Điện ảnh Việt 2020 - Vui buồn lẫn lộn!

29/12/2020 07:46 GMT+7 | Văn hoá

(giaidauscholar.com) - Năm 2020 dự kiến có gần 50 phim Việt ra rạp, kết quả chỉ có 24 phim, trong khi năm 2019 là 45 phim. Tuy số lượng chỉ đạt hơn một nửa, nhưng cũng như mọi năm, chỉ chừng 1/4 tạm ổn về mọi mặt, hơn 10% nổi trội, phổ biến vẫn thường thường bậc trung và yếu.

Phim truyền hình Việt 2020: Thiếu bom tấn, nhưng vẫn đầy… dấu ấn!

Phim truyền hình Việt 2020: Thiếu bom tấn, nhưng vẫn đầy… dấu ấn!

Dù thiếu “bom tấn” truyền hình thắng lớn cả về rating (tỷ suất người xem) và dư luận nhưng cũng phải thừa nhận năm 2020 vẫn có những tác phẩm truyền hình để lại dấu ấn trong lòng khán giả.

Tính đến cuối tháng 12, các phim tương đối nổi trội và cân đối được các yếu tố chất lượng/doanh thu của 2020 chỉ có Ròm, Gái già lắm chiêu 3, Tiệc trăng máu, Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử.

Những tín hiệu đáng nhớ

Về thể loại, năm 2020 nổi lên bằng các phim độc lập và phim tài liệu. Tiêu biểu nhất của dòng phim độc lập có Ròm (đạo diễn: Trần Thanh Huy), khi đã đưa Việt Nam lần đầu tiên bước lên bục cao nhất của Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 24. Nhờ giải New Currents và “sự khát phim Việt” sau Covid-19, Ròm đã rất thành công về phòng vé và giúp khán giả lấy lại dũng khí để đến rạp sau đại dịch kéo dài.

Các phim độc lập khác đã công chiếu có Sài Gòn trong cơn mưa, Trái tim quái vật, Chồng người ta, Hoa Phong Nguyệt Vũ. Tất cả đã cho thấy nỗ lực, sự quyết tâm làm bằng được các phim kinh phí thấp, có chất lượng. Nhưng không phải lúc nào cũng như ý, trong các phim này, chỉ có Sài Gòn trong cơn mưaTrái tim quái vật là tròn trịa hơn, cao tay nghề hơn.

Chú thích ảnh
Việc “Tiệc trăng máu” xếp vị trí thứ 4 trong 10 phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại ngay giữa thời Covid-19 là một khích lệ lớn cho giới sản xuất

Trước đây các phim tài liệu ít có cơ hội ra rạp, thì gần đây tình hình đã có thay đổi, cuối năm 2020 có Màu cỏ úa (nhà làm phim: Lan Nguyên) là một điểm nhấn. Phim phục dựng một phần chân dung của nhạc sĩ Trần Tiến, với cái nhìn sống động, chân thực, gần gũi.

Phim tài liệu Đoạn trường vinh hoa (nhà làm phim: Lê Mỹ Cường - Thanh Nguyễn) cũng đã lấy nước mắt nhiều khán giả tại rạp, khi đó là cuộc theo chân một gánh cải lương tuồng cổ còn sót lại ở miền Tây, với cuộc sống nghèo khó, bấp bênh. Giới sân khấu ngày xưa có ước mơ sống và chết trên sân khấu, phim này đã ghi lại được cảnh đắt giá và xúc động này.

Nếu xem nghiên cứu - phê bình là một cánh tay không thể tách rời của nền điện ảnh, thì dấu son song hành năm 2020 chắc chắn là cuốn biên khảo Người tình không chân dung của Lê Hồng Lâm. Sách đưa độc giả trở về với điện ảnh Sài Gòn giai đoạn 1954-1975, với ước tính số phim đã công chiếu vào khoảng 250-300 phim, nơi tư nhân giữ vai trò trọng yếu, với hơn 60 hãng phim. Đơn cử như năm 1957 Sài Gòn đã công chiếu tới 37 phim, một con số ấn tượng tại châu Á thời bấy giờ.

Ở khía cạnh “đối ngoại”, phim Chị chị em em (đạo diễn: Kathy Uyên) được chọn chiếu ở hạng mục Cửa sổ điện ảnh châu Á tại Liên hoan phim Quốc tế Busan lần thứ 25, trong khi Mắt biếc (đạo diễn: Victor Vũ) được chọn dự sơ tuyển giải Oscar lần thứ 93.

Chú thích ảnh
Cân bằng được cả nghệ thuật và doanh thu, Ròm là một dấu ấn của năm 2020

Câu chuyện doanh thu

Theo Box Office Vietnam, tổng doanh thu phòng vé tại Việt Nam năm 2020 vào khoảng 1.800 tỷ đồng, đạt gần 43% năm 2019, với hơn 4.200 tỷ đồng. Theo ước tính của CGV từ khi Covid-19 chưa xảy ra, tổng doanh thu phòng vé năm 2020 sẽ hơn 4.700 tỷ đồng, tương đương 202,7 triệu USD.

Dù chỉ có 24 phim được công chiếu xen kẽ giữa 2 đợt Covid-19, nhưng các con số đạt được đã có tính khích lệ các nhà đầu tư, sản xuất. Nếu đầu năm có Đôi mắt âm dương (hơn 39 tỷ đồng), Gái già lắm chiêu 3 (gần 168 tỷ đồng), thì cuối năm có Ròm (gần 60 tỷ đồng), Tiệc trăng máu (hơn 180 tỷ đồng). Doanh thu của 2 phim cuối năm rất quan trọng, nơi mang lại niềm tin rằng cứ phim đủ sức hút là sẽ có khán giả, dù bối cảnh chung của đại dịch vẫn còn có nhiều lo lắng. Nhìn ở khía cạnh doanh thu, gần một nửa của 24 phim đã công chiếu là đạt được mong muốn.

Năm 2019, trong 10 phim có doanh thu phòng vé cao nhất tại Việt Nam, phim Việt đã chiếm một nửa. Còn trong 10 phim Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại, riêng năm 2020 đã góp 2 phim, đó là Tiệc trăng máu (xếp vị trí thứ 4) và Gái già lắm chiêu 3 (xếp vị trí thứ 6). Các phim còn lại của năm Âm lịch Canh Tý dự kiến sẽ làm nên chuyện về doanh thu là Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử, Lật mặt 5: 48h, Gái già lắm chiêu 5 - Những cuộc đời vương giả, Trạng Tý…

Chú thích ảnh
Cuốn biên khảo Người tình không chân dung của Lê Hồng Lâm

Những phim yếu và đuối

Dù vài phim sắp kể ra đây có doanh thu khá tốt, nhưng chất lượng nhìn chung là yếu và đuối. Dạng thảm họa của năm có Bí mật đảo linh xà, Tiền nhiều để làm gì?, Sắc đẹp dối trá, Tôi là não cá vàng, Thang máy… những phim còn yếu thì có 30 chưa phải Tết, Cuốc xe nửa đêm, Đỉnh mù sương, Chồng người ta, Hoa Phong Nguyệt Vũ… Nếu nhìn vào doanh thu, việc Bí mật đảo linh xà chỉ đạt khoảng 116 triệu đồng, dù có sự tham gia của ê-kíp từ Hong Kong (Trung Quốc), Tiền nhiều để làm gì? (663 triệu đồng), Chồng người ta (hơn 4,6 tỷ đồng)… rất dễ gây nản lòng.

Vài năm qua điện ảnh Việt đã tạm vắng bóng các phim thảm họa. Nhiều người, đặc biệt khán giả, khấp khởi mừng. Để rồi, thật đáng lo khi năm 2020 lượng phim này “tái phát” đến 5-6 phim, chiếm gần 1/4 số phim công chiếu. Dường như những người đầu tư các phim này hoặc muốn mượn màn ảnh rộng để làm các việc riêng nào đó, hoặc nghĩ nơi này “dễ ăn” nên cứ làm tới.

“Điện ảnh của chúng ta hiện nay vẫn chủ yếu tập trung vào dòng phim thương mại và giải trí, dẫn đến sự mất cân bằng của thị trường và sự đa dạng của thể loại. Điều đó dẫn đến hậu quả là những bộ phim nghệ thuật hoặc đầu tư kỹ càng về mặt nghệ thuật nhưng câu chuyện không hợp thị hiếu vẫn dễ dàng thất bại, các nhà đạo diễn đi theo dòng phim này vẫn đang chật vật để tiếp tục chí hướng mà họ theo đuổi” - nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm nhận định.

Phim Tết và phim còn nợ

Dịp Tết Tân Sửu (2021) dự kiến có bốn phim Việt công chiếu, gồm Gái già lắm chiêu 5, Trạng Tý, Lật mặt 5: 48h, Bố già. Đây sẽ là một cuộc cạnh tranh khốc liệt về doanh thu phòng vé, vì cả bốn có giao thoa rất lớn về lượng khán giả. Các phim từng dự kiến công chiếu năm 2020 nhưng chưa thấy là Thiên đường, Kiều, Kiều @, Vũ khúc thanh xuân, Kup bế: Tiếng khóc vong nhi, Chiến dịch chống ế, Sơn Tinh - Thủy Tinh: Chuyện chưa kể, Đại movie, Thanh Sói, Thành phố ngủ gật, Hương Ga 2, Hành trình nhân quả, Maika - Cô bé từ trên trời rơi xuống, Đưa nhau đi trốn, Số hưởng, Ngoại tình, Tay chơi hết chiêu, Kho báu quốc gia, Trịnh Công Sơn, Cậu Vàng…

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm