01/12/2021 22:56 GMT+7 | Tin tức 24h
(giaidauscholar.com) - Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.
Xem thêm các thông tin về dịch bệnh Covid-19 TẠI ĐÂY
Ghi nhận 64 ca mắc COVID-19 mới, Phú Thọ chỉ đạo chống dịch theo 4 cấp độ
Theo Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, từ 18 giờ ngày 30/11 đến 18 giờ ngày 1/12, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 64 ca mắc COVID-19 mới, trong đó huyện Thanh Sơn 26 ca; thành phố Việt Trì 15 ca; Thanh Thủy 6 ca; Cẩm Khê 6 ca; Phù Ninh 4 ca; Tam Nông 3 ca; Yên Lập 2 ca; thị xã Phú Thọ 1 ca; Thanh Ba 1 ca. Trong các trường hợp mắc mới có 48 ca đã được cách ly, kiểm soát; 16 trường hợp mắc mới trong cộng đồng.
Như vậy, từ ngày 14/10 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.900 ca mắc COVID-19. Phú Thọ còn 13 vùng phong tỏa, 646 hộ gia đình và 2.510 nhân khẩu bị phong tỏa.
Phú Thọ được đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh với 11 trong tổng số 13 huyện ở cấp độ 2 gồm: thành phố Việt Trì; các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Ba, Thanh Sơn, Đoan Hùng, Cẩm Khê, Yên Lập; riêng thị xã Phú Thọ và Tân Sơn ở cấp độ 1.
Toàn tỉnh có 1 phường ở cấp độ 4 là phường Bạch Hạc (Việt Trì); có 7 xã, phường ở cấp độ 3; có 41 xã ở cấp độ 2 và 176 xã, phường, thị trấn còn lại ở cấp độ 1.
Hiện tại, Phú Thọ có 916.285 người ≥ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, chiếm 90,2%, trong đó có 645.967 người đã được tiêm đủ 2 mũi, chiếm 63,6%. Toàn tỉnh có 109.840 trẻ từ 12-17 tuổi được tiêm 1 mũi vaccine COVID-19 (chiếm 77,9%).
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi các huyện, thành, thị về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Cụ thể:
Ở cấp độ 1 nguy cơ thấp (vùng xanh), dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ: vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử. Các dịch vụ spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ thể dục trong nhà, bể bơi trong nhà, làm tóc,... được phép hoạt động; tuy nhiên phải đảm bảo giãn cách trên 2m/người và không quá 50% công suất.
Cấp độ 2 nguy cơ trung bình (vùng vàng), dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ như: vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử. Các dịch vụ spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ thể dục trong nhà, bể bơi trong nhà, làm tóc,... được phép hoạt động; tuy nhiên phải đảm bảo giãn cách trên 2m/người và không quá 50% công suất.
Đối với các hoạt động đến bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao phải đảm bảo dưới 30 người tham gia các hoạt động tập trung trong nhà (dưới 150 người nếu 100% người tham dự tiêm đủ hai mũi vaccine); dưới 50 người tham gia hoạt động tập trung ngoài trời (dưới 300 người nếu 100% người tham dự tiêm đủ hai mũi vaccine). Hoạt động với 50% công suất đối với vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải; hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
Cấp độ 3 nguy cơ cao (vùng cam), dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ gồm: vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử; dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như dịch vụ spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ thể dục trong nhà, bể bơi trong nhà, làm tóc (trừ cắt tóc),...
Dừng hoạt động tập trung đông người, vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa; bán hàng rong, vé số dạo...
Ở cấp độ 4, nguy cơ rất cao (vùng đỏ), dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao: vũ trường, karaoke, massage, quán bar, internet, trò chơi điện tử; dịch vụ spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ thể dục trong nhà, bể bơi trong nhà, làm tóc (trừ cắt tóc),...
Dừng hoạt động các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; bảo tàng, triển lãm, thư viện, rạp chiếu phim; cơ sở, điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.
Dừng các hoạt động tập trung đông người; vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường thủy nội địa; các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, điểm tham quan du lịch.
Dừng phục vụ trực tiếp của nhà hàng/quán ăn, chợ truyền thống. Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối được phép hoạt động với mật độ trên 2m/người và không quá 10 người tại cùng một địa điểm trong nhà (mật độ trên 2m/người và không quá 20 người tại cùng một địa điểm ngoài trời). Tổ chức dạy học trực tuyến, giảm 50% số người làm việc tại các cơ quan công sở (trừ các cơ quan, đơn vị đã có 80% cán bộ, công chức, viên chức tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19). Đối với người dân, hạn chế đi lại, không tham gia các hoạt động tập trung đông người; nếu đến các địa bàn có cấp độ dịch thấp hơn thì phải tuân thủ các quy định về tiêm chủng, xét nghiệm và cách ly.
Các nội dung không nêu tại Văn bản được phép hoạt động bình thường theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương có thẩm quyền ban hành. Thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch được thực hiện từ 13 giờ 30 phút ngày 30/11.
Thanh Hóa: Đưa 80 học sinh phản ứng sau tiêm vaccine phòng COVID-19 nhập viện theo dõi
Tối 1/12, thông tin từ Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Hoằng Hóa cho biết: Trong 2 ngày 1 và 2/12, huyện Hoằng Hóa tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 1 cho 6.690 học sinh ở độ tuổi từ 15 đến dưới 18 tuổi tại 37 xã, thị trấn.
Sau ngày tiêm đầu tiên, tại địa phương này ghi nhận 86 học sinh có phản ứng sau tiêm, phải nhập viện theo dõi.
Theo đó, có 38 học sinh được theo dõi sức khỏe tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoằng Hóa (thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa), 44 học sinh theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hải Tiến (xã Hoằng Ngọc), 4 học sinh theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa Hàm Rồng (xã Hoằng Quý).
Được biết, sau tiêm, các em học sinh này có biểu hiện phổ biến là buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, ớn lạnh nên các nhà trường và gia đình đã đưa các em đến các cơ sở y tế gần nhất. Sau khi được chăm sóc y tế, hiện sức khỏe và tâm lý của các em đã ổn định. Các cơ sở y tế trên địa bàn huyện Hoằng Hóa sẽ tiếp tục theo dõi sức khỏe cho các em học sinh, bảo đảm an toàn, hiệu quả tiêm phòng.
Được biết trong 2 ngày 1 và 2/12, tỉnh Thanh Hoá đồng loạt triển khai tiêm 117.000 liều vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Do các đối tượng tiêm chủng chủ yếu là học sinh tại các trường trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nên các địa phương đều bố trí các điểm tiêm lưu động tại các trường học. Riêng học sinh có bệnh lý nền sẽ được tổ chức tiêm tại cơ sở y tế.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ, nhân viên y tế về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.
Thanh Hóa, Đắk Nông xuất hiện ổ dịch mới, khẩn trương truy vết, khoanh vùng
Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa, ngày 1/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 104 ca mắc COVID-19 mới, mức cao kỷ lục từ trước đến nay, trong đó 56 trường hợp lây nhiễm trong tỉnh và 48 trường hợp là công dân trở về từ các tỉnh, thành phố khác.
Đáng lưu ý, ổ dịch huyện Triệu Sơn ghi nhận thêm 16 bệnh nhân trong khu cách ly và khu phong tỏa tại các xã Dân Lý, Tiến Nông, Dân Lực, nâng tổng số ca bệnh tại huyện Triệu Sơn là 123 ca.
Tại huyện Thọ Xuân ghi nhận thêm 3 bệnh nhân, trong đó 1 bệnh nhân ở xã Xuân Sinh trong khu cách ly và 2 bệnh nhân phát hiện qua sàng lọc y tế tại xã Xuân Hồng. Hiện tổng số ca bệnh tại huyện Thọ Xuân là 39 ca.
Ngoài ra tại các huyện Cẩm Thủy, Đông Sơn, Hoàng Hóa, Mường Lát, Nga Sơn, thị xã Nghi Sơn, thành phố Thanh Hóa… mỗi địa phương ghi nhận từ 1-13 ca mắc mới. Hiện Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp ở Thanh Hóa đang khẩn trương truy vết, nhằm sớm phát hiện các trường hợp F0 và các trường hợp nguy cơ cao. Như vậy tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh Thanh Hóa ghi nhận 2.604 bệnh nhân COVID-19, có 1.760 người điều trị khỏi được ra viện, 12 bệnh nhân tử vong.
Cũng trong ngày 1/12, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa đã ban hành quyết định phong tỏa toàn bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa (thị trấn Thiệu Hóa) sau khi ghi nhận 2 ca mắc COVID-19 qua sàng lọc y tế tại bệnh viện. Đồng thời, yêu cầu tất cả các cán bộ, y, bác sỹ, công nhân viên thuộc Bệnh viện và toàn bộ người dân đang khám, điều trị và chăm bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa không di chuyển ra khỏi khu vực, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp.
Bệnh viện Đa khoa huyện Thiệu Hóa vẫn duy trì các hoạt động khám chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện và tiếp tục rà soát việc thực hiện cách ly, điều trị, chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao cho việc tiếp nhận, điều trị người bệnh.
Trong ngày 1/12, tỉnh Thanh Hóa đồng loạt triển khai tiêm 117.000 liều vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Do các đối tượng tiêm chủng chủ yếu là học sinh tại các trường trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, nên các địa phương đều bố trí các điểm tiêm lưu động tại các trường học.
Riêng học sinh có bệnh lý nền sẽ được tổ chức tiêm tại cơ sở y tế. Để bảo đảm an toàn, hiệu quả tiêm chủng, ngành y tế các địa phương đã phối hợp với ngành giáo dục và các trường học thực hiện tốt việc rà soát đối tượng, điều tra tiền sử bệnh tật, lập danh sách trẻ thuộc các trường hợp chống chỉ định, trẻ có nguy cơ cao… để phân loại đối tượng, bảo đảm an toàn, hiệu quả tiêm phòng.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ, nhân viên y tế về việc triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, trong đó, đặc biệt lưu ý đến vấn đề phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.
Ghi nhận trong buổi tiêm đầu tiên, quá trình thực hiện tiêm tại các điểm tiêm đã được thực hiện đúng tiến độ, đúng đối tượng, đúng quy trình kỹ thuật, bảo đảm an toàn cao nhất cho người được tiêm. Tại các điểm tiêm đã có sự chủ động cao trong việc áp dụng các biện pháp cần thiết, phù hợp với quy chế chuyên môn và tình hình tại địa phương để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 như bảo đảm giãn cách, đeo khẩu trang và khử khuẩn, bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, bảo đảm khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng.
Hiện Thanh Hóa đã triển khai được gần 2,8 triệu mũi tiêm vaccine phòng COVID-19.
* Ngày 1/12, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế Đắk Nông) xác nhận, ngành y tế đã ghi nhận 117 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 tại xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp. Hiện ngành y tế và chính quyền địa phương đang tiếp tục tập trung truy vết và bóc tách các ca dương tính ra khỏi cộng đồng.
Trước đó, Trung tâm Y tế huyện Đắk R’lấp ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại thôn 3, xã Đắk Sin vào ngày 28/11/2021. Mở rộng truy vết, xét nghiệm, ngành y tế ghi nhận hàng chục trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Các trường hợp dương tính đều có mối liên hệ họ hàng, hàng xóm và tập trung chủ yếu tại thôn 3, thôn 4, xã Đắk Sin, trong đó, riêng ngày 1/12 đã ghi nhận 65 trường hợp dương tính (lũy kế từ 28/11-1/12 là 117 trường hợp).
Liên quan tới tình hình dịch COVID-19 tại xã Đắk Sin, các cơ quan chức năng cũng xác minh, làm rõ một vụ tụ tập đông người tại nhà nuôi yến của một hộ dân tại thôn 4 của xã. Bước đầu, cơ quan chức năng xác định đây là nơi ở và sinh hoạt tôn giáo trái phép của một nhóm gần 50 người, trong đó, riêng chiều tối 29/11 đã xác định 30 người dương tính với virus SARS-CoV-2.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tập trung công tác truy vết, xét nghiệm có trọng điểm các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao tại xã Đắk Sin và các khu vực lân cận. Đồng thời tham mưu cấp có thẩm quyền tạm ngừng việc dạy học, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19 (mũi 2 cho người trên 18 tuổi và cho đối tượng từ 12 đến dưới 18 tuổi theo quy định).
Thừa Thiên Huế có 141 ca mắc mới, trong đó 98 ca cộng đồng
Trong 141 ca mắc COVID-19 mới ghi nhận ở Thừa Thiên Huế có 98 ca được phát hiện tại cộng đồng.
Tối 1/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh này vừa ghi nhận thêm 141 ca bệnh khẳng định dương tính SARS-CoV-2.
Trong đó, phát hiện tại khu cách ly tập trung 7 ca, tại khu phong tỏa 4 ca, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà 29 ca, người từ vùng dịch về giám sát y tế tại nhà 2 ca, tại chốt kiểm soát y tế 1 ca và tại cộng đồng 98 ca.
Các ca mắc COVID-19 được phát hiện tại cộng đồng có địa chỉ nơi ở chủ yếu tại TP Huế, cùng với đó là các huyện Quảng Điền, Phú Lộc và 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tính đến nay, toàn tỉnh có 3.469 ca F0. Hiện đang điều trị 1.513 ca, đã được điều trị khỏi 1.947 ca và có 9 ca tử vong do già yếu, bệnh nền.
Để tăng cường giám sát cộng đồng trong phòng chống dịch COVID-19, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị xã, TP Huế chỉ đạo UBND cấp xã rà soát, kiện toàn, củng cố lại tổ chức, vai trò của các Tổ phòng, chống dịch cộng đồng.
Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác giám sát đối với người về từ vùng dịch, người cách ly y tế, giám sát y tế tại nhà. Đảm bảo tất cả người về từ vùng dịch, người cách ly y tế, giám sát y tế tại nhà đều được theo dõi, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu các địa phương bố trí trang thiết bị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ kinh phí đảm bảo hoạt động của Tổ phòng, chống dịch cộng đồng. Chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót của Tổ phòng, chống dịch cộng đồng trong thực thi nhiệm vụ, cũng như khen thưởng động viên kịp thời các Tổ phòng, chống dịch cộng đồng thực hiện xuất sắc nhiệm vụ.
Hà Nội khẩn tìm người tới 10 chợ, quán ăn uống, hiệu thuốc...
Người tới các hàng bán thịt, quán trà đá, chợ Săn thị trấn Liên Quan... cần liên hệ y tế ngay. 10 địa điểm này liên quan nhiều ca COVID-19 vừa phát hiện.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện Thạch Thất ngày 1/12 phát đi thông báo tìm người tới 10 địa điểm liên quan tới 3 ca COVID-19 vừa phát hiện trên địa bàn huyện.
- Hàng bán thịt, rau chợ Hương Ngải - xã Hương Ngải, thời gian: 9h30 ngày 26/11 và ngày 28/11.
- Quán trà đá chị Hà, tại cổng trường Việt Hung- xã Bình Phú, thời gian từ 16h30 đến 17h30 các ngày 26, 28, 29/11.
- Chợ Săn Thị trấn Liên Quan (hàng thịt, rau ở khu vực phía ngoài cổng chợ chính), thời gian từ 8h00 đến 9h00 ngày 27/11 và ngày 29/11.
- Quán trà đá (chủ quán là phụ nữ khoảng trên 60 tuổi), gần Thế giới di động - Điện máy xanh Thạch Thất, thời gian từ 10h00 đến 10h45 ngày 28/11 và ngày 30/11.
- Quán tạp hóa Hùng Chi - thôn 4, xã Hương Ngải, thời gian từ 9h30 ngày 29/11.
- Quán gội đầu HeArts-HT thôn 5 - xã Canh Nậu, thời gian từ 9h30 đến 11h00 ngày 30/11.
- Hiệu thuốc Thắng Nụ - thôn 2, xã Hương Ngải, thời gian từ 11h30 ngày 30/11
- Quán trà đá cách cổng Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất về phía bên phải khoảng 30m, thời gian từ 16h30 đến 16h45 ngày 30/11.
- Siêu thị Vinmart - số nhà 17, đường 419, Thị trấn Liên Quan (gần cầu Đồng Mô 1- đi về hướng Nhà thờ Phú Nghĩa, phía bên phải), thời gian từ ngày 24/11 đến ngày 30/11.
- Nhà chị Ngọc bán gà, chị Liên Vinh bán thịt tại chợ cổng Sông- thôn làng Kim 1- xã Kim Quan, thời gian 9h00 ngày 28/11.
Đề nghị những người đến các địa điểm trên, cần chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với Trạm y tế xã, thị trấn để được hướng dẫn hoặc gọi điện đến đường dây nóng của Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất: 0868.458.522 hoặc 0974.847.464.
Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh COVID-19.
Hôm nay 1/12 Hà Nội phát hiện 469 ca mắc COVID-19 mới, cao nhất từ trước tới nay trong đó có 202 ca cộng đồng (gần 50%), 178 ca đã được cách ly và 89 ca trong vùng phong toả.
Trong 24 giờ qua, cả nước thêm 14.508 ca mắc, 196 trường hợp tử vong
Bản tin dịch COVID-19 gày 1/12 của Bộ Y tế cho biết có 14.508 ca mắc COVID-19 tại 60 tỉnh, thành phố, trong đó TP HCM nhiều nhất với 1.675 ca; Trong ngày có 2.704 ca khỏi, 196 trường hợp tử vong.
Thông tin các ca mắc COVID-19 mới:
- Tính từ 16h ngày 30/11 đến 16h ngày 01/12, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 14.508 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh và 14.506 ca ghi nhận trong nước (tăng 540 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 8.081 ca trong cộng đồng).
- Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TP HCM (1.675), Cần Thơ (989), Sóc Trăng (757), Bà Rịa - Vũng Tàu (756), Tây Ninh (729), Bình Dương (642), Đồng Tháp (610), Vĩnh Long (585), Bình Thuận (584), Bình Phước (515), Đồng Nai (509), Cà Mau (507), Kiên Giang (479), Hà Nội (467), Bến Tre (419), Bạc Liêu (402), Khánh Hòa (365), Đắk Lắk (342), Hậu Giang (291), An Giang (244), Trà Vinh (240), Bình Định (234), Lâm Đồng (222), Tiền Giang (142), Thừa Thiên Huế (141), Hải Phòng (141), Bắc Ninh (106), Thanh Hóa (104), Đà Nẵng (99), Long An (82), Đắk Nông (82), Thái Nguyên (79), Nghệ An (78), Ninh Thuận (76), Hà Giang (68), Hưng Yên (67), Phú Thọ (64), Quảng Nam (56), Nam Định (52), Phú Yên (51), Quảng Ngãi (50), Gia Lai (47), Hải Dương (46), Hà Tĩnh (31), Thái Bình (30), Quảng Bình (29), Tuyên Quang (29), Vĩnh Phúc (26), Quảng Ninh (23), Yên Bái (22), Lạng Sơn (21), Hòa Bình (18), Quảng Trị (17), Kon Tum (15), Cao Bằng (15), Hà Nam (11), Bắc Giang (11), Điện Biên (8 ), Lào Cai (4), Sơn La (2).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bạc Liêu (-135), Bà Rịa – Vũng Tàu (-104), Tiền Giang (-58).
- Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Đắk Lắk (+202), TP. Hồ Chí Minh (+178), Cà Mau (+130).
- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 13.390 ca/ngày.
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.252.590 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.707 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.247.358 ca, trong đó có 989.235 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Yên Bái, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (472.133), Bình Dương (282.873), Đồng Nai (87.755), Long An (38.323), Tiền Giang (29.357).
Tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.704 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 992.052 ca
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.497 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 4.239 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.393 ca
- Thở máy không xâm lấn: 177 ca
- Thở máy xâm lấn: 674 ca
- ECMO: 14 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 30/11 đến 17h30 ngày 01/12 ghi nhận 196 ca tử vong tại:
+ Tại TP HCM (68 ) trong đó có 7 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Long An (2), Đồng Nai (1), Đồng Tháp (1), An Giang (1), Quảng Bình (1), Bình Định (1).
+ Tại các tỉnh, thành phố khác: Đồng Nai (20), Bình Dương (19), An Giang (17), Tây Ninh (13), Kiên Giang (13), Tiền Giang (8 ), Đồng Tháp (6), Cần Thơ (6), Bạc Liêu (5), Bình Thuận (4), Long An (4), Vĩnh Long (3), Sóc Trăng (2), Bến Tre (2), Cà Mau (2), Hà Nội (1), Phú Thọ (1), Trà Vinh (1), Khánh Hòa (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 172 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.448 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 09/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 157.629 xét nghiệm cho 279.108 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 26.320.654 mẫu cho 68.597.022 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Trong ngày 30/11 có 1.348.139 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 123.442.920 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 71.736.491 liều, tiêm mũi 2 là 51.706.429 liều.
Đà Nẵng ghi nhận giáo viên dương tính, bốn lớp chuyển sang học trực tuyến
Chiều 1/12, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng xác nhận, trên địa bàn thành phố ghi nhận một trường hợp nữ giáo viên dương tính với SARS-CoV-2.
Theo đó, giáo viên này dạy bộ môn tiếng Anh tại Trường Trung học Phổ thông Trần Phú, quận Hải Châu.
Trong ngày 29 và 30/11, nữ giáo viên trên giảng dạy trực tiếp tại hai lớp 10 và hai lớp 11 của trường. Đến ngày 1/12, khi có kết quả dương tính, cô giáo này đã thông báo với nhà trường. Ban giám hiệu Trường Trung học Phổ thông Trần Phú đã tạm thời chuyển 4 lớp học nói trên sang hình thức học trực tuyến từ sáng cùng ngày.
Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết thêm, học sinh thuộc 4 lớp này sẽ được ngành Y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại nơi cư trú.
Ngoài ra, một số giáo viên của trường có tiếp xúc với cô giáo trên được xét nghiệm và thực hiện một số biện pháp theo dõi sức khỏe theo khuyến cáo của ngành Y tế.
Hiện nay, học sinh Trung học Phổ thông ở thành phố Đà Nẵng đã đi học trực tiếp trở lại và đều được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Dự kiến ngày 6/12, học sinh lớp 8,9 và lớp 1 tại thành phố sẽ đến trường học trực tiếp.
Bến Tre: Có 338 ca COVID-19, trong đó 320 ca cộng đồng
Từ 18 giờ ngày 30/11 đến 11 giờ ngày 1/12/2021, tỉnh Bến Tre có 338 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc toàn tỉnh là 8.185 ca. Trong đó, 3.737 ca, 67 ca tử vong
Trong số ca mắc mới, có 327 ca ghi nhận trong tỉnh (309 ca cộng đồng, 18 ca khu cách ly, tại nhà), 11 ca ngoài tỉnh cộng đồng.
Tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Bến Tre đạt 96,14% dân số trên 18 tuổi, trong đó có 67,40% dân số tiêm đủ 2 mũi. Riêng trẻ em đạt 49,51% trẻ trong kế hoạch tiêm chủng của tỉnh.
Tỉnh thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú 894 trường hợp. Xét nghiệm PCR 921 mẫu. Lập mới 2 khu cách ly tại Chợ Lách, giải tán 1 chốt phong tỏa Ba Tri.
Có 177 tổ tuyên truyền, tuần tra phòng chống dịch. Lực lượng tuần tra, kiểm tra 197 cuộc, nhắc nhở 112 lượt người dân, 22 cơ sở kinh doanh; phạt vi phạm hành chính 3 trường hợp, số tiền 6 triệu đồng do ra đường sau 21 giờ không có lý do chính đáng.
Quảng Ngãi thêm 34 ca mắc COVID-19, trong đó 6 ca cộng đồng
Sáng 1/12, Sở Y tế Quảng Ngãi thông tin, tiếp tục ghi nhận thêm 34 ca mắc COVID-19, trong đó có 6 ca cộng đồng ở TP. Quảng Ngãi, huyện Nghĩa Hành và TX.Đức Phổ.
Quảng Ngãi tiếp tục ghi nhận 18 ca là F1 của các ca Covid-19 đang cách ly y tế, gồm 8 ca ở TP.Quảng Ngãi, 3 ca ở huyện Sơn Tịnh, 3 ca ở huyện Tư Nghĩa, 2 ca ở huyện Bình sơn và 2 ca ở huyện Nghĩa Hành. Ngoài ra, còn có 9 ca là người về từ vùng dịch Covid-19 và 1 ca là lái xe đường dài ở tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ), được phát hiện mắc Covid-19 tại chốt đèo Bình Đê.
Cộng dồn. từ ngày 26/6 đến nay, Quảng Ngãi ghi nhận 2.820 ca COVID-19.
Hà Nội xác minh phản ánh "cách ly người bệnh COVID-19 suốt 16 tiếng trên xe cứu thương" tại BVĐK Bảo Sơn II
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa gửi văn bản Sở Y tế Hà Nội yêu cầu xác minh thông tin phản ánh về sự việc cách ly người bệnh COVID-19 suốt 16 tiếng trên xe cứu thương tại BVĐK Bảo Sơn II.
Trong công văn do Phó Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa ký ban hành cho biết, Cục nhận được phản ánh trên mạng thông tin xã hội ngày 29/11/2021 về việc người dân đến xét nghiệm sàng lọc COVID-19 tại BVĐK Bảo Sơn II.
Tuy nhiên, do bị nghi nhiễm và chờ kết quả xét nghiệm PCR, BVĐK Bảo Sơn II yêu cầu người bệnh ở lại chờ kết quả nhưng không bố trí phòng cách li theo quy định.
Sau khi xem xét nội dung, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế thực hiện một số nội dung sau khẩn trương xem xét, xác minh những thông tin mà người dân phản ánh trên mạng thông tin xã hội.
Sở Y tế thành phố Hà Nội kiểm tra quy trình sàng lọc, xét nghiệm COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế. Xử phạt nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Sở Y tế cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, tuyên truyền giáo dục cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống COVID-19.
Báo cáo gửi về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh trước ngày 02/12/2021 để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định không dừng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho học sinh
Trước thông tin Hà Nội tạm dừng tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh, sáng 1/2, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà khẳng định: Thành phố Hà Nội không dừng việc tiêm vaccine cho học sinh. Tuy nhiên, sau khi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của phụ huynh về những lo ngại khi cho con em mình tiêm vaccine phòng COVID-19, ngay lập tức, Sở Y tế Hà Nội đã tiếp thu và tạm dừng tiêm 2 lô vaccine số 124001 và 123002 của Comirnaty (Pfizer) có hạn sử dụng tại giấy chứng nhận xuất xưởng ngày 30/11/2021 và được tăng hạn lên thành 28/2/2022 để thực hiện tiêm chủng cho học sinh.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết thêm, Sở Y tế đã tiến hành rà soát lại tất cả các khâu trong vấn đề tiêm chủng. Để bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực tốt nhất cho công tác tiêm chủng, Sở đã tiến hành rà soát lại tất cả các điểm tiêm, các dây chuyền tiêm chủng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực. Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội cũng xin ý kiến chuyên môn của Bộ Y tế về hai lô vaccine trên. Đối với các lô vaccine khác vẫn sử dụng tiêm bình thường cho trẻ.
Theo Sở Y tế Hà Nội, trước diễn biến dịch phức tạp như hiện nay, việc đẩy mạnh tiêm vaccine, tăng độ bao phủ vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng hơn cả là làm sao bảo đảm công tác tiêm chủng diễn ra an toàn nhất, hiệu quả nhất. Ngay khi có những đánh giá về công tác chuyên môn cùng các quy trình tiêm chủng đều bảo đảm tuân thủ đúng quy định, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh ngay trong chiều 1/12.
Tính đến sáng 1/12, thành phố Hà Nội đã tiêm được 283.250 mũi vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 15-17 tuổi (đạt 92,02%) và tiêm được 143.103 mũi cho trẻ từ 12-14 tuổi (đạt 36,31%). Đối với trường hợp học sinh lớp 9 tại xã Nhị Khê (huyện Thường Tín, Hà Nội) tử vong sau khi tiêm chủng 1 ngày, theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, nguyên nhân tử vong liên quan đến phản ứng phản vệ độ IV, không liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng. Ngoài ra, một số trường hợp gặp phản ứng còn lại, sức khỏe hiện ổn định.
Hà Tĩnh ghi nhận 43 ca mắc
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, Hà Tĩnh vừa ghi nhận thêm 43 ca mắc COVID-19, trong đó có 17 ca cộng đồng.
Các ca mắc mới được phát hiện tại địa bàn các huyện/thành phố: huyện Kỳ Anh 7 ca, huyện Cẩm Xuyên 3 ca, Thạch Hà 14 ca, Hương Khê 2 ca, Nghi Xuân 3 ca, Đức Thọ 11 ca, Can Lộc 1 ca và Lộc Hà 2 ca.
Ngay sau khi ghi nhận các ca mắc, ngành chức năng Hà Tĩnh truy vết được 725 trường hợp F1, 925 trường hợp F2 liên quan đến các ca bệnh để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm kịp thời.
Đến nay, các cơ sở y tế trong tỉnh đã điều trị khỏi cho 691 người. Hiện còn 350 bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh, Khu cách ly F0 Mitraco (TX Kỳ Anh), Trung tâm Y tế huyện Kỳ Anh, BVĐK khu vực Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và cách ly, điều trị tại nhà.
Ngoài ra, có 74 bệnh nhân chuyển ra Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, đến nay, đã điều trị khỏi cho 65 bệnh nhân, 5 ca tử vong.
Trong ngày 30/11, Hà Tĩnh rà soát được 215 công dân trở về từ các vùng dịch, trong đó có 169 người về từ TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Tất cả đều được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng hướng dẫn khai báo y tế và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch phù hợp.
Sở Y tế Hà Tĩnh cũng vừa có công văn gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố về việc hướng dẫn bổ sung việc quản lý, theo dõi cách ly người nhiễm COVID-19 tại nhà.
Trước đó, ngày 10/11/2021, Sở Y tế đã ban hành Hướng dẫn số 4319/HD- SYT về việc Hướng dẫn tạm thời triển khai tổ chức trạm y tế lưu động phòng, chống dịch COVID-19 và cách ly, theo dõi người nhiễm COVID-19 (F0) không có triệu chứng tại nhà.
Sau 3 tuần triển khai, đến nay, đã có 43 ca F0 được cách ly, theo dõi tại nhà, ở 10 địa phương. Qua theo dõi, kiểm tra, Sở Y tế nhận thấy các đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt việc chỉ định, quản lý cách ly F0 không có triệu chứng tại nhà; các trường hợp F0 cách ly tại nhà đã tuân thủ các quy định cách ly và diễn biến sức khỏe tốt.
Yên Bái khẩn tìm người đến 46 địa điểm liên quan tới các ca mắc COVID-19
Sở Y tế Yên Bái chiều ngày 30/11 ra thông báo khẩn, tìm những người có mặt tại 46 địa điểm, liên quan tới các trường hợp mắc COVID-19 từng đến.
Cụ thể, để kịp thời kiểm soát, phát hiện sớm những người có mặt tại các địa điểm, liên quan đến trường hợp mắc COVID-19 , Sở Y tế tỉnh Yên Bái thông báo khẩn tìm những người có mặt tại các địa điểm, cụ thể như sau:
Quán karaoke Rome, thôn Thanh Hùng, xã Tân Thịnh, thành phố Yên Bái, từ 19h ngày 25/11 đến 1h ngày 26/11.
Quán hát Khánh Linh, Đường Lương Văn Can, Tổ 8, phường Yên Thịnh, TP Yên Bái từ 20h - 23h ngày 25/11.
Trường Cao đẳng nghề tỉnh Yên Bái, khu công nghiệp Đầm Hồng, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái các thời điểm: Từ 7h - 11h ngày 23/11. Từ 8h - 11h ngày 25/11. Từ 8h - 10h ngày 26/11.
Agribank chi nhánh thành phố Yên Bái, đường Đại lộ Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái (đối diện Vincom Yên Bái), Từ 10h30 - 10h40 ngày 26/11.
Nhà thầy Trường cổng chào Minh Bảo (ăn 49 ngày), từ 11h - 12h ngày 26/11.
Lớp 5 tuổi A, trường Mầm non Bông Sen, tổ 17, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái từ 16h - 16h30 ngày 26/11.
Nhà riêng Khoa - Nhẫm, gần quán chay Km5, từ 18h-19h ngày 26/11.
Siêu thị Dũng Linh, 772 đường Điện Biên, TP Yên Bái các thời điểm: Từ 19h30 - 21h ngày 26/11. Từ 19h30 - 21h ngày 27/11.
Điểm test nhanh dịch vụ tại Trung tâm y tế thành phố Yên Bái, từ 10h - 10h30 ngày 28/11.
Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 355, xã Minh Bảo, TP Yên Bái, vào các thời điểm: Ngày 24/11 và 25/11. Ngày 27/11 và 28/11.
Nhà riêng tại 925, đường Đại Đồng, tổ 4, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, từ 16h30 ngày 27/11 đến 8h45 ngày 29/11.
Quán hải sản Thủy Cường, 16 đường Nguyễn Văn Cừ, Phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái từ 11h - 15h ngày 25/11.
Chốt kiểm dịch y tế liên ngành xã Minh Quân, huyện Trấn Yên, các thời điểm: Từ 15h ngày 25/11 đến 15h ngày 26/11.
Phòng khám tai mũi họng Bs Chinh, đường Kim Đồng, các thời điểm: Từ 16h - 18h ngày 26/11. Từ 16h - 17h30 ngày 27/11.
Sân cầu lông Liên đoàn lao động tỉnh (Đối diện chợ Km6), từ 18h - 19h20 ngày 26/11.
Quán bia Kiều (gần Vincom Yên Bái) từ 19h - 21h45 ngày 27/11,
Nhà riêng bà Nhàn, Km14, thôn Loan Phượng, xã Tân Hương, huyện Yên Bình, các thời điểm: - Từ 17h ngày 27/11 đến 8h ngày 28/11. - Từ 12h - 13h và từ 17h - 20h ngày 28/11.
Đám giỗ nhà Dung Hường, Km26, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, từ 10h - 10h10 ngày 28/11.
Quán Bi-A, KM18, đối diện Cây xăng Yên Bình, từ 11h - 11h30 ngày 28/11.
Quán bún (chủ là anh Nguyễn Tiến An, KM19, huyện Yên Bình), từ 11h30 -12h ngày 28/11.
Sân bóng Tòa án tỉnh, các thời điểm: Từ 17h - 18h ngày 23/11. Từ 17h - 19h ngày 25/11.
Hyundai Yên Bái, Thôn 5, xã Văn Phú, thành phố Yên Bái (gần cầu Văn Phú) từ 8h - 17h ngày 26/11 và 27/11.
Sân bóng Hoàng Nam, đường Cao Thắng, thành phố Yên Bái, các thời điểm: Từ 18h - 19h30 ngày 26/11. Từ 18h - 19h30 ngày 26/11.
Quán Lẩu ếch, số 11 đường Cao Thắng, thành phố Yên Bái, từ 19h30 - 22h ngày 26/11.
Lẩu Cháo tại quán Hoa Quả Sơn, ở tổ 33, phường Minh Tân, từ 20h - 21h30 ngày 27/11.
Sân bóng Sunrise, đường Quang Trung, thành phố Yên Bái các thời điểm: Từ 17h - 20h ngày 23/11. Từ 18h - 20h ngày 24/11.
Nhà hàng Trình cá, nhà 18 đường Âu Cơ, phường Đồng Tâm, TP Yên Bái, từ 20h - 22h ngày 23/11.
Những người đi xe taxi BKS 21A-02964 (quanh thành phố Yên Bái), các thời điểm: Từ 7h - 15h ngày 24/11. Từ 7h - 20h ngày 25/11. Từ 7h - 23h ngày 26/11.
Quán bia Trường Hải, từ 15h - 18h ngày 24/11.
Quán Mắm, vòng xuyến cầu Yên Bái, từ 23h - 24h ngày 26/11.
Quán lòng lợn, 95 Lý Thường Kiệt, phường Hồng Hà, TP Yên Bái, từ 8h - 10h ngày 27/11.
Quán Bi-a (tại quán đối diện thịt chó cây cọ, phường Hợp Minh), từ 10h - 15h ngày 27/11.
Nhà riêng a Hải (Sau cửa hàng FPT Km2), từ 15h - 19h ngày 27/11.
Phòng An ninh kinh tế cơ quan Công an tỉnh, từ 7h - 11h ngày 23/11.
Đi ăn đám hỏi nhà Hạnh - Việt ở Ngòi Khay, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, từ 9h -13h ngày 24/11.
Quán cơm rang đầu cầu dài Km3, đường Điện Biên, thành phố Yên Bái từ 11h - 11h30 ngày 25/11.
Sân bóng Babylon, các thời điểm: Từ 17h30 - 19h ngày 25/11. Từ 17h30 - 19h30 ngày 27/11.
Quán cơm chợ Km4, từ 11h - 11h 30 ngày 26/11.
Quán nước đối diện Cục An ninh Tây Bắc, từ 11h - 12h ngày 27/11.
Quán Ninh Công tại phường Hợp Minh, từ 12h - 14h ngày 27/11.
Phòng An Ninh kinh tế, Công an tỉnh, các thời điểm: Từ 13h - 16h30 ngày 23/11. Từ 7h - 9h ngày 24/11. Từ 14h - 16h30 ngày 24/11. Từ 13h - 16h30 ngày 25/11. Từ 7h - 11h ngày 26/11, 27/11. Từ 13h - 16h30 ngày 26/11. Từ 14h - 16h ngày 27/11.
Đội điều tra tổng hợp, Công an thành phố Yên Bái, các thời điểm: Từ 7h - 11h30 và 14h - 16h ngày 24/11.
Tòa án Thành phố, đường Yên Ninh, thành phố Yên Bái lúc 16h ngày 24/11.
Trại tạm giam Km8 công an tỉnh, vào sáng 25/11.
Phòng ghi lời khai, Công an thành phố, các thời điểm: Chiều ngày 25/11. Sáng ngày 26/11.
Quán cơm rang gần Vincom Yên Bái, lúc 11h ngày 26/11, sau đó đi sửa xe moto tại cửa hàng xe máy Honda Hòa Bình đối diện Thành ủy Yên Bái.
Sở Y tế Yên Bái đề nghị những người có liên quan tới các địa điểm nêu trên, liên hệ ngay cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, hỗ trợ.
Gọi điện đến các đường dây nóng: + 0964.671.010 - Sở Y tế tỉnh Yên Bái. + 0853.459.000 - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Yên Bái, hoặc cung cấp số điện thoại những người đã tiếp xúc gần với mình.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.252 ca
Theo Bộ Y tế, đến nay, Việt Nam đã chữa khỏi hơn 989.300 ca COVID-19, trong số các bệnh nhân đang điều trị có gần 5.800 ca nặng; Yên Bái khẩn tìm người đến 46 địa điểm có ca F0; TP Cần Thơ lập thêm 8 đội y tế lưu động...
Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 1.238.082 ca mắc COVID-19, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 12.560 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.232.852 ca, trong đó có 986.531 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP HCM (470.458), Bình Dương (282.231), Đồng Nai (87.246), Long An (38.241), Tiền Giang (28.628).
Tổng số ca được điều trị khỏi: 989.348 ca
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.788 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ: 3.743 ca; Thở ô xy dòng cao HFNC: 1.272 ca; Thở máy không xâm lấn: 156 ca; Thở máy xâm lấn: 602 ca; ECMO: 15 ca
Số bệnh nhân tử vong: Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 162 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 25.252 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 33/234 vùng lãnh thổ, Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 09/49 (xếp thứ 5 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 6 ASEAN).
Tình hình xét nghiệm: Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 26.163.025 mẫu cho 68.317.914 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng COVID-19
Tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 122.083.464 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 71.143.392 liều, tiêm mũi 2 là 50.940.072 liều.
Chuẩn bị sẵn sàng các phương án kịp thời, phù hợp, hiệu quả đối với biến chủng mới
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày 29/11 đến 16 giờ ngày 30/11, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 13.972 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh; 13.966 ca ghi nhận trong nước (tăng 208 ca so với ngày trước đó ca) tại 62 tỉnh, thành phố; có 7.549 ca trong cộng đồng.
Các tỉnh, thành phố ghi nhận nhiều ca bệnh nhất gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (1.497 ca), Cần Thơ (981 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (860 ca), Tây Ninh (727 ca), Sóc Trăng (714 ca), Bình Dương (626 ca), Đồng Tháp (602 ca), Bình Thuận (592 ca), Vĩnh Long (571 ca), Bạc Liêu (537 ca), Đồng Nai (514 ca), Bình Phước (459 ca), Bến Tre (439 ca), Kiên Giang (426 ca), Cà Mau (377 ca), Hà Nội (367 ca), Khánh Hòa (350 ca), An Giang (294 ca), Hậu Giang (286 ca), Lâm Đồng (219 ca), Tiền Giang (200 ca), Bình Định (186 ca), Trà Vinh (165 ca), Hải Phòng (154 ca), Đắk Lắk (140 ca), Đắk Nông (124 ca), Thừa Thiên Huế (119 ca), Gia Lai (101 ca).
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.238.082 ca nhiễm, trong đó 989.348 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 25.252 ca tử vong.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.788 ca, trong đó, 3.743 ca thở ô xy qua mặt nạ; 1.272 ca thở ô xy dòng cao HFNC; 156 ca thở máy không xâm lấn; 602 ca thở máy xâm lấn; 15 ca ECMO.
Đã có 122.083.464 liều vaccine đã được tiêm; trong đó tiêm 1 mũi là 71.143.392 liều, tiêm mũi 2 là 50.940.072 liều.
Sau khi có thông tin trên báo chí về 2 lô vaccine phòng COVID-19 Pfizer có hạn sử dụng đến ngày 30/11, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Với vaccine Pfizer từ ngày 22/8 đã được Cơ quan quản lý dược và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan quản lý dược châu Âu (EMA) ngày 10/9 thông qua hạn sử dụng từ 6 tháng lên 9 tháng. Có nghĩa 2 lô vaccine Pfizer 124001 và 123002 nhập về Việt Nam còn hạn sử dụng 3 tháng.
Giáo sư, Tiến sĩ Phan Trọng Lân cũng cho biết thêm: Việc tăng hạn sử dụng của vaccine được dựa trên kết quả nghiên cứu độ ổn định theo Hướng dẫn đối với thuốc mới cũng như sản phẩm sinh học. Nghiên cứu được tiến hành trên các dải nhiệt độ bảo quản khác nhau, kết quả cho thấy vaccine đã có độ ổn định, bảo đảm chất lượng, hạn dùng đến 9 tháng kể từ ngày sản xuất. Việc gia hạn sử dụng này được áp dụng chung trên toàn cầu và được sử dụng cho tất cả các đối tượng, bao gồm trẻ từ 12 tuổi trở lên. Việc gia hạn này cũng đã được kiểm định khắt khe, đảm bảo chất lượng an toàn, hiệu quả. Các lô vaccine Pfizer có hạn sử dụng 6 tháng, tự động tăng hạn dùng lên 9 tháng sau thời gian FDA và EMA phê duyệt trên.
Trên cơ sở kết luận của FDA và EMA, ngày 30/9, Hội đồng tư vấn cấp số đăng ký lưu hành thuốc của Việt Nam đã chính thức thông qua kéo dài hạn sử dụng đối với vaccine của Pfizer từ 6 tháng lên 9 tháng. Tiếp đó, ngày 22/10, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản 12926/QLD-KD đồng ý về việc tăng hạn dùng của vaccine phòng COVID-19 Pfizer.
Theo đó, các lô vaccine Pfizer được nhập về Việt Nam sau ngày 22/10 với hạn dùng 6 tháng in trên nhãn thì tự động tăng thêm 3 tháng. Như vậy, đối với 2 lô vaccine 124001 và 123002 sẽ có hạn dùng đến ngày 28/2/2022.
Kiểm soát biến chủng mới Omicron
Tại công văn số 8706/VPCP-KGVX ngày 29/11/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc kiểm soát biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này, trên cơ sở đó đề xuất các phương án, biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình dịch.
Các bộ Y tế, Ngoại giao, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát người đến và đi qua các nước đã phát hiện ca bệnh nhiễm chủng mới Omicron nhập cảnh vào Việt Nam để ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến thể này vào nước ta.
Trước sự đe dọa của biến thể mới Omicron, Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.
Các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.
Bộ Y tế cho biết, đến ngày 29/11 qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 với biến chủng mới Omicron.
Để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước; đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập, lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, ngày 28/11, Bộ Y tế đã đề Chính phủ xuất xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique; tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Trước nguy cơ từ biến chủng Omicron, các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong lúc này phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người, hoạt động đông người không cần thiết càng tốt. Đặc biệt thực hiện tốt 5K, nếu biến chủng này xâm nhập, thực hiện tốt 5K có thể hạn chế được nguy cơ lây lan dịch...
Phân công 14 bệnh viện tuyến trên hỗ trợ chuyên môn tại các tỉnh, thành phố phía Nam
Chiều 30/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định phân công 14 bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và 10 tỉnh phía Nam.
Theo đó, các bệnh viện trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại các tỉnh, thành phố phía Nam gồm: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện K, Bệnh viện E, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các bệnh viện tuyến trên theo phân công chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ đánh giá, tổ chức thu dung điều trị, các điều kiện hiện có về giường bệnh, hệ thống oxy, trang thiết bị, thuốc, vật tư, nhân lực của các cơ sở y tế để xác định những khó khăn, bất cập và đề xuất với Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tỉnh, thành phố để chỉ đạo và hỗ trợ khắc phục.
Cùng với thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19, các bệnh viện cử cán bộ y tế trực tiếp hướng dẫn chuyên môn tại chỗ, hội chẩn từ xa, tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực, giám sát chất lượng về cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 cho các cơ sở y tế các tỉnh, thành phố; tổ chức giao ban hàng ngày để rút kinh nghiệm điều trị giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến quận, huyện, thành phố được phân công. Các bệnh viện cũng phối hợp với Trung tâm cấp cứu 115 tỉnh, thành phố (nếu có) trong việc điều phối, chuyển tuyến kịp thời, phù hợp người bệnh COVID-19; hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực cho các tỉnh, thành phố trong thực hiện quản lý, điều trị người nghi mắc, mắc COVID-19.
Kịp thời hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sau gần 2 tháng triển khai Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 28/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (1/10 – 29/11), đến nay, đã có hơn 12,32 triệu lao động được hưởng hỗ trợ (trong đó, đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp là trên 11,4 triệu lao động; đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp là gần 896 nghìn lao động) với tổng số tiền hỗ trợ gần 28,2 nghìn tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tiếp nhận hồ sơ và giải quyết cho 810 đơn vị với gần 152,9 nghìn lao động tại 57 tỉnh, thành được tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.071,2 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 2,7 triệu lao động của 67,7 nghìn đơn vị sử dụng lao động để hưởng các chính sách tại 63 tỉnh, thành phố.
Linh hoạt các hình thức học cho học sinh
Ngày 30/11, theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có 407/713 thành phố, quận, huyện, thị xã của các tỉnh, thành phố tổ chức học trực tuyến.
Số liệu thống kê đến ngày 29/11, cả nước chỉ có 9 tỉnh tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn là: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái và Hà Giang. Bên cạnh đó có 20 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình; 34 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương linh hoạt nhiều hình thức tổ chức dạy học vừa giúp đảm bảo an toàn vừa hoàn thành chương trình mà vẫn duy trì được chất lượng.
Theo lộ trình mở cửa trường học do Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, thành phố sẽ ưu tiên tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh lớp 9, 12 bắt đầu từ ngày 10/12, tùy theo mức độ dịch của từng địa bàn.
Hiện, các trường cũng đang chủ động chuẩn bị các điều kiện, xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn để sẵn sàng đón học sinh trở lại khi có quyết định chính thức của thành phố.
Trong giai đoạn dịch cao điểm, khoảng 1.500 trường học tại thành phố đã được trưng dụng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Đến nay, phần lớn các trường đã được bàn giao cơ sở vật chất, chuẩn bị cho việc đón học sinh đi học trực tiếp trở lại. Việc sửa chữa, chỉnh trang lại trường học đã được các quận, huyện gấp rút thực hiện nhằm đảm bảo cơ sở vật chất cho việc tổ chức đón học sinh trở lại trường.
Thích ứng với điều kiện mới, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng tính toán đến phương án tổ chức hoạt động dạy - học theo nhóm trong mỗi lớp để đảm bảo khoảng cách an toàn cũng như thuận lợi hơn trong việc quản lý học sinh. Việc mở cửa trường học trở lại cần có kế hoạch cụ thể, trên tinh thần an toàn tới đâu mở cửa tới đó. Hai ngành y tế, giáo dục sẽ xây dựng, phát hành cẩm nang hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho giáo viên, học sinh khi trở lại trường học tập trực tiếp.
Hà Nội chuẩn bị quản lý, điều trị, cách ly F0 thể nhẹ tại nhà
Trước tình hình số ca F0 tăng cao trong những ngày gần đây, nhất là số ca nhẹ, không triệu chứng, Hà Nội đã chuẩn bị quản lý, điều trị, cách ly F0 thể nhẹ tại nhà khi bảo đảm đáp ứng các yêu cầu của ngành Y tế, song song với việc điều trị F0 tại trạm y tế lưu động tại xã, phường.
Hiện, ngành Y tế đã sẵn sàng các phương án để chăm sóc sức khỏe người dân qua hệ thống tổng đài 1022, hoặc qua các phần mềm theo dõi F0 để nắm rõ tình trạng từng trường hợp. Đặc biệt, cơ quan y tế phải phát hiện sớm các F0 có dấu hiệu "chuyển tầng" để kịp thời đưa họ đến các cơ sở điều trị phù hợp với tình trạng bệnh. Trong quá trình theo dõi sức khỏe cho người mắc COVID-19, cán bộ y tế cũng tư vấn, cấp phát thuốc, đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt nhất.
Thành phố Hà Nội đã giao chính quyền quận, huyện, xã, phường và Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng kiểm tra điều kiện cách ly F1 và điều trị F0 thể nhẹ tại nhà. Ngành Y tế lên danh sách các hộ gia đình đủ điều kiện, sau đó áp dụng việc phân tầng bằng phần mềm. Khi phát hiện F0 sẽ xem xét điều kiện, thể trạng bệnh và dựa vào điều kiện gia đình để quyết định điều trị tại nhà hay tập trung.
Đối với các đối tượng yếu thế như người già, trẻ em, người nhiều bệnh nền, ngành Y tế sẽ có chế độ chăm sóc, theo dõi đặc biệt, giữ liên lạc thường xuyên với mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất. Hiện Sở Y tế Hà Nội đã trình UBND thành phố phương án điều trị F0 tại nhà.
PV/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất