Tố Hữu - còn một di sản dịch thuật khó sánh

05/10/2010 13:21 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Hôm qua (4/10), tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo văn học về thơ Tố Hữu nhân 90 năm ngày sinh của ông (4/10/1920 - 4/10/2010) với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu uy tín trong cả nước.

Tại hội thảo, nhiều nhà văn, nhà lý luận phê bình tên tuổi đã đọc tham luận và phát biểu ý kiến về thơ và đời Tố Hữu. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đánh giá: “Tố Hữu là một nhân cách văn hóa của dân tộc và đã được ghi nhận với hai phương diện vừa là nhà cách mạng tiêu biểu, vừa là nhà thơ lớn”.


Tố Hữu và Bút tích của ông với bản dịch Long thành cầm giả ca
Tố Hữu còn được đánh giá là một tài năng dịch thơ lỗi lạc. GS Mai Quốc Liên khẳng định: “Thế kỷ vừa qua, có nhiều người dịch thơ nhưng khó ai sánh được với Tố Hữu về phương diện ấy...”. Khẳng định này có vẻ “hơi lạ lẫm” với nhiều người. Tuy vậy, GS Liên chứng minh: “Tài năng sáng tác đã chuyển hóa thành tài năng dịch ... Ông ít có thời gian để sáng tác, sáng tác, như ông nói (tức Tố Hữu) chủ yếu là lúc nằm bệnh viện, hoặc tranh thủ đêm hôm, ngày nghỉ. Thế nhưng ngoài sáng tác, ngoài công việc ra, ông còn rất quan tâm đến dịch thơ. Và ông đã để lại một di sản dịch đáng kể với hơn 200 bài”

Theo GS Liên, sở dĩ Tố Hữu dịch thơ là vì trước hết, ông thấy cái sự cần thiết phải tiếp nhận những tinh hoa thơ của nhân loại cho chính nhân dân mình. Nhân dân ta, do chiến tranh, đói nghèo... đã rất thiệt thòi trong các cơ hội tiếp xúc với các nền văn hóa lớn trên thế giới. Hơn nữa, trong cuộc kháng chiến cứu nước, xây dựng xã hội mới, chúng ta cần đến tiếng thơ của những người đồng chí, cùng chung lý tưởng, cần những bài thơ như những tuyên ngôn chiến đấu. Bạn ơi, dù đầu ta rơi mất/Ta sẽ nâng trái đất trên vai/ Từ đôi mắt mẹ khóc hoài/ Sẽ đưa trái đất ra ngoài lệ đau.../ Phí hoài đâu những hy sinh/ Bạn ơi, tạm biệt/ Chết là việc mới cho mình đó thôi... (Jindrich Vichra – Tiệp Khắc).

Qua những bản dịch của Tố Hữu, người đọc cảm nhận được cái tha thiết, cái hy vọng và tuyệt vọng, chiều rộng của không gian, mong manh, phấp phỏng của thời gian và trên hết là cả tình yêu, là chờ đợi, là thủy chung... cao đẹp của hồn người.

GS Mai Quốc Liên cũng cho biết thêm là vào cuối đời, còn chút ít thời gian, Tố Hữu dịch một số bài thơ phương Đông và của dân tộc mình, những bài thơ chữ Hán; chủ yếu là qua các bản dịch nghĩa. Điều thuận là qua phiên âm, dịch nghĩa... người như Tố Hữu dễ nắm được tình ý của nguyên tác. Các bản dịch thơ Đỗ Phủ, Nguyễn Du, Cao Bá Quát... đều thể hiện tấm lòng của thơ Tố Hữu đối với các thi hào cổ điển và được dịch rất công phu. Long thành cầm giả ca được dịch, chữa đi chữa lại nhiều lần, kỳ cho đạt đến độ hoàn chỉnh mới thôi... Lỗ Tấn nói đúng: “Dịch khó hơn sáng tác”. Bởi vì dịch luôn luôn bị bó buộc bởi nguyên tác, còn sáng tác thì tự do hơn. Bản dịch Long thành cầm giả ca của Tố Hữu là một bản dịch xứng với Nguyễn Du, người mà Tố Hữu đã nghe qua thơ ông tiếng vọng của cả nước non: “Nghe như nước non vọng lời ngàn thu/ Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru tháng ngày...”

Sinh thời, Tố Hữu và cũng như hiện nay, Toàn tập, Tuyển tập... của Tố Hữu không tính đến các bản dịch. Có lẽ đối với Tố Hữu, dịch cũng là sáng tác và đối với ông, dịch, sáng tác hay làm bất cứ công việc gì cũng là vì đời, vì nhân dân, vì cách mạng, vì kháng chiến, vì lý tưởng của mình. Đó cũng là món quà mà ông dâng hiến là “cho”, “sống là cho, chết cũng là cho” như ông nói. Nhiều người sẽ tiếp nhận món quà quý ấy với lòng biết ơn ông vô hạn!

Hoa Quỳnh (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm