06/04/2014 11:01 GMT+7 | Di sản
(giaidauscholar.com) - Khi vụ việc của chùa Trăm Gian, làng cổ Đường Lâm, chùa Chàng Sơn vừa lắng xuống thì từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra tình trạng xâm hại di tích. Thời gian ngắn, số lượng vụ xâm hại nhiều với các mức độ nặng nhẹ khác nhau, khiến người ta đặt câu hỏi về công tác quản lý di tích và nhận thức của những người liên quan.
3 tháng, 5 vụ “lình xình” liên quan di tích
Từ đầu năm đến nay, thời gian vỏn vẹn ba tháng nhưng có tới 5 vụ xâm hại hoặc tác động không tốt đến di tích. Như việc tự ý đưa tượng Phật Dược Sư vào di tích lịch sử Quốc gia chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm); tự ý đưa và tiếp nhận ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt vào di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm); lấy trộm 4 thanh gỗ sưa ở Quán thờ thôn Cựu Quán (huyện Hoài Đức) đem bán; tự ý thay đổi một số thiết kế và thi công chưa đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật tại đình Quang Húc (huyện Ba Vì) và xây dựng bình phong không đúng mỹ thuật rồi tự ý phá bỏ khi cơ quan chức năng yêu cầu tạm dừng thi công tại lăng Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây).
Các vụ việc trên không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà chính các cơ quan quản lý văn hóa cũng đau đầu giải trình, rồi sửa sai. Sau đấy, tất cả di tích trên đều đưa về nguyên trạng ban đầu nhưng vẫn như một tấm áo vá vai hoặc để lại vết mờ sau khi đã tẩy rửa.
Lý do không thể phủ nhận là công tác quản lý của các cơ quan chức năng còn hạn chế, buông lỏng, tạo lỗ hổng để các vi phạm liên tục diễn ra. Theo quyết định 12 của UBND thành phố Hà Nội về điều chỉnh phân cấp một số vấn đề kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố, thì các di tích trên thuộc sự quản lý của các quận, huyện, thị xã. Tại các di tích đều có Ban quản lý với sự tham gia của chính quyền địa phương, các đoàn thể và người trông coi di tích.
Với cơ cấu nhân lực như vậy, cộng với hàng năm quận, huyện, thị xã đều tập huấn Luật Di sản văn hóa, các thông tư, quy định tới những người liên quan thì không thể nói thiếu hành lang bảo vệ di tích. Duy chỉ có điều, vi phạm vẫn cứ xảy ra và đến lúc đấy, các cơ quan chức năng mới giật mình. Điều đó có thể hiểu, chính quyền địa phương thiếu sâu sát trong công tác quản lý, giám sát chưa chặt chẽ khiến các di tích bị xâm hại hoặc bị tác động không tốt.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước về di tích, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cũng thừa nhận: “Sở cũng có một phần trách nhiệm, bởi khâu tham mưu của ngành với các cơ quan quản lý cao hơn chưa kịp thời, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, liên tục”.
Khi công tác quản lý còn nhiều lỗ hổng thì nhận thức của những người liên quan trong việc bảo tồn di tích cũng chưa tốt, từ người trong ban quản lý, người trông coi di tích và cả những người dân. Họ nghĩ đơn giản, có người hảo tâm tiến cúng hiện vật thì tiếp nhận, đồ thờ tự muốn thì đưa vào di tích, thay đổi thiết kế trong trùng tu di tích cũng không ảnh hưởng gì… Thế nên, đơn vị thi công đình Quang Húc mới tự ý thay thanh xà ngang với hoa văn tinh xảo bằng một thanh xà mới theo kiến nghị của người dân, thay đôi nghê trên khám thờ bằng nghê mới có kích thước lớn hơn, thay các con kìm bằng đất nung trên mái đình thành con kìm xi măng… Mà những chi tiết này không có trong thiết kế đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thỏa thuận.
Rồi chuyện đưa ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt vào đền Phù Đổng được xin phép UBND xã Phù Đổng mà xã lại không báo cáo lên huyện Gia Lâm nên cả huyện, thành phố và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không biết. Trong khi đó đền Phù Đổng là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, việc đưa hiện vật vào di tích phải tuân thủ các quy trình chặt chẽ. Hay ông Trưởng thôn, Ban khánh tiết và thủ từ trông nom Quán thờ thôn Cựu Quán dỡ mái Quán thờ lấy bốn thanh gỗ sưa bán với giá 1,2 tỷ đồng không công khai dân chủ, thống nhất với nhân dân trong thôn.
Giải pháp nào hạn chế sự xâm hại di tích
Di tích vốn là nơi chứa đựng tín ngưỡng tâm linh của nhân dân, do vậy, các vụ việc xâm hại đến di tích thời gian qua không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến di tích, vi phạm Luật Di sản Văn hóa còn gây bức xúc trong nhân dân. Để bảo tồn và phát huy các giá trị của di tích, ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết: Tới đây, Sở tham mưu cho thành phố quản lý tốt hơn các di tích trên địa bàn, thực hiện tuyên truyền rộng rãi Luật Di sản Văn hóa cho chính quyền cơ sở, cộng đồng dân cư để nhân dân cùng hiểu, cùng nhau bảo tồn di tích.
Trong quá trình tuyên truyền Luật, cần điều chỉnh nội dung, chọn nội dung liên quan đến quản lý di tích để các xã, phường, thị trấn và người trông nom di tích, người dân hiểu rõ hơn nghĩa vụ của mình. Làm thế nào để vận động nhân dân tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích và đó cũng là mục tiêu quan trọng trong bảo tồn di tích. “Tới đây chúng tôi cũng tham mưu cho Thành phố ban hành nội dung cụ thể về quản lý di tích, trách nhiệm của sở, ngành, quận, huyện, thị xã, phường, xã để triển khai đồng bộ trên toàn thành phố” – Ông Trương Minh Tiến nhấn mạnh.
Qua các sự việc trên, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cần tăng cường hơn nữa việc quản lý di tích, tiếp nhận, tu sửa đồ thờ tự trong di tích. Sở sẽ phối hợp với các địa phương kiểm kê, xác nhận từng di tích về hiện trạng để cố gắng giữ lại yếu tố gốc. Trong khi chờ quy chế nâng cao hiệu quả quản lý di tích trên địa bàn, Sở cũng yêu cầu các địa phương không tiếp nhận hiện vật mới khi chưa biết hiện vật đó có phù hợp với di tích hay không, địa phương nào cố tình vi phạm sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp trong tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, cung tiến hiện vật cũng cần tìm hiểu việc mình làm có phù hợp với giá trị di tích, phù hợp với Luật Di sản Văn hóa hay không?
Vẫn biết việc bảo tồn tốt di tích trên cơ sở xiết chặt quản lý, thay đổi nhận thức của người liên quan còn lâu dài, nhưng các sự việc xảy ra vừa qua chính là bài học để các nhà quản lý văn hóa giám sát, kiểm tra chặt chẽ hơn.
Đinh Thị Thuận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất