Nhiều nhạc sĩ không đồng tình về việc thay lời Quốc ca

07/06/2013 05:26 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Sau đề xuất sửa lời Quốc ca của đại biểu quốc hội Huỳnh Thành (tỉnh Gia Lai) trong phiên họp dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ngày 4/6 vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến của các nghệ sĩ về vấn đề này.

TT&VH đăng tải ý kiến của một số nhạc sĩ nói về lý do tại sao không nên sửa đổi lời ca của bản Quốc ca.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha: Lịch sử thì không ai thay đổi được

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cũng khẳng định: Sự ra đời của Quốc ca gắn liền với việc hình thành Nhà nước và thể chế VN. “Quốc ca gắn với một giai đoạn lịch sử đặc biệt, mà giai đoạn lịch sử đó đã khai sinh ra nước VN hiện nay. Đó là một phần lịch sử, mà lịch sử thì không ai thay đổi được”.

Nói về ý kiến chê một số lời của Quốc ca không phù hợp với hiện tại, ông Kha đặt sự so sánh với La Marseillaise, bàiquốc ca Pháp có câu “lấy máu lũ tanh hôi tưới ngập luống cày”. “Bài hát ấy ra đời trong hoàn cảnh nước Pháp đang bước vào cuộc chiến tranh chống lại liên quân Áo - Đức. Và thực tế, người Pháp vẫn rất tôn trọng La Marseillaise”.

Chỉ là đề xuất ban đầu của một Đại biểu Quốc hội, vậy nhưng ý tưởng đặt lời mới cho Quốc ca VN xem ra sẽ gây nên rất nhiều luồng ý kiến khác biệt từ dư luận.

Nhạc sĩ Vũ Tự Lân: Không cần thiết đổi lời Quốc ca

“Tôi nhớ cách đây mấy chục năm, chúng ta đã từng tổ chức cuộc thi sáng tác Quốc ca trên toàn quốc. Lúc đó, chúng ta còn muốn thay đổi cả nội dung và âm nhạc nên cuộc thi bắt đầu từ việc sáng tác lời trước, sáng tác nhạc sau. Trong cuộc vận động ấy, có 16 trong hàng ngàn bài có lời hay nhất đã được chọn và được phổ nhạc cho từng bài. Truyền thông báo chí đã đăng tải thông tin rộng rãi nhưng không có tác phẩm nào được chấp nhận.

Trong khi đó, bài Tiến quân ca đã ăn sâu vào tâm khảm nhiều người quá rồi. Vậy tại sao bây giờ chúng ta phải thay đổi?


Đại biểu quốc hội Huỳnh Thành có đề xuất như vậy là tốt nhưng để sửa ca từ cho phù hợp với sự phát triển của đất nước hiện nay (đề xuất sửa đổi được nêu cụ thể trong đoạn “Đường vinh quang xây xác quân thù” - PV) thì theo tôi, chúng ta đã từng trải qua một thời kỳ đấu tranh như vậy thì cũng nên ghi nhớ nhưng không phải vì thế mà chúng ta vẫn còn “hiếu chiến” đến bây giờ.

Muốn chữa thì chữa rất dễ vì đã từng có thời kỳ thay đổi nhưng có cần không? Có tác dụng không? Quan điểm của tôi là không cần thiết.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Phản đối việc thay lời Quốc ca

Có mặt trong cuộc họp của Trung tâm quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vào sáng 5/6, nhạc sĩ Phó Đức Phương bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý tưởng sửa lại lời Quốc ca trên nền nhạc cũ.

“Ngắn gọn, quan điểm của tôi là phản đối điều này. Người ta đang nhầm lẫn về chức năng của Quốc ca. Đó là tác phẩm mang tính chất biểu trưng cho lịch sử, chứ không phải là nhạc phẩm để phản ánh đời sống kinh tế xã hội hôm nay. Có hàng loạt ca khúc khác để thực hiện điều ấy” Nhạc sĩ Phó Đức Phương nói.


Theo lời ông Phương, Quốc ca VN ra đời cùng thời điểm với sự hình thành của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tồn tại trong suốt gần 70 năm qua. Trên thế giới, việc sửa lại lời Quốc ca không phải là trường hợp phổ biến - trong khi một số nước lại có những bản Quốc ca đã tồn tại trên dưới 200 năm.

“Không phải cứ đặt lại lời mới là xong. Việc đổi lời Quốc ca sẽ dẫn tới rất nhiều phiền toái, lộn xộn trong đời sống bình thường.” Nhạc sĩ nói thêm.

“Tôi có được đọc một số sáng tác dự thi trong cuộc phát động viết Quốc ca mới, từng được phát động vào cuối thập niên 1970. Nói thật, không sáng tác nào đủ sức và đủ tầm để thuyết phục người nghe. Thậm chí, có những sáng tác ấu trĩ, ngô nghê tới mức không thể tin nổi”.

Lam Anh, Chiêu Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm