01/12/2021 10:23 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 1/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 263.013.313 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.232.577 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 237.482.072 người.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 802.972 ca tử vong trong tổng số 49.422.000 ca mắc. Tiếp đó là Ấn Độ với 469.056 ca tử vong trong số 34.595.573 ca mắc; Brazil với 614.754 ca tử vong trong số 22.094.459 ca mắc.
Tính theo tỷ lệ dân số, Peru hiện là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 610 người tử vong. Tiếp đến là Bulgaria với 408 người và Bosnia-Herzegovina với 383 người/100.000 dân.
Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46,6 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 84,1 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,5 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,2 triệu ca tử vong trong hơn 82,1 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 59,1 triệu ca mắc. Châu Phi ghi nhận hơn 223.600 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 4.200 người.
Ngày 30/11, giới chức y tế Brazil xác nhận nước này đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 (là những người đã từng có thời gian ở Nam Phi), theo đó trở thành quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh phát hiện ca nhiễm biến thể này.
Lo ngại nguy cơ biến thể Omicron lây lan, Chính phủ Brazil cuối tuần qua đã quyết định cấm tạm thời các chuyến bay quá cảnh hoặc xuất phát từ Nam Phi và 5 quốc gia châu Phi khác. Bộ trưởng Y tế Brazil Marcelo Queiroga cho rằng Omicron là một biến thể đáng lo ngại song biện pháp đối phó tốt nhất hiện nay là tiêm vaccine.
Theo thống kê chính thức, đến nay Brazil đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 62% dân số. Trong những tuần qua, Brazil ghi nhận trung bình 200 ca tử vong mỗi ngày do COVID-19. Hàng chục thành phố của quốc gia Nam Mỹ này đã phải quyết định dừng tổ chức các lễ hội Reveillon truyền thống đón mừng năm mới do lo ngại tình trạng tập trung đông người sẽ làm dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thông báo nước này sẽ tiêm mũi vaccine tăng cường cho người cao tuổi, đồng thời khẳng định sẽ không đóng cửa các hoạt động kinh tế trước biến thể Omicron.
Ngoài ra, Mexico cũng tiêm mũi tăng cường cho các giáo viên, vì đây là đối tượng được tiêm vaccine của Cansino, mà theo nhiều nghiên cứu loại vaccine này cần tiêm mũi bổ sung. Mexico đang đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine ngừa COVID-19.
Cho tới thời điểm hiện tại, hơn 76,4 triệu người trong tổng số 126 triệu dân của Mexico đã được tiêm chủng và 85% trong số này đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng. Từ ngày 30/11, Mexico cũng đã bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-17. Đến nay, Mexico đã ghi nhận tổng cộng hơn 3,88 triệu ca COVID-19, trong đó có gần 294.000 người tử vong.
Chính phủ Canada đã quyết định bổ sung lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách từ Nigeria, Malawi và Ai Cập. Trước đó, từ ngày 26/11, nước này đã áp dụng lệnh cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đã đến Nam Phi, Namibia, Zimbabwe, Botswana, Lesotho, Eswatini hoặc Mozambique hai tuần trước đó.
Ngoài ra, theo quy định mới, hành khách nhập cảnh Canada qua đường không từ tất cả các quốc gia (trừ Mỹ) sẽ phải làm xét nghiệm COVID-19 khi đến Canada. Bộ trưởng Y tế Jean-Yves Duclos nhấn mạnh yêu cầu xét nghiệm bắt buộc được áp dụng với tất cả hành khách, bất kể tình trạng tiêm chủng của họ ra sao.
Yêu cầu này cũng sẽ áp dụng đối với công dân và thường trú nhân Canada. Khách nhập cảnh sẽ phải tự cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm. Hiện chính quyền các tỉnh Quebec, Ontario, Alberta và British Columbia đã xác nhận các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tại địa phương.
Tại Đức, trong cuộc tham vấn giữa chính phủ liên bang và chính quyền các bang ngày 30/11 về những biện pháp ứng phó với làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, ông Olaf Scholz thuộc đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) - người gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng Đức thay bà Angela Merkel hết nhiệm kỳ - đã kêu gọi quy định tiêm chủng bắt buộc đối với người dân.
Để đối phó với làn sóng đại dịch bùng phát mạnh hiện nay, theo ông Scholz, điều quan trọng là "phải thiết lập quy định tiêm chủng bắt buộc chung". Ông kêu gọi các đảng trong Quốc hội Đức sớm đưa ra quy định này. Hiện tại, Đức chưa áp đặt quy định tiêm chủng bắt buộc chung vì vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau.
Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa cho biết chính phủ đang xem xét việc bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang ở ngoài trời nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng chưa có bằng chứng cho thấy biến thể Omicron "đặc biệt nghiêm trọng" về mức độ nguy hiểm, đồng thời cho biết cần phải chờ 10-15 ngày nữa để có thêm thông tin chi tiết.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này hiện chưa có kế hoạch áp đặt các lệnh phong tỏa mới để phòng ngừa COVID-19, mặc dù đang có những lo ngại về khả năng lây lan của biến thể mới sau khi Anh ghi nhận thêm 8 trường hợp nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới này tại Anh lên 13 người.
Do sự xuất hiện của biến thể Omicron, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp liên quan việc chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Theo Bộ trưởng Cao cấp kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein, tới nay, Malaysia chưa phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron nào, nhưng vẫn cần cảnh giác. Malaysia cũng dự kiến thắt chặt biên giới với những nước và khu vực có ca nhiễm biến thể Omicron.
Tại châu Phi, Algeria sẽ tiếp tục nới lỏng các biện pháp phòng dịch hiện tại thêm 10 ngày, từ ngày 1/12, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh được cải thiện ở nước này trong những ngày qua.
Các biện pháp được dỡ bỏ bao gồm hạn chế đi lại, tụ tập nhiều người, đoàn tụ gia đình và các hoạt động thương mại, kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, các biện pháp nới lỏng này đi kèm với việc xử phạt một cách nghiêm khắc nếu người dân vi phạm các quy định về phòng dịch khác, như đeo khẩu trang... Ngoài ra, Chính phủ Algeria cũng yêu cầu tăng cường hoạt động tiêm chủng cho người dân.
Ngày 30/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng các lệnh cấm đi lại không ngăn được biến thể Omicron lây lan, đồng thời kêu gọi các nước bình tĩnh và áp dụng các biện pháp "hợp lý". Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các thành viên (của WHO) áp dụng các biện pháp giảm thiểu rủi ro tương xứng, hợp lý.
Phản ứng toàn cầu phải bình tĩnh, phối hợp và chặt chẽ". Ông Ghebreyesus bày tỏ thông cảm việc các nước muốn bảo vệ công dân của mình "trước một biến thể mà chúng ta chưa hiểu đầy đủ về nó", song WHO lo ngại việc phong tỏa đi lại có thể không công bằng và cản trở nỗ lực giám sát tình hình y tế toàn cầu.
Thanh Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất