05/08/2021 06:40 GMT+7
(giaidauscholar.com) - Clip biểu diễn của ca sĩ Tóc Tiên tại bệnh viện dã chiến số 11 (quận 2, TP Thủ Đức) vào tối 3/8 liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội.
Không trang phục sexy, không make up, giọng ca của “Ngày mai” diện bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình với đầy đủ kính và khẩu trang. Và sân khấu đặc biệt giữa những tòa nhà cao tầng ấy cũng không cho phép khán giả ở nhiều vị trí tận mắt nhìn thấy ca sĩ, cũng như những nghệ sĩ đồng hành cùng cô như Phương Thanh, Quốc Đại, Cẩm Vân...
Không nhìn thấy, nhưng những bệnh nhân trong khu cách ly vẫn hào hứng vỗ tay, hát theo nhịp của từng ca khúc, với những ánh đèn flash từ điện thoại được huơ lên nền trời.
Tóc Tiên được chú ý, khi lần đầu tiên “nhập cuộc” để tới biểu diễn tại bệnh viện dã chiến trong mùa dịch. Trước cô, nhiều nghệ sĩ khác đã có những chuyến biểu diễn như vậy. Điển hình, chỉ vài ngày trước, buổi biểu diễn của nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn tại bệnh viện dã chiến số 3 và số 6 (TP.HCM) cũng được cộng đồng nhắc tới với vô vàn xúc động và trân trọng.
Những buổi biểu diễn đó chưa có tiền lệ, cả về khán giả, sân khấu, địa điểm hay trang phục biểu diễn. Để rồi, với cộng đồng, chúng đang dần trở nên quen thuộc và được trông đợi trong dịp này.
***
Ở một góc nhìn rộng hơn, thưởng thức nghệ thuật không chỉ là nhu cầu của những cá nhân tại các bệnh viện dã chiến. Khi mà rất nhiều đô thị lớn trên toàn quốc đang ở trạng thái giãn cách để phòng dịch, chắc chắn cả cộng đồng với nó đều khao khát điều này – chứ không thể chỉ mãi bằng lòng với các bộ phim truyền hình hay phim trực tuyến qua mạng internet.
Đó không chỉ là sự tất yếu gắn với tính đa dạng của đời sống văn hóa giải trí. Xa hơn, cách mà các nghệ sĩ biểu diễn đang cống hiến cho cộng đồng cũng chính là một liệu pháp tâm lý đặc biệt, khi chúng ta nhận được sự chia sẻ từ những “người đồng hành” ấy, để cảm thấy ấm áp hơn trên hành trình đẩy lùi đại dịch.
Bởi vậy, từ trước những buổi biểu diễn tại các bệnh viện, chúng ta đã được biết tới những chương trình nghệ thuật cá nhân được hàng loạt nghệ sĩ tự thực hiện và chia sẻ với cộng đồng qua mạng internet. Và cũng bởi vậy, bên cạnh những chương trình tự phát, đời sống văn hóa đã có thêm cả những chương trình biểu diễn ở quy mô lớn do ngành quản lý thực hiện – mà mới nhất là chương trình “Cháy lên” được phát online vào tối 1/8.
Chương trình ấy quy tụ các gương mặt từ 5 nhà hát – đồng thời là 5 đầu cầu – gồm Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Và theo kế hoạch, đó chỉ là phần đầu trong chuỗi 12 chương trình nghệ thuật do Bộ VH, TT & DL tổ chức, sẽ được phát online trong thời gian tới.
Như lời những người trong cuộc, cái tên “Cháy lên” của chương trình đầu tiên ấy đã mang đủ ý nghĩa của cả chuỗi chương trình – khi nó gắn với nhiệt huyết của những nghệ sĩ muốn gửi gắm ngọn lửa yêu nghề tới cộng đồng trong thời điểm cả nước cùng đoàn kết chống dịch.
Với các nghệ sĩ, việc không được lên sân khấu biểu diễn trong thời gian qua càng khiến họ có thể khao khát được làm nghề, được nhập cuộc để đóng góp cho cuộc chiến chống dịch bằng khả năng sáng tạo nghệ thuật – thiên chức mà nghề nghiệp đã mang lại cho mình.
Dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng tới việc biểu diễn trực tiếp, nhưng không thể làm gián đoạn dòng chảy nghệ thuật biểu diễn. Cũng như, khi ý thức công dân gắn liền với thiên chức về nghệ thuật, bệnh dịch chỉ có thể trở thành một chất xúc tác đặc biệt, để các nghệ sĩ sáng tạo vì cộng đồng.
Trí Uẩn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất