12/06/2014 08:00 GMT+7
(giaidauscholar.com) - 1. Buổi họp phụ huynh cuối năm tại một trường trung học, giáo viên thông báo, lớp có 50 em, 49 học sinh đạt loại giỏi và chỉ duy nhất một em đạt loại khá. Đây không phải chuyện hiếm khi tỷ lệ học sinh toàn giỏi đang nhan nhản các trường học. Với một chương trình luôn bị coi là quá tải, chẳng lẽ thầy trò của chúng ta giỏi đến vậy?
“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, giáo dục là nền tảng tạo dựng tương lai đất nước, chuyện khá giỏi của một lớp, một trường có thể là chuyện riêng nhưng với cả hệ thống giáo dục thì ai có thể coi đó là chuyện nhỏ.
Sự dối trá trắng trợn, nhất là khi đất nước đang đứng trước nhiều thách thức, tai ương, những người có lương tri không thể không giật mình: Tương lai nước nhà sẽ ra sao?
May sao, chúng ta còn có những lời nói thật.
Một bà mẹ có con đang học lớp 4 tại Hà Nội đã gửi thư xin hạ điểm cho con khi cô giáo nâng điểm để cháu tiếp tục nhận giấy khen học sinh xuất sắc.
Chị viết: “Năm nay con mới chỉ 10 tuổi, học lớp 4. Trước mắt con chặng đường học tập còn rất dài và con sẽ còn phải trải qua nhiều kỳ thi với rất nhiều bài thi nữa còn khó khăn và căng thẳng hơn nhiều. Nếu con được nâng đỡ lần này, con sẽ không rút ra được bài học cho mình, con sẽ không nhớ lỗi sai đã mắc và có thể sẽ lặp lại. Vì vậy, mặc dù rất cảm kích tấm lòng của cô, nhưng bố mẹ con có nguyện vọng muốn xin cô cứ trừ điểm bài đó theo đúng quy định. Dù bài thi Toán này của con có thể bị trừ 1, 2 điểm, có thể ảnh hưởng tới kết quả chung đi nữa thì sẽ tốt cho con hơn nhiều về sau này cô ạ”.
Sự trung thực làm chúng ta nhớ đến lời phát biểu của GS Ngô Bảo Châu trong lễ vinh danh sau khi ông giành giải thưởng Fields: “Trong hầu hết các gia đình Việt Nam, việc học hành rất được coi trọng, nhưng tình yêu tri thức, yêu khoa học, thì theo ý kiến chủ quan của tôi vẫn là chuyện hiếm”. Ông nhìn thấy nền giáo dục mà chuyện thành tích lớn hơn tình yêu tri thức.
2. Sự trung thực và dối trá của nền giáo dục từng được gửi gắm trong bức thư kinh điển của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln gửi thầy hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai ông theo học:
“Xin thầy dạy cho cháu biết thà rằng bị điểm kém vẫn còn hơn là gian lận trong thi cử.
Xin tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo thời thế.
Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều cháu bởi vì chỉ có sự thử thách của lửa mới tôi luyện nên được một con người cứng rắn.
Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác nhất, lại là những kẻ dễ bị đánh bại nhất”.
3. Dối trá chỉ đi liền với sự xấu xa, nhà văn Nga Alekxandr Solzhenitsyn, chủ nhân giải Nobel Văn học năm 1970, người viết Bản tuyên ngôn Không sống bằng dối trá nổi tiếng đã nói rằng: “Bạo lực chỉ có thể được che đậy với một lời nói dối, và lời nói dối chỉ có thể được duy trì nhờ bạo lực. Ai từng đem bạo lực ra làm cách thức rồi chắc chắn sẽ buộc phải lấy dối trá làm nguyên tắc”.
Về mặt nào đó, đất nước chúng ta đang đối mặt với điều Solzhenitsyn cảnh báo. Nhưng sự dối trá trong giáo dục không mang lại sức mạnh trước súng đạn của kẻ thù, ở trên biển, trên không, trên lĩnh vực kinh tế…
Hãy tỉnh táo trước khi quá muộn, để chúng ta có được những “người cứng rắn” đánh bại những “kẻ bắt nạt”.
Nguyễn Gia
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất