20/07/2021 08:10 GMT+7 | Thế giới
(giaidauscholar.com) - Với hơn 80.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Đông Nam Á đang trở thành tâm dịch có những diễn biến phức tạp nhất thế giới.
Tại Đông Nam Á, Indonesia bị ảnh hưởng nhiều nhất với 2.911.733 ca nhiễm và 74.920 ca tử vong. Philippines đứng thứ hai với 1.513.396 ca nhiễm và 26.786 ca tử vong. Malaysia đứng thứ ba với 927.533 ca nhiễm và 7.148 ca tử vong.
Ngày 19/7, Indonesia đã tiếp nhận thêm 1.184.000 liều vaccine ngừa COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất để sử dụng cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong do các công ty tự chi trả. Theo thỏa thuận ký kết với Kimia Farma, Sinopharm cam kết cung cấp tổng cộng 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Indonesia, chiếm 2/3 trong tổng số liều vaccine cung cấp cho chương trình tiêm chủng Gotong Royong. Sau khi bắt đầu chương trình tiêm chủng toàn quốc miễn phí vào ngày 13/1/2021, Indonesia đã khởi động Gotong Royong hồi giữa tháng 5 vừa qua trong một nỗ lực nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng và sớm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng.
Trong cả năm 2020, Indonesia đã cơ bản thành công trong kiểm soát dịch bệnh. Nhưng đến tháng 6 vừa qua, tình hình chuyển biến xấu khi số ca nhiễm tăng mạnh, các bệnh viện rơi vào quá tải.
Indonesia bắt đầu áp dụng lệnh đóng cửa trên phạm vi toàn quốc vào ngày 10/7, thời điểm nước này ghi nhận 30.000 ca mắc mới/ngày. Chính phủ ra tuyên bố khẳng định sẽ huy động mọi nguồn lực để đối phó với bùng phát COVID-19, trong đó có cả việc nhập khẩu oxy từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng "quốc gia vạn đảo" này đang phải gánh chịu hệ quả nặng nề từ việc không tiến hành đóng cửa sớm hơn.
Theo số liệu phân tích của các tổ chức y tế, số ca mắc Covid-19 tại Đông Nam Á đã tăng 41%, số ca tử vong cũng tăng 39% trong tuần qua. Đây được xem là tốc độ gia tăng dịch Covid-19 nhanh nhất trên thế giới.
Tính tới 22h ngày 19/7, Thái Lan ghi nhận 11.784 ca mới, đánh dấu ngày thứ 4 liên tiếp quốc gia này ghi nhận số ca mới cao nhất từ khi dịch bùng phát, trong khi ghi nhận thêm 81 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên là 3.422 ca, trong tổng số 415.170 ca mắc COVID-19. Giới chức Thái Lan đã cho dựng các trạm kiểm soát để hạn chế hoạt động đi lại của người dân ở 13 tỉnh được liệt vào “vùng đỏ sẫm” - khu vực được kiểm soát nghiêm ngặt và tối đa. Tất cả các chuyến bay nội địa từ hai sân bay ở vùng đô thị Bangkok là Suvarnabhumi và Don Mueang sẽ tạm ngừng kể từ ngày 21/7. Ngoài ra, các phương tiện giao thông công cộng khác cũng sẽ giảm 50% công suất hoạt động kể từ ngày 21/7. Đến nay, Thái Lan đã tiêm được tổng cộng 14.298.596 liều vaccine phòng COVID-19 trong tổng số 100 triệu liều mà nước này dự kiến sẽ tiêm cho người dân cho tới cuối năm để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng với khoảng 70% dân số được tiêm chủng.
Singapore khuyến cáo những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt người cao tuổi, nên ở trong nhà nhiều nhất có thể trong vài tuần tới, trong bối cảnh gia tăng quan ngại về nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Singapore ngày 19/7 ghi nhận 163 ca mắc mới, con số thống kê theo ngày cao nhất trong 11 tháng, với các cụm lây nhiễm tăng liên quan tới quán bar karaoke và một cảng cá. Khoảng 73% trong tổng số 5,7 triệu dân ở Singapore đã được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên, tuy nhiên chính phủ nước này đang đẩy mạnh việc tiêm chủng cho người cao tuổi.
Malaysia đã phê duyệt có điều kiện việc nhập khẩu và phân phối 2 bộ dụng cụ tự xét nghiệm COVID-19, cho phép bán tại các hiệu thuốc cộng đồng hoặc trung tâm y tế đã đăng ký. Hai bộ dụng cụ này gồm bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 Salixium do hãng Reszon Diagnostic (Malaysia) sản xuất và bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên COVID-19 Gmate của công ty Philosys (Hàn Quốc). Trong đó, Salixium xét nghiệm hỗn hợp nước bọt và dịch mũi, trong khi Gmater xét nghiệm nước bọt. Ngày 19/7, Malaysia ghi nhận 10.972 ca mới và 129 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt là 927.533 ca và 7.14 ca.
Trong khi đó, tuần trước, Hội đồng Quản lý Nhà nước Myanmar đã kêu gọi các bác sỹ và y tá tình nguyện tham gia nỗ lực chống Covid-19, đồng thời thừa nhận rằng, nước này đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc kiểm soát dịch bệnh. Truyền thông Myanmar đưa tin, nhà chức trách đang gấp rút nhập khẩu oxy từ nước láng giềng Thái Lan để cung cấp cho nhu cầu trong nước. Còn Liên Hợp Quốc cảnh báo, Myanmar có nguy cơ trở thành “quốc gia siêu lây nhiễm Covid-19”.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hiện tại nguồn cung vắc xin phòng Covid-19 đang là những thách thức đối với các nước Đông Nam Á. Tiến độ của các chương trình tiêm chủng ở mỗi quốc gia sẽ tác động đến chi tiêu của người dân.
Theo nhà phân tích chiến lược Margaret Yang tại Singapore, tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 tương đối chậm trong khu vực và các chủng của vi rút đột biến có thể tạo ra bất ổn cho tốc độ phục hồi.
Hà Linh (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất