12/10/2020 19:10 GMT+7 | Văn hoá
(giaidauscholar.com) - Với tài năng văn chương kiệt xuất, Đại thi hào Nguyễn Du đã làm rạng danh cho dòng họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Nhưng "mạch văn" của dòng họ này bắt nguồn từ đâu? Đi tìm thuỷ tổ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền là cả một câu chuyện dài. Nghiên cứu của PGS-TS Lê Thị Bích Hồng (Chi hội Kiều học Hà Nội) đưa ra những tư liệu thú vị từ các nguồn gia phả. Xin trân trọng giới thiệu bài viết có tính chất tham khảo này để góp thêm một góc nhìn về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Du.
1. Tôi gặp cựu chiến binh Nguyễn Phúc Nhạ - con cháu dòng họ Nguyễn ở Canh Hoạch, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai (TP Hà Nội) tại Lễ giỗ 200 năm mất Đại thi hào Nguyễn Du ở Khu Di tích Nguyễn Du (thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh). Nhận lời mời trân trọng của dòng họ Nguyễn làng Canh Hoạch, ngày 9/10/2020 (23/8 năm Canh Tý) Ban Chấp hành Chi hội Kiều học đã có mặt, dự Lễ kỷ niệm 525 năm sinh Trạng nguyên Nguyễn Thiến (1495-2020) - hiệu Cảo Xuyên, danh sĩ nổi tiếng thế kỷ 16, Thủy tổ dòng họ Nguyễn Tiên Điền và Đại thi hào Nguyễn Du…
Tôi may mắn được tiếp cận từ nhiều nguồn sử liệu, trong đó có tư liệu, gia phả do ông Nguyễn Văn Thắng - hậu duệ đời thứ 18 của Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng và nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Nhạ. Bác kể cho tôi nghe nhiều sự kiện lịch sử quan trọng liên quan dòng họ Nguyễn Canh Hoạch - Tổ quán của dòng họ Nguyễn Tiên Điền và Đại thi hào Nguyễn Du.
Câu chuyện thấm đẫm màu huyền thoại về cuộc hợp huyết đặc biệt của 2 người con làng Tảo Dương và Canh Hoạch cùng xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, trấn Sơn Nam (nay là TP Hà Nội) sinh ra Trạng nguyên Nguyễn Thiến cứ gieo mãi trong tôi bao ấn tượng sâu sắc.
Theo Ngọc phả lưu giữ tại Đình Đụn làng Canh Hoạch, đời Hùng Vương thứ 18, tên gọi của làng là Trang Cổ Hoạch (chạy dài từ Ngà Tư Vác đến hết làng Tảo Dương ngày nay). Trang Cổ Hoạch được chia làm 2 khu vực: khu vực trên (Canh Hoạch) gọi là Thượng Trang Cổ Hoạch; khu vực dưới (Tảo Dương) gọi là Hạ Trang Cổ Hoạch. Ở Hạ Trang Cổ Hoạch có cụ Nguyễn Quang Cảnh (con trai cụ Nguyễn Quang Kinh), tự là Phùng, tính nết hiền hòa, ham đọc sách canh nông lập nghiệp, gia đình khá giả, thích làm việc thiện, đón thầy địa lý tìm đất đặt mộ. Khi tìm được đất tốt, cụ đã đem hài cốt cha táng ở đó.
Mấy năm sau, cụ Quang Cảnh sinh được người con trai là Nguyễn Doãn Địch. Ngay từ nhỏ cụ Nguyễn Doãn Địch đã bộc lộ thiên tư khác lạ. Gia đình gửi cụ Doãn Địch lên Thượng Trang Cổ Hoạch (Canh Hoạch ngày nay) học cụ Nguyễn Đức Phương và được thầy yêu quý gả con gái yêu là Nguyễn Thị Canh. Năm 25 tuổi, cụ Nguyễn Doãn Địch đỗ Cử nhân khoa Dậu; năm 37 tuổi đỗ Thám Hoa khoa Tân Sửu (niên hiệu Hồng Đức thứ 12 - 1481 đời Lê Thánh Tông) làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, kiêm tập hiến viên đại học sĩ, Hàn lâm thị tộc. Cụ có 3 người con trai: Nguyễn Doãn Tụ, Nguyễn Doãn Toại và Nguyễn Doãn Dật (chết yểu).
2. Huyền thoại bắt đầu từ người con trai thứ 2 của Thám Hoa Nguyễn Doãn Địch. Năm 18 tuổi, công tử Nguyễn Doãn Toại bị bệnh phong. Vì dân làng eo sèo, nên gia đình đành làm căn lều tạm cho công tử ở và dưỡng bệnh. Không ngờ chiếc lều ấy nằm trên đất con Hỏa Tinh, phía trước có Tam Kỳ Giang làm Minh Đường, thần bút tẩm thủy cờ trống, võng lọng la liệt trước mặt. Chính chỗ đất này, thầy địa lý đã chọn cho gia đình ông Nguyễn Đức Lượng (con cụ Nguyễn Bá Ký, đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận, làm đến Lại bộ Thượng thư) người Canh Hoạch đặt mộ. Khu đất có “Mạch chìm, khe nhỏ, theo hướng Mão chảy lại, Tây Long có 5 cái bút, đóng hướng tại Cấn Dần Giáp Mão, Tốn Ly đều chìm dưới mặt nước, về phương Hợi có 3 cái gò ở khe nhỏ quay chầu vào, lập hướng tại Mão, thu nước tại Hợi, phong nước tại Đinh Mùi” (theo sách Lê Quý Đôn).
Thấy công tử Toại ở trên đất đó, gia đình ông Nguyễn Đức Lượng ra sức thuyết phục ông Toại chuyển chỗ ở. Nhưng thuyết phục thế nào công tử cũng không thuận. Cuối cùng, ông Lượng buộc lòng phải thú thực điều bí mật đại sự của gia đình. Nghe xong, công tử Toại đề đạt nguyện vọng được trò chuyện một đêm với cô em gái xinh đẹp của ông Lượng và sau đó sẽ chuyển đi chỗ khác ngay.
Về nhà, ông Nguyễn Đức Lượng buồn rầu, than thở với thầy địa lý. Không ngờ em gái Nguyễn Thị Hiền nghe được và xin anh trai tự nguyện gặp chàng trai Nguyễn Doãn Toại. Đêm đó, vào hạ tuần tháng 11 mưa phùn gió bấc, cô Hiền đội nón, xách đèn, một mình lặn lội ra lều tranh chuyện trò cùng công tử. Công tử Doãn Toại tuy bệnh tật, nhưng giao tiếp thể hiện tư chất thông minh, hiểu biết, tài đức. Hai người chuyện trò tâm đầu ý hợp. Âu đây cũng là duyên trời, cô Hiền đem lòng yêu mến, thương chàng trai giàu chí khí mà bệnh tật phải sống cô đơn.
Vào khoảng canh tư, hai người ân ái mặn nồng thì công tử ngộ phòng đột tử. Cô Hiền sợ hãi, vội về báo gia đình. Nghe tin, ông Nguyễn Đức Lượng cho người xuống báo tin dữ cho gia đình ông Thám Hoa Nguyễn Doãn Địch biết để cùng lo hậu sự. Về phần ông Lượng cũng dự định sáng ngày mai sẽ mang hài cốt cha đặt vào chỗ đất đó. Còn công tử Toại sẽ an táng ở nơi khác. Sáng sáng hôm sau, 2 gia đình đến nơi thì thi hài ông Doãn Toại không tẩm liệm, không áo quan, được mối bồi đất táng thành đống, chỉ còn hở 2 chân.
Gia đình cụ Nguyễn Doãn Địch nói: “Đây là thiên táng không chuyển đi nữa. Tốt thay công tử đã được người tốt lại được cả đất tốt”. Ông Nguyễn Đức Lượng chỉ còn biết than: "Thật là hết phúc, công tử kia đã được người lại còn chiếm cả đất này". Thầy địa lý an ủi: "Việc trời làm vậy, đất này tuy mất huyệt chính, còn huyệt bàng, táng vào vẫn kết phát được, ông nên nghe tôi táng mộ cụ vào huyệt bàng". Không còn cách nào khác, ông Nguyễn Đức Lượng đành táng mộ cha vào bên mộ công tử Doãn Toại.
3. Năm ấy, ông Lượng 30 tuổi (1494). Năm 1514 Triều đình mở khoa thi, ông Nguyễn Đức Lượng thi đỗ Đệ nhất giáp, Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (tức Trạng Nguyên) năm Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận thứ 6 (1514) dưới triều vua Lê Tương Dực. Và kể từ đó, vua ban đổi tên ông từ tên Hề thành Đức Lượng.
Năm thi đỗ, ông đã 50 tuổi và sau 20 năm kể từ khi đặt mộ cha. Ông từng đi sứ nhà Minh; được phong chức Tả thị lang Bộ Lễ (Thứ trưởng Bộ Ngoại giao ngày nay). Gia đình ông 3 đời liên tiếp đỗ cao: “Cha là Bá Ký, con là Khuông Lễ, em họ là Nguyễn Thuật. Bá Ký đỗ Tiến sĩ khoa Quý Mùi niên hiệu Quang Thuận, làm đến Lại bộ Thượng thư. Khuông Lễ đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Đại Chính nhà Mạc, làm đến chức Tự Khanh, chết dọc đường trong lúc đi sứ Tàu, tặng Hữu Thị Lang. Nguyễn Thuật đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Đoan Khánh, làm đến Ngự sử”.
Ông nêu một tấm gương sáng về lòng quyết tâm kiên trì học tập và được người đương thời ca ngợi là “Văn chương lừng lẫy suốt bậc nho khoa, lẫm liệt tựa tùng bách với sương thu”. Khi mất, ông Nguyễn Đức Lượng được phong tặng Thượng thư. Là người phụ nữ đảm đang, tài giỏi, luôn bên cạnh giúp chồng, vợ Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng được vua phong là "Liệt phu nhân" (người vợ tài giỏi oanh liệt).
Lại nói về em gái ông Lượng, sau đêm cùng công tử Toại, cô Nguyễn Thị Hiền mang thai. Gia đình, dòng họ mang nỗi buồn đau riêng. Thương em gái, để tránh tiếng dị nghị, ông Nguyễn Đức Lượng làm cho cô Hiền gian nhà nhỏ ở rìa làng (ngôi nhà hiện ở khu vực nhà thờ Sắc).
Năm 1495, cô Nguyễn Thị Hiền sinh con trai, đặt tên là Đàm, húy là Thiến (Sảnh). Ngay từ nhỏ, Nguyễn Thiến đã bộ lộ tư chất thông minh. Năm lên 6 tuổi, ông đã giục mẹ cho theo học ông Nguyễn Đức Lượng. Lúc này, ông Lượng mở trường dạy học và giao lưu với các sĩ tử trong vùng để chờ ngày thi cử. Một đêm, ông Lượng chợt nghe có người bảo: "Ngày mai ông dọn dẹp nhà cửa có quan đồng khoa đến chơi". Ông Lượng tỉnh giấc, biết là chiêm bao, nhưng ông vẫn cho dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ có ý chờ đợi. Cả ngày không thấy khách tới, ông nghĩ là giấc chiêm bao. Đến sẩm tối, cô Hiền dắt cháu đến chơi và nói: "Thưa anh! Cháu đã lớn và chỉ đòi đi học. Em cho cháu lên đây, mong anh thương em dạy dỗ cháu, giúp cho em được phận nhờ". Ông Đức Lượng thương em gái, thương đứa cháu cút côi, thu xếp cho 2 mẹ con em gái ở nhà dưới và cho cháu theo học.
Từ ngày đến học ông cậu ruột, Nguyễn Thiến càng bộc lộ tư chất thông minh, vượt xa bạn đồng học… Khi nhà Lê suy yếu, chán ghét cảnh lộng hành, bè đảng của các đại thần trong triều, Nguyễn Thiến không mặn mà chuyện thi cử. Sau khi Mạc Đăng Doanh lên ngôi, nể lời ông Lượng vừa là người trong gia tộc, vừa là thầy và nghe lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, năm 38 tuổi, ông mới đi thi và đỗ Đệ nhất giáp, Tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (Trạng nguyên) năm Nhâm Thìn niên hiệu đại chính thứ 3 (1532) đời vua Mạc Đăng Doanh.
Trạng Nguyên cháu đỗ sau Trạng nguyên cậu 18 năm. Thi đỗ, nhưng gặp hoàn cảnh xã hội, ông không muốn ra làm quan phục vụ nhà Mạc. Nhưng do thúc ép của Triều đình, Nguyễn Thiến vẫn phải làm quan, giữ các chức: Lại bộ thượng thư, Ngự sử đài đô ngự sử, Đông các đại học sĩ, Nhập thị Kinh diên, Tước lại quận công (chức Thượng Thư bộ Lại).
Năm Mạc Cảnh Lịch thứ 3 (1551), Mạc Phúc Nguyên nghi ngờ ông Nguyễn Thiến không toàn tâm với nhà Mạc, nên cho quân định vây bắt một số đại thần. Trước tình thế đó, Nguyễn Thiến cùng với Phụng Quốc Công, Tể tướng - Lê Bá Ly đem toàn quân 2 đạo Sơn Tây và Sơn Nam cùng gia quyến đến Thanh Hóa quy thuận vua Lê. Vua Lê Trung Hưng rất mừng, đã ban thưởng và giữ nguyên chức tước. Ông sinh được 3 con (2 trai, 1 gái): Nguyễn Quyện (Thái Bảo Thường quốc công), Nguyễn Miễn (Phù Hưng Hầu) và con gái Nguyễn Thị Ngọc Cẩn (sau lấy Trịnh Kiểm). Làm quan cho nhà Lê khoảng 8 năm, Nguyễn Thiến mất ngày 24/8 năm Thiên Hựu (1557) đời Lê Anh Tông tại Thanh Hóa, thọ 63 tuổi.
(Còn nữa)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất