09/02/2015 10:12 GMT+7 | Di sản
(giaidauscholar.com) - Dù hạn cuối là chiều nay (9/2) kí cam kết tuân thủ Quy chế quản lý di tích do chính quyền ban hành đã tới, thủ nhang phủ Tiên Hương, phủ chính trong quần thể di tích Phủ Dầy, vẫn khẳng định sẽ không tham gia yêu cầu này.
Trước đó, như Thể thao & Văn hóa đưa tin trong số báo ngày 22/1, bản Quy chế "Quản lý, Bảo vệ và Phát huy Giá trị Quần thể Di tích Lịch sử - Văn hóa Phủ Dầy" do UBND huyện Vụ Bản (Nam Định) ban hành đang gây tranh luận bởi những vấn đề thuộc về lịch sử bảo tồn khu Di tích Quốc gia này.
1. Điều gây tranh luận trong Quy chế này nằm ở quy định thủ nhang (văn bản sử dụng khái niệm "người trụ trì") cần được nhân dân địa phương bầu chọn theo từng nhiệm kỳ 5 năm. Trước đó, theo tập tục bản địa, thủ nhang – người được giao quản lý phủ và tổ chức các nghi thức hành lễ - phải là người "có căn" về tín ngưỡng thờ Mẫu. Đặc biệt, với sự thăng trầm của tín ngưỡng này trong quá khứ, khá nhiều các thủ nhang đều từng có đóng góp trong việc bảo tồn, trùng tu cửa Phủ.
"Quyết định bầu thủ nhang theo nhiệm kỳ 5 năm/lần là chưa hợp lý, hợp tình vì không kể gì tới công sức vất vả của gia đình để có một phủ chính như bây giờ".- chị Trần Thị Huệ, con gái cụ thủ nhang Trần Thị Duyên, nói - "Xây gì, sửa gì, chúng tôi cũng xin phép chính quyền. Mức phí yêu cầu nộp lại hàng năm cũng được thực hiện đầy đủ từ 1988 đến nay".
Theo lời chị Huệ, trong quá khứ, phủ Tiên Hương (trở thành Di tích Quốc gia năm 1975) đã có nhiều năm dài rơi vào cảnh xuống cấp và gần như bị bỏ hoang khi tín ngưỡng thờ Mẫu bị cấm thực hành. Các giấy tờ được đưa ra cho thấy: năm 1988, gia đình cụ Duyên được chính quyền địa phương đồng ý để đứng ra chịu trách nhiệm trông nom, bảo tồn di tích. Từ đó, phía thủ nhang lần lượt đầu tư kinh phí để xây dựng, trùng tu nhiều hạng mục trong phủ, đồng thời mua thêm vài trăm mét đất (vốn từng thuộc di tích cũ được giao cho các hộ dân) để mở rộng không gian quần thể. Tới năm 1995, sau khi phục dựng lễ hội, phủ Tiên Hương bắt đầu thu hút được sự quan tâm của khách thập phương.
2. Theo quan điểm của UBND huyện Vụ Bản, quy chế trên được lập ra không phải với mục đích quản lý việc thu tiền từ khách hành hương mà chỉ nhằm tránh tình trạng tư nhân hóa di tích. Cụ thể, theo nguyên tắc mới, các thủ nhang quản lý, chi tiêu tiền thu từ di tích, lễ hội, chỉ với yêu cầu công khai rõ mức thu, chi hàng năm.
Được biết, trong tuần qua, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng hồ sơ về tín ngưỡng thờ Mẫu trình lên UNESCO) – đã có ý kiến góp ý với địa phương về vấn đề này. Theo đó, ở thời điểm chuẩn bị xin danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể của Nhân loại cho tín ngưỡng thờ mẫu, sự ủng hộ và hưởng ứng của cộng đồng tại Nam Định – địa phương được chọn làm đại diện để phối hợp xây dựng hồ sơ này- là khá quan trọng. Bởi vậy, văn bản cho rằng những thay đổi liên quan tới các đền, phủ của đạo Mẫu nên được xem xét để áp dụng vào một thời điểm khác phù hợp hơn.
Theo ông Nguyễn Tài Sinh, trưởng phòng VH- TT huyện Vụ Bản, phía địa phương đã nhận được thông tin trên, nhưng tinh thần chung vẫn là quyết tâm thực hiện quy chế. "Chúng tôi đã tham vấn lãnh đạo địa phương, cũng như cộng đồng về vấn đề này" – ông Sinh nói. "Trong quá trình thực hiện, nếu có giù chưa hợp lý, chúng tôi sẽ tiếp thu và điều chỉnh sau"
"Bộ chưa bao giờ chỉ đạo phải ký hợp đồng với thủ nhang. Dân và thủ nhang có gửi đơn nhưng chúng tôi chưa biết giải quyết sao bởi huyện mới là nơi ban hành quy chế quản lý.”- Ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL cho biết- “Như tôi được biết, việc chọn ra thủ nhang hoặc các sư trụ trì thường phụ thuộc vào đặc thù của từng di tích. Ví dụ, tại đền Bà Chúa Kho, việc quản lý được luân phiên theo từng thôn. Còn tại Phủ Dày, nhiều gia đình đã gắn bó với di tích tới 27 năm, họ từng huy động các nguồn lực tạo dựng cơ ngơi như hiện nên có đặc thù riêng".
Cúc Đường – Mỹ Mỹ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất