Dịch Covid-19: Tình hình dịch bệnh thế giới ngày 10/7

10/07/2021 21:57 GMT+7 | Thế giới

(giaidauscholar.com) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h00 ngày 10/7 theo giờ Việt Nam, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 186.981.587 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.037.859 ca tử vong.

Thế giới sẽ vượt qua thời điểm nguy hiểm của đại dịch Covid-19 như thế nào?

Thế giới sẽ vượt qua thời điểm nguy hiểm của đại dịch Covid-19 như thế nào?

“Thế giới đang ở thời điểm nguy hiểm của đại dịch” do sự xuất hiện của biến thể Delta hiện đã lây lan ra hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ và đang "thống trị" ở nhiều khu vực.

Châu Á hiện là khu vực bị ảnh hưởng nhất thế giới, với 57.387.973 ca nhiễm, nhiều hơn gần 10 triệu ca so với khu vực bị ảnh hưởng thứ hai là châu Âu (48.777.625 ca). Khu vực Bắc Mỹ đứng thứ ba với hơn 40,9 triệu ca nhiễm và Nam Mỹ đứng thứ tư với hơn 33,8 triệu ca. Tuy nhiên, xét về số ca tử vong, châu Âu ghi nhận nhiều nhất (hiện đã hơn 1,11 triệu ca), tiếp đó là Nam Mỹ với hơn 1 triệu ca. Khu vực Bắc Mỹ cũng đã có hơn 924.000 ca tử vong trong khi con số này ở châu Á là 817.023 ca.

Tại châu Á, Ấn Độ đang phải chật vật ứng phó với dịch bệnh COVID-19 lây lan mạnh. Bang Uttar Pradesh đối mặt với mối lo mới khi biến thể Kappa đã khiến một người tử vong. Theo Tiến sĩ Amresh Kumar Singh, Trưởng Khoa Vi trùng học thuộc trường Cao đẳng Y tế Baba Raghav Das, biến thể Kappa có thể nguy hiểm tương tự biến thể Delta vì hai biến thể này cùng một họ virus.

Chú thích ảnh

Kappa là một biến thể kép của virus gây bệnh COVID-19. Biến thể này đang gây "báo động đỏ", khiến giới y khoa trên toàn cầu thúc đẩy tiến hành giải trình tự gene để giám sát sự lây lan của biến thể này. Những triệu chứng khi nhiễm biến thể Kappa cũng tương tự những triệu chứng ban đầu của bệnh sởi và xuất hiện 1-2 ngày sau khi nhiễm. Hiện chưa xác định được tốc độ lây nhiễm biến thể Kappa vì chưa có nhiều trường hợp nhiễm, nhưng các xét nghiệm ban đầu cho thấy biến thể này không khác nhiều so với biến thể Delta.

Tại Đông Nam Á, Malaysia và Philippines tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới. Bộ Y tế Malaysia cho biết trong 24 giờ qua, số ca mắc mới tiếp tục ghi nhận mức cao mới (9.353 ca), nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 827.191. Trước đó, ngày 9/7 Malaysia đã ghi nhận  9.180 ca nhiễm mới - mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này. Bộ Y tế Philippines thông báo có thêm 5.675 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 1.467.119 ca.

Chú thích ảnh
Thái Lan công bố các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt mới. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong theo ngày ở mức cao mới (91 ca), nâng tổng số lên 2.625 ca. Chính phủ Thái Lan quyết định áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt hơn ở thủ đô Bangkok cùng 5 tỉnh lân cận và 4 tỉnh ở miền Nam từ ngày 12/7. 

Lào ghi nhận 93 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó 91 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay và chỉ có 2 ca cộng đồng tại tỉnh Champasak. Ban chỉ đạo Quốc gia Lào về phòng chống dịch COVID-19 cho biết tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Thái Lan khiến rất nhiều người Lào mất việc làm và phải về nước. Trong số này có nhiều người nhiễm biến thể Delta, qua đó khiến số ca nhiễm tại Lào, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới tăng đột biến. Mặc dù toàn bộ người nhập cảnh đều được lấy mẫu xét nghiệm và cách ly ngay, nhưng Lào đang phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, nếu để xảy ra tình trạng nhập cảnh trái phép. Campuchia cũng siết chặt kiểm soát dịch tại khu vực biên giới. Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch COVID-19 tại các khu vực biên giới nhằm ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập. 

Chú thích ảnh

Cũng tại châu Á, Hàn Quốc ghi nhận 1.378 ca nhiễm mới - con số cao chưa từng có, trong đó 1.320 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 166.722 ca. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm theo ngày ở Hàn Quốc vượt ngưỡng 1.200 ca. Chính phủ Hàn Quốc chuẩn bị thực hiện giãn cách xã hội ở mức cao nhất (cấp độ 4) để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 4 lan ra toàn quốc. 

Tại châu Mỹ, số ca nhiễm tại Mỹ đã vượt qua 34,7 triệu ca, với hơn 622.000 ca tử vong. Brazil có 19 triệu ca nhiễm với hơn 531.000 ca tử vong. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đang khuyến khích các trường học mở cửa vào mùa Thu tới. Theo khuyến nghị, những học sinh và giáo viên đã được tiêm phòng đầy đủ sẽ không cần đeo khẩu trang trong phòng học, tuy nhiên, cần bố trí học sinh ngồi cách nhau 1m. Trong thời gian qua, Mỹ đã đẩy mạnh chương trình tiêm chủng nhưng vẫn còn nhiều khu vực ở nước này có tỷ lệ tiêm chủng thấp và trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm. Các chuyên gia và giới chức y tế cảnh báo những nơi chưa được tiêm phòng rất dễ bị bùng phát dịch do biến thể Delta lây lan rất nhanh.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết châu lục này đã ghi nhận hơn 5,9 triệu ca nhiễm và hơn 150.000 ca tử vong. Trong đó, Nam Phi có số ca nhiễm cao nhất châu lục (hơn 2,1 triệu ca). Các quốc gia khác như Tunisia, Maroc, Libya và Algeria đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới. Bộ Y tế Tunisia cho biết nước này đã ghi nhận 8.506 ca mắc mới và 189 ca tử vong, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát ở nước này, nâng tổng số lên 481.735 ca mắc và 16.050 ca tử vong. Algeria ghi nhận thêm 831 ca mắc mới - cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây, cùng với 13 ca tử vong. Như vậy nước này đã có 144.483 ca bệnh và 3.811 người tử vong. Bộ Y tế Algeria yêu cầu người dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và không vi phạm giờ giới nghiêm.

Chú thích ảnh
Vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 ở Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Pháp, Nga và Anh là 3 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất, hiện mỗi nước đã ghi nhận hơn 5 triệu ca nhiễm và hơn 111.000 ca tử vong. Các nước khác trong nhóm 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Italy, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan, Ukraine, Hà Lan và CH Séc.

Nga ngày 10/7 đã ghi nhận thêm 752 ca tử vong - mức cao nhất kể từ khi bùng phát dịch, nâng tổng số ca tử vong trên cả nước lên 142.253 ca. Ngoài ra, nước này ghi nhận 25.082 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 5.758.300 ca. 

Về vấn đề vaccine, ngày 10/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt mục tiêu phân phối đủ vaccine ngừa COVID-19 cho 70% số người trưởng thành ở khối này. Theo chương trình mua vaccine chung của khối, EU đã phân phối cho các nước thành viên 330 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech, 100 triệu liều của hãng AstraZeneca, 50 triệu liều của hãng Moderna và 20 triệu liều của hãng Johnson & Johnson. Ước tính EU có 366 triệu người trưởng thành.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Mỹ đã giao tổng cộng 40 triệu liều vaccine cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo thông báo, Mỹ đang chuyển vaccine của các hãng Moderna và Johnson & Johnson cho 3 nước Indonesia, Nepal và Bhutan. Ngoài ra, 2 triệu liều vaccine của hãng Moderna do Mỹ hỗ trợ Việt Nam theo cơ chế COVAX đã đến Hà Nội sáng sớm 10/7 theo giờ Việt Nam. Đây là một phần trong cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden hỗ trợ các nước trên thế giới 80 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do Mỹ sản xuất. Trong danh sách các nước châu Á nhận vaccine do Mỹ hỗ trợ, ngoài 4 nước trên còn có Philippines, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea và Campuchia. Washington cũng thông báo sẽ mua 500 triệu liều vaccine của Pfizer/BioNTech để phân phối cho Liên minh châu Phi (AU) và 92 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm