẫm lên vai người khác” chỉ là kẻ cướp

Theo ông Giá, trong 3 câu hỏi của đề, câu nghị luận xã hội (3 điểm) thú vị hơn cả. Đề dẫn: Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình. (Đời thừa- Nam Cao, Ngữ Văn 11 Nâng cao, Tập một).

Ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như một quốc gia. (Bài viết khoảng 600 từ)”

Ngay khi vừa từ trường thi Đại học trở về, PGS. TS Văn Giá trao đổi với Thể thao & Văn hóa: Đây là một đề thi đặc sắc bởi lần đầu tiên chúng ta có một đề thi Đại học đúng nghĩa Ngữ Văn.

“Đề thi Ngữ Văn khối C năm nay không dùng một câu nghị luận xã hội thuần vấn đề xã hội và căng cứng tính chính trị thời sự mà câu 2 của đề thi bàn về “sức mạnh chân chính” trong câu văn của Nam Cao dưới điểm nhìn của một bài nghị luận xã hội.”- ông Giá nói tiếp- “Nó là sự đan cài hài hòa giữa văn và đời, giữa kiến thức văn học của học sinh và sự quan tâm của các em với các vấn đề lịch sử, xã hội quanh mình. Nó cũng thể hiện sự hữu hình của văn học trong cuộc sống.”

Cũng theo PGS. TS Văn Giá, câu hỏi cũng khẳng định giá trị của những áng văn Nam Cao cũng như tính nhân văn, sự thông tuệ của nhà văn này. Và điều mấu chốt là ngoài phản ánh hiện thực, Nam Cao còn phân tích hiện thực rồi rút ra được quy luật của muôn đời. Rằng thời nào cũng vậy, "kẻ giẫm lên vai người khác để thỏa mãn lòng ích kỷ” không bao giờ là kẻ mạnh. Sự hung hãn đó chỉ là biểu hiện của kẻ cướp.

Đề thi môn Ngữ Văn khối C năm 2014 gây ấn tượng với Câu II (3 điểm) 

Đáp án ưu tiên bài thi “hướng về biển Đông”

Về đáp án cho câu hỏi mở, theo quan điểm cá nhân của PGS.TS Văn Giá: Thí sinh không nhất thiết phải đề cập trực diện tới vấn đề biển Đông. Bởi câu hỏi mang tính phổ quát về quan niệm “sức mạnh chân chính” của mỗi cá nhân cũng như mỗi quốc gia. Thí sinh có thể cắt nghĩa “sức mạnh chân chính” bằng những tình cảm của cá nhân với quê hương qua dặm dài lịch sử.

“Nhìn thấu tháng ngày đó, các em sẽ cắt nghĩa rành mạch được đâu là “đại nghĩa”? Đâu là “hung tàn”? Trả lời hai câu hỏi này, đồng nghĩa với việc các em sẽ nêu được sức mạnh chân chính ngàn đời của dân tộc Việt”.

Song hẳn đáp án chấm sẽ ưu tiên cho những thí sinh liên hệ đề thi với vấn đề thời sự về “kẻ tự coi là mạnh”- Trung Quốc- đang “giẫm lên” thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thiêng liêng của Việt Nam. Tất nhiên, như tôi đã nói, đó không thể coi là “sức mạnh chân chính”.

Ngoài ra, theo thầy Giá, tuy đề nghị luận xã hội song thí sinh cũng cần cắt nghĩa rõ ràng những khái niệm được nêu trong đề như “kẻ mạnh”; “lòng ích kỷ”, “sức mạnh cân chính”...  

Đồng thời, ý không thể thiếu nữa là bối cảnh của câu văn trong tác phẩm Đời thừa, bối cảnh tác phẩm Đời thừa trong xã hội Việt Nam trước 1945 và đặc biệt là phong cách, tài năng của Nam Cao.

PGS. TS Văn Giá cũng khẳng định: Những người chấm thi sẵn sàng cho điểm cao với những thí sinh nêu đầy đủ những vấn đề cơ bản và thẳng thắn bày tỏ quan điểm về sức mạnh viển vông của kẻ ăn cướp trên thềm lục địa của Việt Nam. 

Phạm Mỹ


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm