18/04/2021 21:51 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h ngày 18/4 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 141.431.385 ca mắc COVID-19 và 3.026.506 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 120.120.991 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 với 32.361.280 ca mắc và 580.756 ca tử vong. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Mỹ đã ghi nhận một diễn biến tích cực khi mà bang New York - từng là tâm dịch của Mỹ, có số người nhập viện giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Tỷ lệ dương tính với virus SARS-CoV-2 trong số những người được xét nghiệm tại bang này cũng giảm từ 2,81% ngày 22/4 xuống 2,78% trong ngày 16/4.
Xếp sau Mỹ là Ấn Độ với 14.788.109 ca mắc và 177.168 ca tử vong. Ngày 18/4, Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất kể từ đầu dịch, với 261.500 ca trong 24 giờ qua. Với sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 trên toàn quốc, hệ thống y tế của Ấn Độ ở nhiều bang và thành phố đang phải chịu sức ép lớn.
Tại Đông Nam Á, hệ thống y tế của Thái Lan cũng đang nỗ lực tránh nguy cơ quá tải, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tăng lên trong làn sóng thứ ba. Để ứng phó, Chính phủ Thái Lan đã ra lệnh cho các nhà chức trách cung cấp thêm 25.000 giường bệnh trên toàn quốc.
Bộ Y tế nước này cũng đang xem xét cho phép bệnh nhân COVID-19 sống một mình tự điều trị nếu các cơ sở y tế quá tải. Tổng cục Hàng không dân dụng Thái Lan (CAAT) đã yêu cầu các cơ quan vận tải hàng không ngừng khai thác các chuyến bay nội địa trong khung giờ từ 23h đêm hôm trước đến 4h sáng hôm sau. Thái Lan ngày 18/4 ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao nhất từ đầu dịch với 1.767 ca cùng 2 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 42.352 ca, trong đó 101 ca không qua khỏi.
Tại Campuchia, số ca mắc mới COVID-19 cũng đang tăng ở mức báo động, với 618 ca ghi nhận trong 24 giờ qua, tất cả đều do lây nhiễm cộng đồng. Tính đến thời điểm này, Campuchia có tổng cộng 6.389 ca mắc COVID-19, trong đó có 43 ca tử vong - tăng 2 ca so với một ngày trước đó.
Chính phủ Campuchia vừa thông báo sửa đổi Điều 3, làm rõ giới hạn về hoạt động kinh doanh và đi lại trong vùng dịch trong đợt phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh và thành phố Ta Khmao (tỉnh Kandal) từ ngày 15/4. Theo đó, các lò mổ gia súc, gia cầm, các nhà máy và đơn vị sản xuất lương thực, thực phẩm ở Phnom Penh và Ta Khmao có thể tiếp tục hoạt động bình thường trở lại để đảm bảo an ninh lương thực. Các công ty sản xuất trang thiết bị y tế, dung dịch rửa tay, cồn và máy thở cũng được miễn trừ các quy định của lệnh phong tỏa. Trong khi đó, người bán buôn, cửa hàng tạp hóa, siêu thị, cửa hàng bán gas và nhà hàng phục vụ mang đi được phép tiếp tục hoạt động với số nhân viên giới hạn. Chính quyền sẽ giám sát những hoạt động này để đảm bảo chỉ được cung cấp dịch vụ thiết yếu. Các dịch vụ viễn thông, bưu chính, tài chính và ngân hàng được hoạt động với số nhân viên tối thiểu. Giao hàng và đồ ăn tiếp tục phục vụ trong khu vực phong tỏa. Tổng Công ty Điện lực, Cảng tự trị Phnom Penh, Công ty cung cấp nước Phnom Penh và hoạt động thu gom rác thải vẫn diễn ra bình thường.
VIDEO Nhiều quốc gia vật lộn với làn sóng dịch mới (VNEWS):
https://vnews.gov.vn/nvideo/nhieu-quoc-gia-vat-lon-voi-lan-song-dich-moi-208977.htm
Tại Đức, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), trong ngày 17/4, Đức ghi nhận 19.185 ca mắc mới và 67 ca không qua khỏi. Trên toàn nước Đức, tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua là 162,3 trên 100.000 dân. Tính từ đầu dịch đến nay, Đức có hơn 3,1 triệu ca mắc COVID-19 và 79.914 ca tử vong. Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier cùng ngày cảnh báo lệnh giới nghiêm phòng dịch COVID-19 nên được áp dụng nhất quán trên phạm vi toàn quốc, nếu không Đức sẽ có thêm hàng chục nghìn ca tử vong vì căn bệnh này.
Còn Pháp ngày 17/4 cho biết sẽ áp đặt lệnh cách ly 10 ngày đối với tất cả những người đến từ Argentina, Brazil, Chile và Nam Phi có liên quan tới các biến thể của virus SARS-CoV-2. Những người không thực hiện lệnh cách ly sẽ phải đối diện với các án phạt. Bên cạnh đó, các chuyến bay từ Brazil tới Pháp cũng sẽ tạm dừng ít nhất tới ngày 23/4, còn các chuyến bay từ 3 nước còn lại vẫn hoạt động bình thường. Các biện pháp mới cũng sẽ hạn chế những người Pháp và gia đình của họ cũng như những công dân quốc gia EU khác trở về từ các 4 nước trên.
Giống như Pháp, một quốc gia tại khu vực châu Phi là Tunisia cùng ngày công bố một số biện pháp khẩn cấp phòng dịch COVID-19. Theo đó, ngoài lệnh giới nghiêm hiện hành, tất cả các phương tiện giao thông cũng bị cấm lưu hành trong khoảng từ 19h đến 5h sáng. Tất cả các cơ sở kinh doanh không tôn trọng các quy định về vệ sinh phòng dịch hoặc giờ giới nghiêm sẽ bị đóng cửa ngay lập tức. Bên cạnh đó, các trường học sẽ tạm ngừng hoạt động, trừ các trường mẫu giáo. Việc kiểm dịch là bắt buộc với tất các các du khách đến quốc gia này. Các biện pháp mới kể trên sẽ được áp dụng từ ngày 18/4 đến ngày 30/4/2021.
Trong khi đó, tại Israel, nhờ những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19 có hiệu quả, kể từ ngày 18/4 Israel đã bãi bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc khi đi ra ngoài, đồng thời cho phép học sinh các cấp đi học bình thường trở lại. Như vậy, sau hơn một năm thực hiện đồng thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm phong tỏa và giãn cách xã hội kết hợp với tiêm chủng vaccine, cuộc chiến chống dịch COVID-19 tại Israel cơ bản đã thành công. Dịch bệnh cơ bản được khống chế và các hoạt động kinh tế xã hội dần mở cửa trở lại.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất