Di sản tư liệu thế giới: Góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế

30/10/2024 07:10 GMT+7 | Văn hoá

Trong hai ngày 28-29/10, tại trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp), đã diễn ra Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới (MOW) và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu. Hội nghị được tổ chức đúng dịp kỷ niệm Ngày thế giới về Di sản nghe nhìn 27/10 hằng năm.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tham dự hội nghị có hơn 200 đại biểu, gồm các đại diện chính phủ, chuyên gia đến từ các Uỷ ban quốc gia và khu vực về MOW, đại diện các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực di sản tư liệu. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị có Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO Nguyễn Thị Vân Anh và Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương - Thành viên Ủy ban tư vấn quốc tế (IAC) của UNESCO, Phó Chủ tịch Uỷ ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP).

Di sản tư liệu là cấu phần chủ chốt trong ký ức của nhân loại, giúp loài người hiểu về quá khứ, học hỏi từ quá khứ và định hình tương lai. Với ý nghĩa đó, Di sản tư liệu thế giới được coi là một trong các danh hiệu quan trọng của UNESCO. Đến nay, toàn thế giới có 496 Di sản tư liệu thế giới được ghi danh theo Chương trình Ký ức thế giới, trong đó Việt Nam có 3 Di sản tư liệu thế giới và 7 Di sản tư liệu khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Di sản tư liệu thế giới - Nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy hiểu biết và hợp tác quốc tế - Ảnh 1.

Mộc bản triều Nguyễn

Các Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận gồm Mộc bản triều Nguyễn (ghi danh năm 2009); Bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám (2010 và 2015); Châu bản Triều Nguyễn (2014 và 2017). Còn 7 Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang (2012); Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế (2016); Mộc bản trường Phúc Giang, Hà Tĩnh (2016); Hoàng hoa sứ trình đồ, Hà Tĩnh (2018); Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (2022); Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (2022); Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế (2024).

Trong bối cảnh di sản tư liệu trên thế giới đang gặp các thách thức như nguy cơ bị hư hỏng, cố tình phá hủy và các rủi ro gia tăng khác do xung đột và thiên tai, Hội nghị quốc tế về Chương trình Ký ức thế giới và Diễn đàn chính sách toàn cầu lần thứ 4 về Di sản tư liệu đã tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường công tác bảo tồn và phát huy vai trò của di sản tư liệu, cũng như là những công cụ hiệu quả thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác quốc tế, sự gắn kết xã hội, xây dựng hòa bình bền vững.

Sự tham gia của đoàn Việt Nam tại Hội nghị và Diễn đàn nêu trên, trong đó có sự hiện diện của chuyên gia Vũ Thị Minh Hương, khẳng định vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam trong lĩnh vực di sản tư liệu. Ở Việt Nam, vai trò của di sản tư liệu cũng ngày càng được coi trọng. Trong dự thảo Luật Di sản văn hoá sửa đổi chuẩn bị trình Kỳ họp lần thứ 8 Quốc hội khoá XV xem xét thông qua, lần đầu tiên nội dung di sản tư liệu được quy định, trong đó có dựa trên cơ sở nội luật hóa các khuyến nghị của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO.

Chương trình Ký ức thế giới là chương trình do UNESCO khởi xướng năm 1992 với mục đích bảo tồn và quảng bá những bộ sưu tập tư liệu có giá trị đang được lưu giữ tại các cơ quan lưu trữ, thư viện và bảo tàng trên toàn thế giới thông qua thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm tạo điều kiện bảo tồn các di sản tư liệu bằng những kỹ thuật phù hợp nhất; hỗ trợ tiếp cận các di sản tư liệu trên toàn cầu; nâng cao nhận thức trên toàn thế giới về sự tồn tại và tầm quan trọng của di sản tư liệu.

Di sản tư liệu là một thuật ngữ được Chương trình Ký ức thế giới sử dụng để chỉ những tài liệu, tư liệu có giá trị đặc biệt, có ảnh hưởng rộng lớn trên thế giới. Về hình thức, Di sản tư liệu có thể ở dạng văn bản như bản thảo, sách, báo, áp phích, thư từ, tập tin máy tính…; các bản vẽ, bản đồ, bản nhạc, sơ đồ, đồ họa… được ghi lại bằng bút mực, bút chì, sơn, con số hoặc các chất liệu khác; tài liệu nghe nhìn như: đĩa âm thanh, băng từ, phim, ảnh, đồ vật chứa đựng thông tin có thể là giấy, nhựa, da, lá cây, vỏ cây, đá, vải, kim loại… thậm chí kể cả tư liệu số như trang web và các tài liệu số khác.

Hồi tháng 2 năm nay, Tiến sĩ Vũ Thị Minh Hương, nguyên Cục trưởng Cục Lưu trữ Nhà nước, đã được Tổng Giám đốc UNESCO bổ nhiệm là thành viên của Uỷ ban tư vấn quốc tế (IAC). Ủy ban IAC gồm 14 thành viên đến từ các châu lục do Tổng Giám đốc UNESCO trực tiếp lựa chọn và bổ nhiệm sau khi tham vấn Ủy ban quốc gia UNESCO của các nước thành viên. Một trong những chức năng chính của Ủy ban IAC là thẩm định và đánh giá các hồ sơ đề cử công nhận Di sản tư liệu thế giới và tư vấn cho Tổng Giám đốc về các vấn đề liên quan đến Chương trình Ký ức thế giới. Các thành viên Ủy ban làm việc với tư cách cá nhân.

Nguyễn Thu Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm