18/06/2014 19:51 GMT+7 | Ký sự World Cup
(giaidauscholar.com) - Mấy cậu thiếu niên tròn mắt khi tôi nói với chúng, rằng tôi muốn đến favela. Tôi nói tên khu ấy ra. Cậu thiếu niên lớn nhất, tóc vuốt gel đầy chất nghệ, mỉm cười: “Cháu ở khu đó”.
Bọn trẻ vừa đi bơi ở bãi biển Ipanema về, người ướt sũng, cười nói râm ran ở một góc xe bus tôi vừa bước lên. “Nhưng chỗ ấy có an toàn không?”, tôi hỏi lại. Cậu cười: “Đầy cảnh sát, chú đừng lo”.
Một cuộc cộng sinh cưỡng ép
Đạn đã lên nòng, ngón tay để sẵn ở cò, mặt căng thẳng và không có một chút gì là vui vẻ trong những ánh nhìn, họ đứng thành từng tốp 4 người ở những góc “chiến lược” của khu favela (khu ổ chuột) mà tôi đặt chân đến và sẵn sàng can thiệp bất cứ lúc nào tình hình cần họ. Họ đã ở đây từ nhiều tháng nay, với số lượng tăng đột biến trong tháng World Cup, không chỉ ở khu này mà còn nhiều khu khác, chủ yếu những nơi tỉ lệ tội phạm đã ở gần mức không thể nào kiểm soát nổi, như Mare, sau khi những cuộc đấu súng giữa cảnh sát bình định favela (UPP) và bọn buôn lậu ma túy xảy ra.
Tôi hiểu cái cảm giác “cảnh sát hóa” cuộc sống của một khu xóm liều là như thế nào khi đã bước chân đến Khayelitsha vào năm 2010. Hàng trăm nghìn người da đen Nam Phi bị chính quyền dồn về sống trong khu ngoại ô Cape Town ấy. Đường sá đẹp, nhưng nhà cửa thì tiêu điều và bẩn thỉu. Những đứa trẻ da đen lê la trên hè. Những những người phụ nữ đứng tựa cửa nhìn ra. Đám thanh niên thất nghiệp và thất học gườm gườm nhìn người đi qua.
Ở đấy, người ta không thích World Cup, vì cảnh sát có mặt ở khắp nơi khiến họ cảm thấy khó sống theo kiểu bản năng được (trong đó có một bản năng, là hành xử theo kiểu côn đồ). Tôi suýt chết ở đó trong một vụ cướp bằng dao găm, khi đi vào một chỗ không có cảnh sát. Vidigal và Rocinha, các khu xóm liều lớn nhất Rio, nhìn bề ngoài có vẻ an toàn hơn Khayelitsha, nơi trung bình mỗi ngày có một cái xác được đưa ra. Nhưng ở đây, nơi cảnh sát bình định ngự trị ở mỗi góc phố, tôi cảm thấy dường như người dân dường như không quan tâm và sống dửng dưng với những thanh niên cao to mặc quân phục xanh đen, tay lăm lăm súng sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào. Họ bị buộc phải quen với sự có mặt của lực lượng này trong một tháng World Cup và đấy có lẽ là một sự cộng sinh đầy khó chịu.
Cũng như ở Khayelitsha, sau khi giải đấu kết thúc, cảnh sát sẽ rút đi, để lại nơi này cho tội phạm hoành hành và sự hỗn loạn ngự trị? Trong World Cup, người ta không muốn thế giới nhìn thấy những gì diễn ra hàng ngày ở đây. Nhưng còn sau đó, điều gì sẽ xảy ra?
Một cuộc chiến ngầm trong các favela
Một thanh niên nói với tôi: “Chúng tôi không thích họ, nhưng họ cũng chỉ là những người bình thường như chúng tôi. Họ ở đây là để làm việc chứ không đe dọa ai cả”. Nhưng không phải ai cũng đồng tình với ý kiến ấy. Felipe da Souza, một người sống trong khu ổ chuột Villa Pereira da Silva, nơi cảnh sát thể hiện sự có mặt của họ bằng những chiếc trực thăng bay vè vè đến nhức đầu phía trên trời, thì bảo rằng, không ai ở favela thích cảnh sát.
Hồi tháng 5, sau vụ cảnh sát bắn chết một vũ công trong một favela vì tưởng nhầm anh với một “narcos” (trùm buôn lậu ma túy), hàng loạt khu favela đã nổi loạn và chống lại họ. Ở Brazil này, mỗi năm, có hơn hai nghìn người chết trong các vụ bạo lực liên quan đến cảnh sát. Hầu hết các vụ được mô tả là “chết trong khi chống đối sau khi bị bắt”, nhưng rất ít cảnh sát bị sa thải hoặc truy tố trước pháp luật vì tội giết người.
Luisao, người cảnh sát bình định tôi gặp ở phía ngoài của Rocinha cố gắng giải thích cho tôi bằng một thứ tiếng Anh rất tệ, rằng không phải cảnh sát nào cũng xấu, nhưng người dân, nhất là người nghèo đã có những ác cảm lớn lao đối với họ sau khi một đội cảnh sát đã giết chết 8 đứa trẻ vô gia cư đang ngủ trên hè đường cách đây nhiều năm. “Nhưng nhiệm vụ của chúng tôi là phải ở đây, ngăn chặn người xấu, và bảo vệ người vô tội. Bọn xấu ở khắp nơi. Chúng rất đông”, anh nói.
Những ngày World Cup này, chúng không ra mặt, hoặc đúng hơn, chúng âm thầm hoạt động. Ma túy phải di chuyển và không thể nằm một chỗ. Chỉ có những tiếng pháo nổ ầm lên ở đâu đó như một thông điệp để báo cho đồng bọn, rằng hoặc cảnh sát đang đến, hoặc đã có “hàng”. Felipe không cho chúng tôi chụp ảnh trong những góc mà cậu cho là nguy hiểm. Chẳng hạn như ở một ngã ba của favela Villa Pereira da Silva, một kẻ trông đầy bệnh hoạn đang ngồi trên một chiếc ghế nhựa, tay cầm mớ tiền và vừa trao cho một thanh niên một gói ma túy. Chẳng hạn như những ngôi nhà có vẻ tươm tất hơn các nhà dột nát còn lại trong khu favela.
Nhà của “quân khu” chăng? Felipe không trả lời, chỉ ra ám hiệu là không chụp ảnh và chú ý đôi mắt mình. Tôi hiểu ám hiệu ấy. Nó có hai nghĩa, 1) chú ý nhìn xung quanh để phát hiện những mối nguy hiểm, 2) chỉ nhìn những nơi được phép nhìn. Ở Vidigal và Rocinha, nơi tập trung hàng vạn người dân, chụp ảnh là điều được phép và những nơi này thậm chí còn tổ chức cả tour du lịch và nhà nghỉ. Điều đó có nghĩa là an ninh tốt. Nhưng tôi tin, bằng trực giác của mình, đó là một sự an toàn cưỡng bức, vì người ta buộc phải sống chung với cảnh sát, lực lượng được cho là để bảo vệ những bất công đang giáng xuống người dân.
Felipe nói: “Trong mắt cảnh sát, ai cũng là tội phạm. Họ không quan tâm đến việc đa số người dân sống trong favela đều nghèo khổ. Bọn tội phạm tồn tại, nhưng chỉ là thiểu số”. Người dân thường bị kẹp giữa cảnh sát và tội phạm theo cách ấy. Họ chết vì đạn lạc trong các vụ đấu súng giữa chúng và cảnh sát. Họ chết trong các vụ thanh toán giữa các băng nhóm. Họ chết vì hệ thống y tế cộng đồng không hoạt động hiệu quả. Họ chết vì đủ mọi lí do khác nhau. Và nỗi căm hận xã hội mà họ đang sống trở thành nỗi bức xúc giáng lên đầu những người mặc quân phục và cầm súng kia. Bạo lực bùng lên và đáp trả họ luôn là bạo lực.
Vĩ thanh
Những mâu thuẫn xã hội lớn lao nảy sinh từ cái đói và sự bất công. Ở các favela, nơi những ngôi nhà bằng gạch hoặc bất cứ thứ gì có thể dựng thành một không gian ngả lưng được, chính là nơi những mâu thuẫn ấy xuất hiện trước tiên. Ta không thấy nó ở bề ngoài nếu chỉ nhìn lướt qua, khi người dân ở các favela đa phần thân thiện và sẵn sàng cười với ta khi thấy ta chào họ, trên đầu ta có một chiếc mũ màu vàng ghi chữ “Brasil”.
Nhưng ta sẽ thấy nó trong ánh mắt căng thẳng của những người cảnh sát làm nhiệm vụ và sự e dè của người dân trong thái độ với họ. Cả những người dân favela ấy và cảnh sát đều trở thành con tin của nhau, buộc phải sống chung với nhau, trong một cuộc sống ngột ngạt và buồn tẻ mà may ra, chỉ bóng đá mới có thể giúp họ khuây khỏa. Sự căng thẳng càng lớn, khi gần đây, số vụ giết người ở các khu ngoại ô, như Baixada Fluminense tăng nhanh.
Người dân thể hiện sự giận dữ của họ trước sự bất lực của cảnh sát bằng cách... thực hiện bạo lực: Đốt xe, cướp phá. Bỗng dưng, ai cũng thấy mình đứng trong làn đạn. Cảnh sát không thể để cho bạo lực xuất hiện ở đây trong World Cup, làm xấu đi hình ảnh Rio trong dịp này và cả Thế vận hội 2016 sắp tới. Người dân thường ở favela được cảnh sát bảo vệ theo đúng nghĩa đen của từ ấy, nhưng cảm thấy không thoải mái. Vì cả cảnh sát lẫn người dân favela đều có định kiến xấu về nhau.
Tôi rời khu Rocinha khi trời đã tối. Ánh điện từ trung tâm Rio de Janeiro ở phía xa kia, dưới chân núi, sáng rực cả một vùng. Phía trên cao của đỉnh Corcovado, là ánh sáng từ tượng Chúa Cứu thế. Ánh sáng hình một cây thập giá, vì tượng dang hai cánh tay. Chúa nhìn về phía biển và đón tâm hồn của thành phố về phía mình, nhưng ở vị trí đứng ấy, ngài đã quay lưng về phía favela. Ngài để mặc các favela trong bóng tối, với những ngọn đèn yếu ớt, nơi có một cuộc chiến ngầm nhưng quyết liệt giữa những người cảnh sát bình định và những người dân nghèo favela. Cả hai đều là nạn nhân của một xã hội đã dồn họ vào thế phải đối đầu.
Cuộc chiến ấy sẽ không bao giờ kết thúc...
Bài & ảnh Trương Anh Ngọc
Từ Rio de Janeiro
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất