13/06/2015 16:30 GMT+7 | Các ĐTQG
(giaidauscholar.com) - U23 Việt Nam 1-2 U23 Myanmar. Một lần nữa chúng ta lỗi hẹn giấc mơ vàng. Tại sao U23 Việt Nam thua? Chúng ta thử đi tìm câu trả lời cho thất bại.
U23 Việt Nam lại gây thất vọng ở một kỳ SEA Games
Tâm lý căng thẳng, lối chơi không biến hóa
Không có cơ sở chính xác tuyệt đối nào để khẳng định điều đó nhưng đặt ra nghi vấn đó không hẳn là vô lý. Rõ ràng cảm giác chung của cả các cầu thủ lẫn người hâm mộ U23 trước trận bán kết chiều nay là chúng ta tin vào một chiến thắng. Chúng ta nghĩ mình mạnh hơn và sẽ đánh bại U23 Myanmar.
Điều đó có vẻ là tốt nhưng thực ra nó lại tạo áp lực ngược khi các cầu thủ khi U23 Việt Nam vấp phải lối chơi phòng ngự phản công rất khó chịu của đối thủ. Việt Nam vào trận với phong cách một đội cửa trên. Chúng ta tấn công và tấn công, cầm bóng nhiều hơn, ép sân liên tục nhưng khi thời gian càng trôi đi mà bàn thắng không đến, sự căng thẳng càng gia tăng.
Dĩ nhiên, Mạc Hồng Quân đã có nhiều cơ hội. Công Phượng, Huy Toàn cũng thử vận may. Cả Phi Sơn nữa. Nhưng tất cả đều thiếu một chút chính xác, một chút hiểm hóc hay cũng có thể nói là thủ môn U23 Myanmar quá hay. Nhưng những nỗ lực bất thành ấy càng kích thích sự hưng phấn, tập trung và quyết tâm của đối thủ.
Ngược lại, chúng ta càng đá càng chỉ bộc lộ điều duy nhất rõ ràng là sự vội vàng và đơn điệu. Liên tục là giãn biên và tạt cánh. Đó gần như là miếng đánh duy nhất trong nửa cuối hiệp 2 và dĩ nhiên nó rất khó thành công khi các cầu thủ áo trắng thường xuyên không đảm bảo được số lượng người tham gia tấn công đủ nhiều trong các pha lên bóng trong khi trước mặt họ là dày đặc những hậu vệ áo đỏ.
Giãn biên và tạt cánh chỉ nên xem là một miếng đánh để đa dạng hóa lối chơi thay vì dùng nó như vũ khí chủ đạo. Nhưng U23 Việt Nam đã quá thiên về kiểu đá ấy. Nên nhớ, bàn thắng chúng ta ghi được là một pha tấn công trung lộ ở tốc độ cao.
Công Phượng lùi quá sâu
Giống trận gặp U23 Lào, Công Phượng lại lùi quá sâu ở trận này. Dù nguyên nhân là gì thì điều đó cũng hạn chế khả năng sát thương của anh. Tại sao lại như vậy? Một là Phượng không được tiếp bóng từ các đồng đội nên buộc phải lùi về kiếm bóng. Hai là Phượng thường xuyên bị đối thủ phong tỏa ở phía trên nên buộc phải lùi về để tìm khoảng trống. U23 Myanmar đã chấp nhận chơi như một đội cửa dưới, đá phòng ngự phản công và họ để rất ít khoảng trống cho các mũi nhọn của U23 Việt Nam, trong đó có Công Phượng.
Số 10 của U23 Việt Nam nguy hiểm nhất khi nào? Đó là khi chơi gần cấm địa và cầm bóng đột phá vào vòng cấm dựa trên kỹ thuật cá nhân khéo léo hoặc tạo cơ hội đồng đội lập công. Trận này Công Phượng đã đột phá không chỉ một lần nhưng vì khoảng cách thường là còn cách khá xa khung thành U23 Myanmar nên khác biệt không được tạo ra.
Bàn thắng duy nhất của U23 Việt Nam đến từ pha dứt điểm đổi hướng của Công Phượng, tạo cơ hội cho Huy Toàn đá bồi vào lưới trống. Nhưng những tình huống tấn công nhanh để tạo khoảng trống như thế của chúng ta không có nhiều.
U23 Myanmar chơi chiến thuật hợp lý và may mắn
Ngoài tâm lý thi đấu dường như thoải mái hơn chúng ta, U23 Myanmar đã chọn chiến thuật phòng ngự phản công rất hợp lý. Hợp lý ở chỗ họ luôn đảm bảo được số đông cầu thủ trong và xung quanh vòng cấm mỗi khi không có bóng. Trong hầu hết các trường hợp U23 Việt Nam lên bóng, U23 Myanmar đều có đông người phòng thủ hơn số cầu thủ tấn công của chúng ta. Đội bóng áo đỏ để ra không nhiều khoảng trống cho các trò của Miura tận dụng.
Nhưng nếu chỉ thế thì U23 Myanmar đã không chiến thắng. Họ phản công hiệu quả và được vận may gọi tên. Một quả penalty sút thành công sau pha để bóng chạm tay trong vòng cấm của Ngọc Thắng và một cú sút chạm chân Thanh Hiền đổi hướng vào lưới ở hiệp 2 là những bàn thắng bắt nguồn từ may mắn bởi những tình huống tạo nên hai bàn thắng của U23 Myanmar không thường xảy ra.
HT
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất