(giaidauscholar.com) -Sân trơn, bóng ướt, không thể rê dắt, đối phương chủ động phòng ngự, U23 Việt Nam phải chọn cách chơi nào đây? Chỉ có duy nhất một lựa chọn: bóng bổng.
Sân Shah Alam chiều 31/3 là cơn ác mộng cho những đội bóng sở trường chơi kỹ thuật và đá bóng sệt. Cơn mưa rào đổ xuống Shah Alam đã khiến trận đấu suýt phải hoãn lại sang ngày kế tiếp chỉ sau 7 phút thi đấu. Khi các cầu thủ trở lại, trước mặt họ không phải một sân bóng. Đấy là một bãi lầy thực sự.
Trong bối cảnh ấy, HLV Toshiya Miura buộc phải cho các cầu thủ chơi bóng bổng. Và thật bất ngờ khi một đội bóng vốn nhỏ con như Việt Nam đã làm rất tốt đấu pháp ấy.
HLV Miura đã chủ động sắp xếp một hệ thống rất phù hợp với bóng bổng. Lần đầu tiên tại vòng loại, U23 Việt Nam thi đấu với ba tiền đạo. Phương án ấy vừa giúp nâng cao sức tấn công, vừa tạo thêm điểm đến cho những đường tạt bóng trong vòng cấm.
Lối chơi ấy cần những con người phù hợp. Ba cầu thủ to con Duy Mạnh, Ngọc Thắng và Thanh Bình đồng loạt xuất trận. Trong hệ thống ấy, dễ hiểu vì sao Thanh Bình là người ghi nhiều bàn nhất (3 bàn).
Thực ra, lựa chọn bóng bổng không phải là sở trường của U23 Việt Nam. Đó chỉ là một phương án bắt buộc trong tình huống này. Nhưng chính trong bối cảnh ấy, chúng ta mới càng khâm phục những con tính của HLV Miura.
Hãy nhớ những buổi tập bóng bổng chán ngắt của U23 Việt Nam, hãy nhớ những ngày dầm mình dưới mưa của đội bóng. Những nỗ lực ấy hôm nay đã phát huy hiệu quả tối đa. U23 Việt Nam đã thực hiện vô số đường bóng bổng và dễ dàng tìm được bàn thắng. Không chỉ chơi tốt hơn, U23 Việt Nam còn khỏe hơn, nhanh hơn và mạnh hơn hẳn đối thủ.
Đương nhiên, lối chơi bóng bổng ấy phải chấp nhận những sự hy sinh. Văn Toàn đã bị thay ra sớm. Ưu thế tốc độ và khả năng bật nhả của Văn Toàn gần như vô nghĩa dưới mặt sân bị cày nát như ruộng ở Shah Alam.
HLV Miura cũng đã chủ động rút gần hết toàn bộ nhóm HAGL - vốn có ưu thế bóng sệt, ra khỏi sân. Chỉ một mình Công Phượng với những tố chất tấn công đặc biệt và khát vọng không thể nghi ngờ, là được giữ lại.
Đôi công ở trận ra quân, phòng ngự “xe bus” trước Nhật Bản, tấn công tất tay với Macau, U23 Việt Nam của HLV Miura đã thể hiện khả năng thích nghi và thay đổi chiến thuật rất tốt trong mỗi tình huống.
Đó cũng là điểm khác biệt lớn nhất của U23 Việt Nam dưới thời HLV Miura và U19 Việt Nam của ông Guillaume Graechen – đội bóng chỉ biết đá theo đúng một cách.
Thanh Hà