Derby d'Italia: Những vết thương không bao giờ liền da...

27/10/2011 18:24 GMT+7 | Italy

(TT&VH Online) - Đêm thứ 7 này, Inter - Juve. Trận đấu vẫn được gọi là derby d'Italia. Bầu không khí ở Serie A được hâm nóng với trận đấu lớn tiếp theo kể từ đầu mùa sau cuộc chiến giữa Milan và Juventus. Nhưng cuộc đối đầu thứ 217 trong lịch sử ở tất cả các giải giữa hai trong số những đội bóng giàu truyền thống nhất của Serie A ấy một lần nữa lại gợi lên không ít băn khoăn. Vấn đề không chỉ là chuyện thắng thua...

Derby d'Italia là thế sao?

Người ta gọi cuộc đối đầu giữa Inter Milan và Juventus là derby d'Italia. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu vì sao trận đấu này lại mang cái tên ấy. Vấn đề không phải là tầm vóc, danh tiếng hay tên tuổi của hai đội bóng mà là bản chất của khái niệm trận "derby nước Ý" không được phản ánh chính xác chút nào.

Tên nguyên bản của Inter Milan (Inter Milan là phiên bản tiếng Anh) là Internazionale. Trong tiếng Italia, "Internazionale" nghĩa là "Quốc tế". Thế nên, ngay từ cái tên, Inter Milan mà chúng ta quen gọi đã chẳng có chút Italia nào rồi. Còn nhìn vào những con người của "Nerazzurri" thì khỏi phải nói. Không cần lần giở lại những trang sử cũ mà chỉ "điểm danh" quân số của Inter ngay bây giờ cũng đủ thấy đội bóng áo xanh đen không có chút Italia nào vì chỉ có mỗi Pazzini là cầu thủ bản địa duy nhất thường góp mặt trong đội hình xuất phát của Nerazzurri. Gắng gượng lắm thì người ta điền thêm tên Thiago Motta vào đây. Nhưng nên nhớ anh chỉ có quốc tịch Italia chứ không mang dòng máu địa trung hải (gốc Brazil) trong huyết quản.

Derby d'Italia hay cuộc chiến của Ranieri?

Nếu chúng ta gạt bỏ khái niệm "bản sắc" sang một bên, thì cuộc chiến ở Meazza đêm thứ 7 này vẫn gợi lên nhiều dấu hỏi. Cả Juve lẫn Inter đều đang đi tìm lại mình của một thời vang bóng. Đây chưa phải là Juve mà chúng ta đã biết ngay cả khi họ đang dẫn đầu BXH. Đây càng không phải là Inter của năm 2010 đỉnh cao vì  bất kỳ đội bóng nào mà Ranieri cầm quân thì không thể... lên đỉnh cao được.

Lịch sử đã chứng mình điều đó, vì sứ mệnh của Ranieri không phải là đưa một đội bóng lên đỉnh cao (và ông cũng không thể làm được điều đó). Người ta gọi ông là "Thợ hàn" nên ông cầm quân ở đội bóng nào có nghĩa là đội bóng đó đang có nhiều "mối rò" cần phải bịt kín lại. Cuộc chiến với Juve cuối tuần này cũng chính là cuộc chiến của Ranieri. Một trận đấu trong một trận đấu khác. HLV của Inter vẫn chưa quên Juve đã ruồng bỏ ông thế nào. Cuộc "hôn nhân" gương ép đã khép lại bằng lời tạm biệt đắng cay.

Sau khi rời Turin, Ranieri không quên đòi Juve phải bồi hoàn tiền bạc đầy đủ vì đã cắt hợp đồng của ông trước hạn. Đêm thứ 7 này, nhà cầm quân kỳ cựu ấy chắc chắn còn muốn Juve phải trả giá nhiều hơn nữa cho sự "bạc đãi" của họ với ông. Nhưng ông có được toại nguyện hay không? Kinh nghiệm cầm quân của Ranieri là không cần bàn cãi, nhưng để chiến thắng người ta cần nhiều hơn thế.

Một Inter "Liên Hiệp Quốc" cần một HLV giàu cá tính và giỏi chiến thuật kiểu như Mourinho. Đó là những phẩm chất Ranieri không có. Vậy mà ông vẫn muốn thắng, cần thắng và phải thắng Juve. Một chiến thắng trước "Bianconeri" không chỉ đơn thuần mang về cho Inter 3 điểm. Đó còn là thông điệp mà Ranieri muốn gửi tới một Juve mà ông vẫn luôn cho rằng đã tỏ ra bội bạc với mình.

Derby của hận thù: Khi "vết thương" Calciopoli không bao giờ liền da...

Với Juve, Calciopoli là vết thương vĩnh viễn không bao giờ liền da... Đã hơn 4 năm trôi qua kể từ những ngày định mệnh mà vụ scandal lớn nhất trong lịch sử Serie A bùng nổ. Theo lẽ thường, người ta nên để cho quá khứ ngủ yên, nhất là khi quá khứ ấy lại gắn liền với trang đen tối và đáng quên nhất trong lịch sử của nền bóng đá Italia. Nhưng với các Juventini trên khắp mọi miền của Italia và thế giới, những nỗi đau ngày cũ vẫn mới mẻ như nó mới xảy đến hôm qua. Thế nên, bất chấp những bản án đã tuyên, những cái giá phải và và nhiều vụ kiện tụng, cáo buộc kéo dài cho tới tận hôm nay và chắc chắn chưa dừng lại trong thời gian tới, mỗi khi Juve đụng Inter, mối hận thù Calciopoli lại trở về trong tiềm thức, khiến cho các trận derby d'Italia luôn luôn đậm đặc mùi "thuốc súng".

Inter cáo buộc Juve, mà đứng đầu là nguyên TGĐ Luciano Moggi, gian lận một cách có hệ thống qua những vụ "đi đêm" với trọng tài và những người phân công trọng tài. Bây giờ Inter lại tiếp tục "kêu" rằng các trọng tài đang trù dập họ khi Nerazzurri đã phải chịu tới 5 quả penalty ở Serie A kể từ đầu mùa. Họ bảo như thế là quá nhiều và lấy làm khó hiểu về điều đó.

Juve, ngược lại, khẳng định Calciopoli là một âm mưu được dàn xếp của Nerazzurri để chống lại họ, đồng thời cho "khai quật" một loạt hồ sơ và thông tin khiến người ta phải "giật mình". Họ bảo rằng  nhà đầu tư cũ của Inter và cũng từng là người làm công cho đội bóng này là Guido Rossi đã điều khiển các phiên toà trong vụ CALCIOPOLI. Thực tế là Guido Rossi không những đã huỷ bỏ các bằng chứng cho thấy Juve trong sạch mà còn loại bỏ luôn những bằng chứng buộc tội Inter.

Rossi là thành viên Uỷ ban điều tra của LĐBĐ Italia (FIGC) trong vụ CALCIOPOLI nhưng ông ta còn là một cổ đông lớn của Inter Milan, cũng từng là một thành viên trong ban lãnh đạo đội bóng này và có chân trong Hội Đồng Quản Trị của Telecom Italia, tập đoàn thuộc sở hữu của Tronchetti Provera, cổ đông lớn của Inter Milan và là bạn cực thân của Chủ tịch Inter Massimo Moratti. Mối quan hệ dắt dây khá lằng nhằng này cho thấy bàn tay của Inter trong CALCIOPOLI. Juve chỉ đích danh tên các nhân vật Carlo Bore, Verdelli và Cannavo. Người đầu tiên là:Chủ nhiệm tờ Gazzetta Dello Sport và là Phó Chủ tịch của Inter Milan khi vụ Calciopoli bùng nổ. Hai người sau là những biên tập viên và Trưởng ban biên tập của Gazzetta Dello Sport. Cả hai đều là cổ đông của Inter Milan.

Mặc dù LĐBĐ Italia đã mở cuộc điều tra như chúng ta đã biết (chỉ vì áp lực quá lớn của truyền thông) và từ đây những cuộc điều tra và xét xử tiếp theo đã liên tục diễn ra, nhưng do sức ép của truyền thông quá lớn nên FIGC đã đe doạ huỷ bỏ tất cả các giải đấu của Italia kể cả các trận đấu của ĐTQG nếu Juve còn tiếp tục kháng án. Đây được xem là đòn quyết định để hạ gục Juve vì ai cũng biết rằng nếu Juve vẫn kháng án thì ĐT Italia đứng trước nguy cơ vắng mặt ở VCK EURO 2008. Như chúng ta đã biết, trước sức ép khủng khiếp này, các quan chức Juve buộc phải rút lui để giữ thể diện cho ĐTQG vì dù sao Juve vẫn chỉ là một CLB. Đó chính là những gì Inter mong đợi vì như thế, Juve đã chấp nhận lùi bước trên con đường đi tìm chân lý.

Đó là chúng ta tóm lược lại một số điểm mấu chốt trong vụ Calciopoli mà Juve vẫn đang tìm mọi cách phủ nhận nó cho tới tận bây giờ. Sau khi công tố viên Palazzi tiết lộ rằng cố Chủ tịch Facchetti của Inter cũng có các cuộc điện đàm và tiếp xúc với trọng tài và người phân công trọng tài tương tự như những bằng chứng mà Inter đã dùng để cáo buộc Juve trước đó, mối hận thù giữa hai đội bóng càng trở nên căng thẳng. Juve đã thất bại khi tìm cách lật lại Scudetto 2006 mà FIGC trao cho Inter vì họ nhận được câu trả lời là vụ này đã quá thời hạn điều tra. Nhưng Bianconeri không chấp nhận dừng lại. Họ lại kiện tiếp lên Tòa án trọng tài thể thao CAS và đang chờ phán quyết của CAS trong thời gian tới.

* Sở dĩ chúng ta điểm lại vụ Calciopoli để nói rằng bất cứ một trận Inter - Juve nào dù nó diễn ra ở giải nào cũng giống như một quả bom chỉ chờ được kích hoạt là nổ tung. Trận derby cuối tuần này không phải là ngoại lệ. Đó không đơn thuần là cuộc chiến vì 3 điểm. Đó là vấn đề danh dự và lòng tự hào. Juve không bao giờ chấp nhận cái gọi là "Calciopoli" và muốn khẳng định rằng Inter sẽ chẳng thể động vào niềm kiêm hãnh đã có từ trăm năm ở Turin. Bất kể đó là Juve nào. Trên đỉnh cao hay dưới vực sâu. Mỗi trận đấu với Inter luôn là tử chiến.

Hãy cho chúng tôi biết cảm nghĩ của bạn về trận đấu này. Những ý kiến ngắn sẽ được đăng ngay trong mục comment dưới đây, những ý kiến dài, mang tính chất bài viết, và có chất lượng sẽ được đăng trên trang chủ trong những ngày trước trận đấu (bạn có thể gửi bài vào địa chỉ e-mail [email protected]). Chúng tôi khuyến khích những comment, bài viết có đầu tư về nội dung, sử dụng ngôn từ trong sáng.


HT

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm